Theo tờ trình, 2 nhà đầu tư được đề xuất là Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) để thực hiện dự án. Trên thực tế, 2 doanh nghiệp này đã đề xuất thực hiện thủ tục xin chấp thuận đầu tư dự án từ năm 2007.
Cũng theo báo cáo, quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125ha, trong đó sẽ làm trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.
Một báo cáo khác của UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, diện tích đất dự kiến thực hiện dự án đang sử dụng để trồng lúa, trồng màu, trồng cây hàng năm, lâu năm, nuôi trồng thủy sản,... thuộc địa phận xã Tân Minh và một phần diện tích đất nông nghiệp thuộc xã Phù Linh. Trong đó, đất nông nghiệp lên tới hơn 80 ha, đất phi nông nghiệp hơn 22 ha.
"Việc triển khai dự án sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa, tuy nhiên không tác động đến quy hoạch sử dụng đất lúa của thành phố Hà Nội cũng như huyện Sóc Sơn. Số lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng là hơn 3.200 người", tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
Theo báo cáo, dự án trường đua ngựa có tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 9.557 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD, trong đó riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư khoảng 348 triệu USD.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư , hoạt động kinh doanh đặt cược không thuộc diện hưởng ưu đãi đầu tư. Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu dự án trên được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo nhà đầu tư ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, UBND TP Hà Nội cần yêu cầu nhà đầu tư làm việc với các ngân hàng để cụ thể hóa thành các hợp đồng tín dụng, quy định cụ thể tiến độ giải ngân vốn vay để đảm bảo tính khả thi trong việc huy động vốn cho dự án như đã cam kết.
Hà Nguyễn
Theo Dân Trí