Sự kiện hot
7 năm trước

Hà Tĩnh: “Quan huyện” lập kế lừa dân cuỗm đất vàng giá rẻ

Dự án "khủng" về với xã, những mảnh đất cằn cỗi của người dân Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bỗng trở thành những mảnh "đất vàng" quý giá. Nhưng người dân chân lấm tay bùn chưa kịp hưởng lợi, các "quan" đã lập kế cuỗm đi những mảnh đất giá trị với giá rẻ mạt, khiến dân chỉ biết khóc ròng vì uất ức…

 Khi "tấc đất" thành "tấc vàng"

Hàng chục năm qua, xã Thịnh Lộc thuộc huyện Can Lộc, nay là huyện Lộc Hà, luôn là một trong những địa phương thuộc diện nghèo nhất tỉnh Hà Tĩnh. Ruộng đồng khô cằn, hạn hán quanh năm, thế nên người dân nơi đây ai không bươn chải với nghề đi biển đều phải làm thuê đủ thứ nghề hay tha hương mưu sinh.

Đã nghèo khó, bão tố còn đổ bộ thường xuyên, nhà cửa tạm bợ không đủ sức chống đỡ, vô số hộ dân ven biển đã phải lùi vào xa, ẩn nấp sau những đụn cát, rừng phi lao.

Bờ biển kéo dài cả chục cây số bằng phẳng, trong lành, nhưng chẳng ai dám nghĩ những mảnh đất ấy sẽ "đẻ ra tiền".

Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ đầu năm 2016, khi dự án khu nghỉ dưỡng biển Vinpearl Hà Tĩnh Ocean Villas được triển khai tại đây.

Kể từ khi dự án khu nghỉ dưỡng ven biển được hình thành cũng là lúc vùng đất hoang sơ được đánh thức.

Vùng đất hoang sơ năm nào bỗng chốc được đánh thức. Các loại hình dịch vụ ở đây bắt đầu được nhen nhóm và khởi sắc. Mỗi mét đất nằm quanh khu nghỉ dưỡng này vì thế cũng tăng giá từng ngày. Không ít con buôn đã lùng sục để có được những miếng đất đẹp, kiếm lời.

Tại thôn Hòa Bình nằm ngay sát khu nghỉ dưỡng, mảnh vườn gần 1.300 m2 của cụ bà Nguyễn Thị Là (85 tuổi) hay lô đất hơn 1.000 m2 của anh Trần Xuân Thành... từng phải vắng chủ do thiên tai, nay trở thành những khu đất tuyệt đẹp nhờ mặt tiền đối diện với khu nghỉ dưỡng.

Nhưng khi dân nghèo chưa được lợi thì một bộ phận cán bộ huyện đã dùng đủ chiêu để cuỗm đi những lô đất vàng với giả rẻ mạt.

"Quan" lập kế lừa dân

Chúng tôi về thôn Hòa Bình tìm gặp hộ anh Trần Xuân Thành (SN 1980) và chị Nguyễn Thị Luân (SN 1985) - chủ hộ vừa có đơn gửi cơ quan chức năng huyện Lộc Hà tố cáo bị cán bộ huyện lừa gạt, phải bán đi lô đất giá trị với giá rẻ.

Nhà anh Thành, chị Luân nằm ở giữa xóm, là căn nhà xây cấp 4, tài sản không có gì nhiều. Anh Thành đang đi làm thuê, chị Luân đổ bệnh ở nhà trông con giữa cái oi nóng hầm hập như lò sưởi.

Nghe hỏi về chuyện lô đất vừa bán đi, giọng chị Luân uất nghẹn. Chị lấy tờ giấy ghi bằng tay sơ sài, nhiều sai sót về bản “hợp đồng chuyển nhượng đất” giữa vợ chồng chị với ông Đặng Trần Thông, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Lộc Hà cho chúng tôi xem.

Chị Luân thuật lại câu chuyện bị cán bộ Phòng TN&MT huyện Lộc Hà lừa bán đất vàng với giá rẻ.

Theo lời chị Luân, vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2016, ông Thông tìm đến nhà chị hỏi mua lô đất 1.080 m2 vốn là đất cha ông để lại, có trong bản đồ 299.

“Ông ấy đến lần đầu, lần hai nài nỉ vợ chồng chúng tôi. Nhưng mặt chưa muốn bán, mặt ông ấy trả giá rẻ quá nên vợ chồng tôi không bán” – chị Luân thuật lại.

Vẫn theo lời chị Luân, vợ chồng chị không đồng ý, ông cán bộ địa chính lại tìm đến nhà kì kèo thêm nhiều lần nữa. Vị cán bộ huyện vừa trả giả, vừa nói mảnh đất của vợ chồng chị không thể làm được sổ đỏ, khuyên vợ chồng chị Luân bán đi.

Vì thiếu hiểu biết, vợ chồng anh Thành chị Luân vẫn tin đây là "Hợp đồng chuyển nhượng đất". Trên thực tế, đây là giấy đặt cọc tiền mua đất của ông Đặng Trần Thông, cán bộ Phòng TN&MT huyện Lộc Hà với vợ chồng chị.

“Nghe ông ấy nhiều lần nói đất chúng tôi không làm được bìa đỏ, vợ chồng tôi vặn hỏi lại không làm được bìa thì mua làm gì? Ông ấy trả lời muốn mua lại, lời ăn lỗ chịu” – chị Luân kể tiếp.

Vì gia cảnh quá túng thiếu, thiếu hiểu biết, lại tin lời ông cán bộ địa chính huyện nên khi được trả mức giá 200 triệu đồng, vợ chồng chị đã đồng ý bán.

"Sau khi bán, ông Thông đưa đến nhà vợ chồng tôi mấy thứ giấy tờ bảo vợ chồng tôi ký vào. Chúng tôi ký mà không hề hay biết đấy là ông ấy đã dùng chiêu cuỗm mất của vợ chồng tôi mảnh đất quý với giá rẻ. Giá rẻ đến độ thời gian qua vợ chồng tôi phát ốm vì tiếc nuối”- chị Luân buồn bã nói tiếp.

Chị Luân đứng trên lô đất hơn 1.000 m2 đã bán đi với giá 200 triệu đồng. Bên kia con đường, ngay đối diện mảnh đất là khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Gia đình chị càng ấm ức hơn khi được biết ông Thông đã làm được sổ đỏ mảnh đất này. Chị Luân cho biết sau khi làm sổ đỏ, những cán bộ này còn bán mảnh đất cho một cán bộ khác ở Sở Nội vụ tỉnh (đã về hưu) với giá cao ngất.

Tương tự nhà anh Thành chị Luân, lô đất số 367 tờ bản đồ số 3, hồ sơ 299 có diện tích 1.293 m2 của cụ Nguyễn Thị Là, 85 tuổi (nằm sát đất nhà anh Thành) cũng bị nhóm cán bộ ở Phòng TN&MT huyện Lộc Hà dùng chiêu “đất không làm được sổ đỏ” để mua lại với giá 350 triệu đồng.

Lô đất của cụ Nguyễn Thị Là.

Sau khi mua được lô đất của cụ Là, nhóm cán bộ Phòng TN&MT huyện Lộc Hà đã "phù phép" hồ sơ (thiếu sót về hồ sơ thủ tục, không có phiếu niêm yết thông tin công khai tại khu dân cư, chuyển nhượng đất vườn sang đất ở sai quy định), biến lô đất gần 1.300 m2 đất vườn thành lô đất ở mang chính tên cụ Là.

Cụ Là bật khóc khi nhắc đến chuyện vì bán lô đất với giá rẻ mà gia đình cụ nảy sinh mâu thuẫn, lục đục.

Người dân cho biết, sau khi làm sổ đỏ, nhóm các bộ của ông Thông đã phân lô đất mang tên cụ Là ra thành 4 lô, đứng danh cụ Là làm thủ tục bán cho 4 người tại thành phố Hà Tĩnh.

Khi nhóm cán bộ này đang làm hồ sơ thủ tục chuyển nhượng thì bị người dân phát giác, trình báo UBND huyện.

Văn Dũng
Theo Dân trí

Từ khóa: