Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” tái hiện lại trang sử vẻ vang của mảnh đất Nghệ - Tĩnh

Tối 22/7, tại quảng trường Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) diễn ra chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”.

Chương trình được Truyền hình Nhân Dân - báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.

Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022); 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 54 năm ngày hy sinh của 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2022).

Hàng nghìn người về tham dự chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện các cơ quan ban ngành địa phương cùng đông đảo bà con nhân dân…

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc.

“Cõi thiêng Đồng Lộc” là sự tái hiện hình ảnh con người xứ Nghệ, đặc biệt là những cô gái sông La kiên cường trên nền những câu hò, điệu ví dặm Nghệ Tĩnh. Chương trình đã đưa khán giả trở về với những trang sử vẻ vang của mảnh đất Nghệ - Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc, với tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam, đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, nơi diễn ra cuộc đọ sức cam go giữa, ý chí quật cường và khát vọng hòa bình của quân và dân ta với bom đạn khốc liệt của Đế quốc Mỹ.

Chỉ tính từ năm 1964 - 1968, ngã ba Đồng Lộc đã phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, ước tính, mỗi mét vuông diện tích ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của Tiểu đội 4 Đại đội 552 thanh niên xung phong do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng.

Trận bom khủng khiếp và tàn khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của 10 cô gái, người trẻ nhất 18 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 24, họ đều đang ở lứa tuổi đôi mươi đẹp nhất đời người.

Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết. 10 cô gái Đồng Lộc và biết bao chiến sỹ, thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi xanh, gạt đi nỗi nhớ, niềm thương riêng để sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc. Họ đã lấy máu xương của mình để hiến dâng cho Tổ quốc, đã viết nên một huyền thoại Ngã Ba Đồng Lộc. Tinh thần của họ sẽ sống mãi, màu xanh lứa tuổi 20 của họ mãi bất tử và được các thế hệ khắc ghi, tiếp nối.

Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” tái hiện lại trang sử vẻ vang của mảnh đất Nghệ - Tĩnh với nhiều tiết mục đặc sắc.

Phát biểu tại chương trình nghệ thuật, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đã có hơn 16 nghìn người thuộc các lực lượng kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu với quyết tâm sắt đá “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “tim có thể ngừng đập, nhưng đường phải thông”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hôm nay, chúng ta có mặt ở Ngã ba Đồng Lộc, nơi chiều 24/7/1968, mười nữ TNXP đã ngã xuống lòng đất mẹ ở tuổi con gái trắng trong. Máu xương của các chị, của các anh hùng nghĩa liệt đã góp phần làm nên chiến thắng, làm nên cuộc sống an lành, hạnh phúc hôm nay, mà không lúc nào, không ai có thể cho phép mình quên đi điều đó.”

Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, sự linh thiêng của Ngã ba Đồng Lộc là sự linh thiêng của trùng điệp máu xương ông bà, cha mẹ, thấm vào đất đai để làm nên thiêng liêng của Tổ quốc. Sự linh thiêng này như một tiếng vọng ngàn thu từ quá khứ, thôi thúc chúng ta, bồi đắp trong thế hệ trẻ hôm nay lòng tri ân sâu sắc và khát khao vươn lên mạnh mẽ.

Tại chương trình, ông ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã hoan nghênh và đánh giá cao Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cõi thiêng Đồng Lộc”. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.

“Trên mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa, giờ đây đang là một Đồng Lộc đổi mới, một Hà Tĩnh khởi sắc, chuyển mình phát triển mạnh mẽ, vững bước đi lên cùng đất nước. Đây chính là sự tri ân có ý nghĩa thiết thực nhất đối với công ơn to lớn của các thế hệ cha anh.

Tôi tin tưởng, với truyền thống cách mạng vẻ vang, với niềm tự hào về Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục vững bước đi lên với niềm tin, quyết tâm và giành nhiều thắng lợi mới; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.” Ông Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ chính Trị, giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương chia sẻ.

Ban tổ chức trao quà cho thân nhân liệt sỹ.

Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”, thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, các cựu TNXP, dân công hỏa tuyến, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, các gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.

Hoài Thanh/KTĐU

Từ khóa: