Mặc dù UBND huyện An Dương đã cấp “Giấy báo tử”, khẳng định ông Đỗ Văn Phác đã hy sinh tháng 9/1948 với lý do “Bị địch bắt tra tấn không xưng khai, địch bắn chết” nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện việc công nhận Liệt sĩ cho ông Phác khiến thân nhân bức xúc!
Báo Đời sống và Tiêu dùng nhận được đơn thư và hồ sơ của ông Đỗ Văn Nhuận (SN 1930 là bệnh binh 2/3 của thôn Hoà Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng) phản ánh về trường hợp của anh trai mình ông Đỗ Văn Phác, được cho là đã hi sinh hơn 70 năm nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận Liệt sĩ.
Trong đơn, ông Nhuận cho biết: “Ông Đỗ Văn Phác, sinh năm 1921 là cán bộ cũ tham gia cướp chính quyền tháng 8/1945. Đến năm 1946 ông Phác được bầu vào Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, giữ chức Trưởng ban quân sự (tức Xã đội trưởng 1946). Đến đầu năm 1947 địa bàn xã Đặng Cương bị giặc Pháp tạm chiếm ông được chỉ thị về xã hoạt động bí mật được giao nhiệm vụ Tổ trưởng quân báo xã. Khoảng đầu năm 1947 - 1948 các ông Nguyễn Văn Cát, Nguyễn Xuân Phương, Đỗ Văn Phác được giao nhiệm vụ tiêu diệt tên Khán canh ở thôn Đồng Dụ.
Cuối năm 1948 ông Nguyễn Xuân Phương ra vùng tự do công tác và bị địch phục kích bắn chết, thu giữ được tài liệu có tên ông Đỗ Văn Phác. Đến 3/9/1948 địch cho quân vây bắt ông Phác tại nhà và đưa đến bốt Camen Kiến An”.
Tại công văn 711/TTNN – XKT của Thanh tra Nhà nước gửi UBND TP Hải Phòng ngày 25/06/1998, xác định: Từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến cuối năm 1946 ông Đỗ Văn Phác là Đại biểu Hội Động nhân dân xã Đồng Dụ, phụ trách quân sự xã; Ông Phác bị địch bắt tại nhà, sau khi ông Phác bị bắt thì tổ chức cơ sở Đảng không bị lộ (Chứng tỏ ông đã không khai báo); Ông Nguyễn Đức Ngữ người ở thôn Cựu Viên, xã Hà Nam, Kiến An, Hải Phòng) bị địch bắt giam chung với ông Phác tại bốt Cam Ben Kiến An có xác nhận ông bị địch tra tấn dã man nhưng không khai báo nên sau đó bị địch đem đi thủ tiêu ném xác xuống sông.
Công văn trên cũng thể hiện xác nhận của ông Vũ Văn Thận lúc đó là Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Đồng Dụ, người trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Phác công tác Quân báo xã, giới thiệu ông Đỗ Văn Phác với ông Nguyễn Xuân Phương là cán bộ Quân báo Huyện.
“Xác nhận của ông Nguyễn Văn Cát ở thôn Văn Xá xã Quốc Tuấn – người tham gia Đội diệt ác – trừ gian của Huyện cùng với ông Đỗ Văn Phác và ông Nguyễn Xuân Phương trong khoảng thời gian đầu 1947 – 1948 cả ba ông được giao nhiệm vụ tiêu diệt tên Khán Canh ở thôn Đồng Dụ (qua tìm hiểu một số người dân ở thôn Đồng Dụ được biết việc tiêu diệt tên Khán Canh là có thật).
Xác nhận của ông Nguyễn Xuân Duyên nguyên là Đảng ủy viên của xã Đồng Dụ thời điềm 1946 – 1950 .Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Đồng Dụ năm 1949. Ông Duyên cho biết sau khi giới thiệu ông Phác cho ông Phương, ông đã được ông Vũ Văn Thận thông báo trước cuộc họp Đảng ủy.
Xác nhận của ông Nguyễn Xuân Lưỡng ở thôn Đồng Dụ, xã Đặng Cương, ông Lưỡng kể lại ông là người đã từng canh gác bảo vệ nhóm của ông Nguyễn Xuân Phương, ông Đỗ Văn Phác họp tại nhà mình”, nội dung công văn thể hiện.
Công văn trên cũng kết luận:
“Như vậy đối chiếu với những quy định tại Điểm 3, Điều 11 của Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 22/LĐTBXH - TT ngày 29/8/1995 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội: Những yếu tố để xem xét xác nhận là Liệt sỹ là có 02 người cùng công tác, có 01 người là chỉ huy trực tiếp, thì trường hợp của ông Đỗ Văn Phác có nhiều căn cứ là cơ sở cho việc xác nhận Liệt sỹ”.
Tuy nhiên, tại các cuộc họp ngày (17/1/1989 - 20/1/1991 - 27/5/1994 - 8/1/1995) của các cơ quan hữu quan của Trung ương, Tỉnh, Huyện, Xã nơi ông Phác cư trú trước đây vẫn có ý kiến cho rằng còn có những tình tiết chưa rõ như sau: “Nhận thấy từ đầu năm 1947 đến khi ông bị địch bắt ý kiến cho rằng ông Phác không hoạt động trong tổ chức, không rõ bị bắt đưa đi đâu và chết như nào”.
Tuy nhiên, theo gia đình, đây là khoảng thời gian ông Phác hoạt động bí mật (đầu 1947 - 1948) mà chỉ hoạt động trong tổ chức mới biết (Có xác nhận của thủ trưởng, người giao nhiệm vụ cho Ông). Khi trong tù ông Phác không khai báo bị địch tra tấn dã man, rồi thủ tiêu vứt xác xuống sông (có nhân chứng trong tù chứng kiến). Nên những ý kiến trên cho rằng ông Phác không hoạt động trong tổ chức, không rõ bị địch bắt đưa đi đâu và chết như thế nào là không có cơ sở. Hơn nữa sau khi ông Đỗ Văn Phác bị địch bắt và giết, cơ sở Đảng không bị lộ, chứng tỏ chắc chắn rằng ông bị bắt, tra tấn dã man nhưng không khai báo.
Tại công văn số 2499/LĐTBXH -TT của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi UBND thành phố Hải Phòng ngày 27/6/1994 cũng chỉ ra rằng: Mục 2: Những nhân chứng đề nghị xác nhận ông Đỗ Văn Phác là Liệt sĩ đều có xác nhận của chính quyền địa phương đúng quy định; Mục 3: Những nhân chứng bác bỏ chứng nhận ông Đỗ Văn Phác là Liệt sĩ đều không có xác nhận của chính quyền địa phương nên không hợp lệ.
Ngày 15/6/2010, UBND huyện An Dương đã ra “Giấy báo tử” đối với ông Đỗ Văn Phác, nội dung khẳng định ông Phác đã hy sinh tháng 9 năm 1948. Lý do: Bị địch bắt tra tấn không xưng khai, địch bắn chết.
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn phóng viên về trường hợp của ông Đỗ Văn Phác, ông Nguyễn Quang Viện – Phó Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện An Dương cho biết: "Quá trình họp của thôn, của xã, của các nhân chứng và tất cả các cuộc họp đó đều không đủ chứng cứ... Trên cơ sở cái chết của ông Phác qua các nhân chứng và qua xác nhận của Chính quyền địa phương là không đủ căn cứ”.
Vị Phó trưởng phòng giải thích: "Tôi công nhận là có nhân chứng cùng hoạt động, có xác nhận ông Phác bị bắt, nhưng làm gì có nhân chứng trong tù, đã gọi là chết mất xác thì làm có có nhân chứng. Lúc bấy giờ có rất nhiều tình tiết ông Phác bị bắt như thế nào, bắt đưa đi đâu thì không ai biết!”.
Trước lý giải của vị Phó Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện An Dương, thân nhân ông Phác cho rằng, phát ngôn trên đã phủ nhận hoàn toàn những chứng cứ trên giấy tờ của Thanh tra nhà nước thể hiện; mặt khác phủ nhận luôn cả “Giấy báo tử” của UBND huyện An Dương cấp đối với ông Đỗ Văn Phác. Và nếu như vậy, thì bao giờ, ông Phác mới được công nhận là Liệt sĩ?
Sự việc trên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng Trung ương và Hải Phòng để gia đình ông Đỗ Văn Phác sớm nhận được câu trả lời thích đáng.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.
Phạm Duy - Trung Hiếu
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng