Cách đây 50 năm, chiến thắng Đồng Lộc đã viết nên một trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta, biết bao anh hùng đã hi sinh để giữ cho tuyến đường chi viện luôn được thông suốt, trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong biểu tượng cho 10 bông hoa bất tử.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên tuyến QL15 (đường 15) được ví như “yết hầu” của tuyến giao thông Bắc - Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Năm 1968, khi các tuyến đường, đặc biệt tuyến QL1 qua Hà Tĩnh đã bị máy bay Mỹ đánh sập hết các cầu cống, đường 15 là tuyến huyết mạch duy nhất còn lại tiền tuyến miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Để phá tan ngã ba yết hầu này đế quốc Mỹ đã huy động một khối lượng bom đạn khổng lồ phương tiện vũ khí hiện đại, tập trung đánh phá. Cuộc đối đầu lịch sử tưởng chừng như không cân sức này giữa ý chí Việt Nam chống lại các loại vũ khí tối tân hiện đại của chủ nghĩa đế quốc ở Ngã ba Đồng Lộc là cuộc đọ sức mang tính thời đại. Chính đó đã giúp chúng ta viết nên một trang sử vàng chói lọi trong lịch sử.
Ngã ba Đồng Lộc - “Một chiến công chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng”. Để hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa được triển khai.
Cùng với Hội thảo khoa học: "50 năm Chiến thắng Đồng Lộc - Giá trị lịch sử và hiện thực". Tối 20/7, Lễ trao giải “Cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc” - Những đóa hoa bất tử diễn ra. Được biết, qua 2 tháng triển khai, cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc đã nhận được 87 tác phẩm tham dự. Ban Tổ chức đã chọn được 10 tác phẩm để trao giải, trong đó tác phẩm “cổ tích quê mình” đã nhận được giải A.
Nằm trong chuỗi sự kiện, sáng ngày 21/7, Chi hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cũng đã tổ chức triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật với chủ đề “Khoảnh khắc Đồng Lộc”.
Ảnh triển lãm gồm ảnh tư liệu về Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những khoảnh khắc đẹp, thiêng liêng, cảm động theo dòng sự kiện; hình ảnh về các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, bạn bè quốc tế, du khách gần xa và các tầng lớp nhân dân tri ân, báo công, tưởng niệm 10 nữ liệt sỹ TNXP, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Cùng thời gian, tại Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã để lại ấn tượng với chương trình hội quân và hành trình “Những dấu ấn vinh quang” nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc.
Tổ chức 05 đoàn hành trình đi thăm, viếng, dâng hương, hoa các khu di tích cách mạng, khu tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ, địa chỉ đỏ trên địa bàn.
Đoàn trao tặng 30 nhà tình nghĩa trị giá mỗi nhà 50 triệu đồng; 30 suất học bổng trị giá mỗi suất 2 triệu đồng; 10 sổ tiết kiệm tặng gia đình 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh tại Đồng Lộc trị giá 3.000.000 đồng/sổ; 50 suất quà tặng gia đình chính sách, người có công với cách mạng trị giá 2.000.000 đồng/suất; 04 sân chơi thiếu nhi trị giá 60 triệu đồng/sân chơi; 01 thư viện sách “Thanh thiếu nhi làm theo lời Bác” trị giá 100 triệu đồng; 02 đường điện thanh niên, trị giá 50 triệu đồng; khám chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí với 1.000 cơ số thuốc và 200 máy trợ thính… Tổng giá trị chương trình ước tính trên 2,3 tỷ đồng.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, tối ngày 21/7, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức trọng Lễ và chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đồng Lộc – Bài ca bất tử”.
Tại diễn văn buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã ôn lại những giây phút hào hùng, oanh liệt cách đây 50 năm.
Với vị trí địa lý đặc biệt, “yết hầu giao thông” quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, Ngã ba Đồng Lộc cũng như nhiều địa danh khác, trở thành điểm quyết chiến chiến lược, nơi diễn ra cuộc đọ sức cam go giữa ý chí, tinh thần thép của quân và dân ta với thủ đoạn xâm lược và bom đạn khốc liệt của kẻ thù.
Với âm mưu biến Ngã ba Đồng Lộc thành “toạ độ chết”, chặn đứng sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, không quân Mỹ đã đánh phá gần 1.900 lượt, ném hơn 50 ngàn quả bom các loại; mỗi mét vuông đất nơi đây đã phải oằn mình hứng chịu 3 quả bom tấn.
Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, đã có trên 16 ngàn người thuộc lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, công an, công nhân giao thông, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu trên mặt trận Đồng Lộc với quyết tâm sắt đá “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “tim có thể ngừng đập, nhưng đường phải thông”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Nhiều người con ưu tú của quê hương, đất nước đã anh dũng hy sinh, nằm lại trên mảnh đất này. Tiêu biểu là 10 nữ Thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552, hy sinh ngày 24 tháng 7 năm 1968 khi đang làm nhiệm vụ ở tuổi đời trinh trắng mười tám, đôi mươi. Tấm gương hy sinh anh dũng của các anh, các chị đã làm nên chiến thắng Đồng Lộc, góp phần cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng sáng ngời về ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam; thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, là một mốc son chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác.
"Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cũng như đồng bào cả nước vô cùng tự hào và mãi mãi khắc ghi những chiến công, sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc. Máu xương các anh, các chị đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương Hà Tĩnh, của dân tộc Việt Nam anh hùng", Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để làm nên Chiến thắng Đồng Lộc đã có biết bao người con thân yêu của quê hương, đất nước mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này. Trong đó, tiêu biểu nhất là sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ thanh niên xung phong - 10 đóa hoa trinh liệt đã viết thêm một câu chuyện huyền thoại bất tử của dân tộc ta.
“Chiến thắng Đồng Lộc là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của ngọn cờ cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại của Đảng ta.
Những tấm gương quên mình vì Tổ quốc, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ đã làm rạng ngời đất mẹ, mãi mãi được khắc ghi không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và trong lịch sử dân tộc ta; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ: “Với những hy sinh, mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất. Chúng ta càng phải kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; tiếp tục nỗ lực phấn đấu hết sức mình để các thế hệ người dân Việt Nam mãi mãi được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc”.
Cũng tại buổi lễ, người xem đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc tái hiện lại khí thế hào hùng, oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Trí Thức - Diễm Phước
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng