Sự kiện hot
6 năm trước

Hai doanh nghiệp 'bí ẩn' mua hết lô 200 tỉ đồng trái phiếu dài hạn của BIDV

Lượng trái phiếu này bao gồm 100 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 7 năm và 100 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 10 năm. Đây đều là loại trái phiếu thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV.

Hai doanh nghiệp trong nước mua trọn lô trái phiếu 200 tỉ đồng của BIDV - Ảnh 1.
Ảnh: Quốc Thuỵ.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) thông báo phát hành riêng lẻ thành công 200 tỉ trái phiếu dài hạn vào ngày 28/6. Lượng trái phiếu BIDV phát hành đợt này gồm 100 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 7 năm và 100 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 10 năm.

Số trái phiếu do BIDV phát hành được hai doanh nghiệp trong nước mua trọn. Tuy nhiên, BIDV không công bố chi tiết tên các trái chủ.

BIDV cho biết đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo, thanh toán bằng đồng VND, là nợ thứ cấp của ngân hàng và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn tự có cấp 2 theo qui định hiện hành.

Kì hạn trả lãi là tròn 12 tháng liên tục kể từ ngày phát hành trái phiếu 28/6/2019.

Đối với trái phiếu kì hạn 7 năm, lãi suất áp dụng cho kì trả lãi đầu tiên là 7,93%/năm. 

Lãi suất áp dụng cho các kì thanh toán tiếp theo = lãi suất tham chiếu + 1,1%/năm. 

Nếu ngày 28/6/2021 BIDV không tiến hành mua lại lượng trái phiếu này, lãi suất áp dụng cho các kì thành toán lãi tiếp theo được xác định bằng Lãi suất tham chiếu + 3,6%/năm.

Đối với trái phiếu kì hạn 10 năm, lãi suất áp dụng cho kì trả lãi đầu tiên là 8,03%/năm. 

Lãi suất áp dụng cho các kì thanh toán tiếp theo = lãi suất tham chiếu + 1,2%/năm. 

Nếu ngày 28/6/2024 BIDV không tiến hành mua lại lượng trái phiếu này, lãi suất áp dụng cho các kì thành toán lãi tiếp theo được xác định bằng Lãi suất tham chiếu + 2,2%/năm.

Lãi suất tham chiếu được xác định bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, lãi trả sau của kì hạn 12 tháng công bố trên trang thông tin điện tử chính thức của 4 ngân hàng tham chiếu tại ngày xác định lãi suất của kì thanh toán lãi. Trong đó, 4 ngân hàng tham chiếu gồm: Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV.

Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế. Mới nhất, VPBank đã thông qua phương án phát hành tối đa 1,12 tỉ USD trái phiếu quốc tế kì hạn từ 3 đến 5 năm. Tương tự, TPBank cũng lên kế hoạch phát hành 200 triệu trái phiếu quốc tế kì hạn từ 3 đến 5 năm.

Trong tháng 6, ACB thông báo phát hành thành công 4.500 tỉ đồng trái phiếu; HDBank thu về 5.000 tỉ đồng từ đợt phát hành trái phiếu lần 1 năm 2019. Trong khi, "ông lớn" VietinBank cũng công bố kế hoạch phát hành 10.000 tỉ trái phiếu trong năm nay.

Theo các chuyên gia, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong năm 2019 khi thời điểm áp dụng thông tư 41/2016 với những quiy định về tỉ lệ an toàn theo chuẩn Basel II đang đến gần. Trong khi đó, bất chấp nhiều nỗ lực, vốn của các ngân hàng gần như không có sự thay đổi đáng kể trong thời gian qua; đặc biệt là tại các ngân hàng TMCP Nhà nước.

Theo thống kê mới nhất về hoạt động của hệ thống TCTD, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm NHTM nhà nước vào cuối tháng 4/2019 chỉ đạt 9,61%, thấp hơn nhiều so với bình quân của hệ thống là trên 12%. Trong khi tỉ lệ này tại khối và NHTM cổ phần cũng chỉ là hơn 11%.

Quốc Thụy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz

Từ khóa: