Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán về vấn đề quản lý và sử dụng đất dự án Hải Phát Plaza Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Theo quyết định, việc kiểm toán sẽ tập trung đánh giá việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán và chế độ đầu tư xây dựng của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị.
Trong 60 ngày kiểm toán, sẽ đánh giá việc tuân thủ, pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị, đồng thời phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị.
Phối cảnh dự án Hải Phát Plaza
Qua đó, cũng xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Được biết, dự án Hải Phát Plaza Đại Mỗ do Công ty CP Đầu tư Hải Phát là chủ đầu tư, có quy mô vốn hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích đất 35.900m2, gồm hai khối nhà 28 tầng (25 tầng nổi và 3 tầng chìm) với số lượng 804 căn hộ và duplex. Khu thấp tầng có 39 căn liền kề, 4 căn biệt thự đơn lập và 16 căn biệt thự song lập. Dự kiến, chủ đầu tư sẽ mở bán hàng vào cuối quý II/2017.
Thời gian gần đây các thông tin quảng cáo, tiếp thị sản phẩm của dự án này xuất hiện dầy đặc và thu hút sự quan tâm của người mua nhà. Tuy nhiên, khách hàng lo ngại rủi ro mua nhà trên giấy khi chủ đầu tư dự án Hải Phát Plaza vẫn đang nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất..
Mới đây, theo thông tin từ cuộc họp của Ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng thuế UBND TP Hà Nội, công ty CP Hải Phát là một trong những chủ đầu tư có số nợ tiền sử dụng đất lớn trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, Dự án Hải Phát Plaza có quyết định phê duyệt giá vào ngày 28/11/2016.
Ngày 28/12/2016, dự án này có thông báo nộp tiền sử dụng đất hơn 517 tỷ đồng. Sau thông báo này, Hải Phát đã thu xếp nộp được 50 tỷ đồng. Ba tháng sau, con số phải nộp vẫn dẫm chân tại chỗ ở mức 467 tỷ đồng. Như vậy, tính đến 26/3, Hải Phát Plaza vẫn nợ hơn 467 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Lý giải về nguyên nhân nợ tiền sử dụng đất, đại diện Hải Phát cho biết, doanh nghiệp này đã đàm phán với tổ chức tín dụng và được phê duyệt tài trợ nhưng việc thay đổi nhân sự cao cấp của tổ chức tín dụng (thay đổi tổng giám đốc) nên việc giải ngân bị ảnh hưởng bởi công tác bàn giao của tổ chức tín dụng.
Theo các luật sư, chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất hay nợ tiền thuê đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chắc chắn rủi ro khách hàng phải gánh sẽ rất lớn.
Ông Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco cho hay, khi người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan Nhà nước sẽ kiểm tra tình trạng thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với thửa đất.
“Nếu vẫn còn nợ, cơ quan Nhà nước có thể từ chối cấp sổ đỏ” - ông Phong nói.
Cũng theo luật sư Phong, một cách gián tiếp, việc nợ tiền sử dụng đất sẽ dẫn tới chủ đầu tư bị phạt hành chính và tính lãi trên số nợ trả chậm. Tiền phạt và tiền lãi đó sẽ lại đổ đầu khách hàng khi bị chủ đầu tư lấy từ túi tiền của người mua nhà hoặc cư dân mua nhà.
Ngọc Vy
theo VTC News