Bị mất trộm tài sản, chị Hà làm đơn trình báo đến cơ quan Công an thì liên tục bị đe dọa giết, làm nhục nếu không chịu rút đơn về.
Trong đơn gửi đến Báo Công lý, chị Tạ Thị Hà ở xã Võng La, huyện Đông Anh, TP Hà Nội phản ánh bị mất trộm 10 triệu đồng tiền mặt và 4 triệu đồng tiền thẻ điện thoại gồm Viettel, Vina, Mobile khi để trong túi sách tại gia đình vào ngày 27/5/2016.
Chị Hà cho biết, tổng giá trị tài sản bị mất là 14 triệu đồng. Đây là số tiền chị dành dụm để lấy hàng, bán đồ tạp hóa ngay tại nhà. Ngay sau khi phát hiện số tiền “không cánh mà bay”, chị Hà đã trình báo sự việc lên đồn Công an Kim Chung, huyện Đông Anh.
Vẫn theo chị Hà, trước khi phát hiện mất tài sản, khoảng thời gian từ 13h đến 13h40 phút ngày 27/5/2016, có chị L.T.M là người đang ở trọ nhà chị Hà lên chơi. Sau khi chị M về thì chị tá hỏa phát hiện chiếc túi xách đựng tiền và thẻ điện thoại bị mất. Tiếp nhận đơn trình báo của chị Hà, đồn Công an Kim Chung đã cử cán bộ xuống xác minh, lập biên bản và điều tra sự việc.
Chị Hà chỉ vị trí chiếc túi xách bị mất trộm
Đáng chú ý, trong khi Công an đang điều tra vụ mất trộm tải sản, thì chị Hà Liên tục nhận được điện thoại của anh N.B.M là chồng của chị L.T.M, yêu cầu bắt rút đơn nếu không sẽ phải chịu hậu quả xấu. Trước lời đe dọa này, chị Hà đã báo cáo sự việc cho đồn Công an Kim Chung.
Sau đó, anh N.B.M và chị L.T.M bất ngờ chuyển phòng trọ đi trong đêm đến một địa chỉ khác mà không rõ lý do. Khi sự việc vẫn chưa được giải quyết, vào lúc 20h52 phút ngày 14/6, anh M tiếp tục gọi điện nói có người nhà làm Công an và đe dọa giết và làm nhục nếu không chịu rút đơn.
Hoang mang, chị Hà lại gọi điện cho cán bộ thụ lý vụ trộm cắp tài sản của đồn Công an Kim Chung đề nghị có biện pháp bảo vệ gia đình.
Tiếp xúc với phóng viên Báo Công lý, chị Hà bức xúc: "Tôi đã đưa người trực tiếp nhìn thấy sự việc lên đồn Công an Kim Chung để làm chứng, cán bộ Công an đã đến gặp gia đình và nhân chứng nhưng không biết vì lý do gì đến nay sự việc vẫn im lặng”.
Sốt ruột vì sau gần một tháng không nhận được bất cứ thông báo gì, ngày 21/6/2016, chị Hà đã gửi đơn đến Công an huyện Đông Anh, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh, Công an TP Hà Nội, đề nghị các cơ quan vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc và điều tra số tài sản bị mất trộm.
Giấy trả lời của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh
Chờ đợi đến ngày 11/7, chị Hà nhận được giấy hồi âm của Viện KSND huyện Đông Anh với nội dung đã chuyển đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh để giải quyết theo thẩm quyền. Thế nhưng từ đó đến nay, gia đình chị Hà không nhận được thông báo gì từ phía Cơ quan Công an.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chồng chị Hà mất sớm vì bạo bệnh, một mình chị nuôi con nhỏ và bố mẹ chồng nay đã già yếu. Ở địa phương, chị Hà làm nghề may và bán hàng tạp hóa tại nhà. Ngoài ra, gia đình nhà chồng có một số phòng trọ cho công nhân làm ở khu công nghiệp Thăng Long thuê.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiển, Trưởng đồn Kim Chung cho biết đơn vị đã thụ lý đơn của chị Tạ Thị Hà và đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh để điều tra theo đúng thẩm quyền, đến nay vẫn chưa có kết quả.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Đông Anh xác nhận, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn xã Võng La và đang tổ chức xác minh điều tra và chưa rõ thủ phạm.
Điều 119 (Bộ Luật tố tụng hình sự quy định): Thời hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
|
theo Công lý