Các chỉ số sẽ tiếp tục giảm điểm và lùi về các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, tuy nhiên, NĐT nên hạn chế bắt đáy vì rủi ro T+4 rất lớn.
Các chỉ số sẽ tiếp tục giảm điểm và lùi về các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, tuy nhiên, NĐT nên hạn chế bắt đáy vì rủi ro T+4 rất lớn.
Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 28/3.
Khả năng giảm điểm ngắn hạn
(CTCK Woori CBV)
Thị trường tiếp giảm điểm vào cuối phiên khi kết thúc phiên giao dịch 27/03/2012 chỉ số VN INDEX giảm 13,34 điểm (2,9%) xuống 445,92 điểm. Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng khoảng 93,9 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị giao dịch 1.285,02 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX INDEX giảm 2,77 điểm (3,56%) xuống 74,95 điểm, khối lượng chuyển nhượng khoảng 102,968 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị giao dịch là 1.167,95 tỷ đồng.
Dòng cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường những hôm trước đó bị bán rất mạnh, cùng với các mã vốn hóa lớn như BVH, MSN… giảm mạnh khiến thị trường có một phiên tháo chạy. Tuy vậy vẫn thấp thoáng 1 số mã tăng trần khá ấn tượng như PTB, SSC, BBC…vv
Về phương diện kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 27/03/2012 thị trường giảm điểm mạnh cùng thanh khoản ở mức cao. Điều này cho thấy thị trường có khả năng giảm điểm ngắn hạn trong những phiên sắp tới. Đối với xu hướng dài hơn để khẳng định đã đổi chiều hay chưa thì cần xét khi đường giá quay trở về mốc hỗ trợ 420-423. Để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn cũng như cơ cấu danh mục đầu tư, chúng tôi có quan điểm bán trong 28/3.
Việc bắt đáy sẽ chịu rủi ro T+4 lớn
(CTCK BIDV - BSC)
Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index giảm mạnh 13,34 điểm (-2,9 %) xuống 445,92 điểm; HNX-Index mất tới 2,77 điểm (-3,56%) xuống 74,95 điểm. Khối lượng trên tăng so với phiên trước với 120 triệu đơn vị trên HSX và 123 triệu trên HNX. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn ở mức 2,7 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên cả 2 sàn với 91,6 tỷ trên HSX và 34 tỷ trên HNX.
Làn sóng chốt lời lên cao trong phiên giao dịch 27/3 đã khiến cả 2 sàn giảm điểm rất mạnh. Hầu hết những cổ phiếu chủ chốt trên cả 2 sàn vào cuối phiên đều trong tình trạng “trắng bảng bên mua”. Ngay cả các mã đang đi ngược xu thế như CTG hay nhóm penny cũng suy yếu.
Như đã phân tích trong nhận định trước. cả 2 chỉ số đều đang trong giai đoạn test đỉnh. Đây là giai đoạn nhạy cảm kiểm chứng thị trường có đủ khả năng vượt đỉnh cũ hay không, do đó phiên giảm mạnh hôm nay cho tín hiệu khá tiêu cực khi đã bẻ gãy hoàn toàn kỳ vọng của những nhà đầu tư mong chờ vào khả năng vượt đỉnh thành công của thị trường. Ngoài ra, trên khía cạnh vĩ mô, thị trường hiện đang thiếu vắng những thông tin hỗ trợ mới.
Về mặt kỹ thuật, những đợt điều chỉnh như thế này thường khá sâu. Ngưỡng hỗ trợ tạm thời trong ngắn hạn của HNX được đánh giá vào khoảng 72- 73 điểm. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến nghị việc bắt đáy ở mức hỗ trỡ này do rủi ro T+4 lớn. Do đó, các nhà đầu tư nên tạm thời đứng ngoài và quan sát thị trường trong giai đoạn này.
Đà giảm sẽ còn kéo dài trong 3 phiên còn lại của tuần
(CTCK Chợ Lớn - CLSC)
Trên đồ thị kỹ thuật, các chỉ số đồng loạt giảm điểm mạnh với khối lượng tiếp tục tăng cao (đã có 226,6 triệu cp được khớp lệnh trên 2 sàn). So với phiên trước, KLGD khớp lệnh tăng 28,9% trên HOSE tăng 11,7% trên HNX. Đây là dấu hiệu cho thấy làn sóng chốt lãi của nhà đầu tư.
Như chúng tôi đã cảnh báo trong bảng tin ngày 26/03, sự suy yếu về động lực tăng điểm là nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm giảm điểm trong ngày 27/3.
Chúng tôi cho rằng, đà giảm sẽ còn kéo dài trong 3 phiên còn lại của tuần này khi mà các tín hiệu kỹ thuật xấu vẫn đang tồn tại. Trên đồ thị candlestick, các cây nến củng cố xu hướng giảm Black Marubozu đồng thời xuất hiện trên cả 2 chỉ số.
Giá đóng cửa của HNX tiếp tục tạo phân kỳ giảm (Bearish divergence) với RSI (14). Trong ngắn hạn, HNX-Index được chống đỡ tại vùng giá 69-70 điểm tương ứng với các mức đáy ngày từ ngày 15.03. Mức điểm này cũng tương đương với sự thoái lùi Fibo Retra 38.2% của đợt tăng từ ngày 09.01. VN-Index cũng được chống đỡ tại 425-430 điểm.
Tiếp tục giảm điểm
(CTCK ACB - ACBS)
Mở cửa với một gap-down, VN-Index giằng co trong nửa đầu thời gian giao dịch. Tuy nhiên, nhà đầu tư bất ngờ bán tháo ở nửa sau của phiên, khiến VN-Index có phiên giảm mạnh nhât kể từ tháng 5 năm 2011.
Khối lượng giao dịch tăng cho thấy lực bán mạnh. Phiên giảm điểm cũng củng cố tín hiệu đảo chiều từ cây nến Hanging Man hình thành trước đó.
Đóng cửa ở mức 445,92, VN-Index hiện đang giao dịch gần đường xu hướng tăng nối 2 đáy ở 390 và 425 và đường trung bình 20 ngày. Do đó, chỉ số này có thể giằng co đi ngang trong một vài phiên tới.
Tuy nhiên, cùng với tín hiệu phân kỳ từ chỉ báo RSI(14), nếu cắt xuống dưới các đường hỗ trợ nói trên, VN-Index nhiều khả năng sẽ kết thúc xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại.
Tương tự VN-Index, HNX-Index cũng lao dốc khi bắt đầu nửa cuối thời gian giao dịch ngày hôm qua. Với phiên giảm mạnh, HNX-Index đã cắt xuống dưới đường xu hướng tăng của chuỗi các phiên tăng điểm vừa qua.
Trong các phiên tới, HNX-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về mức 72-73, là mức hỗ trợ nhỏ đồng thời là điểm giao nhau của đường xu hướng tăng nối 2 đáy 60 và 69 và đường trung bình 20 ngày.
Rủi ro “T+” là khá lớn
(CTCK Mirae Asset)
Phiên điều chỉnh 27/3 đã diễn ra với diễn biến tiêu cực hơn đánh giá của chúng tôi khi cả hai chỉ số có mức giảm mạnh.
Xu hướng tăng điểm mặc dù chưa bị bẻ gãy nhưng dấu hiệu cầu yếu trước áp lực cung mạnh đe dọa khả năng tiếp tục tăng điểm của thị trường trong tương lai. Xu thế tăng vẫn chưa bị bẻ gãy sau phiên giảm điểm hôm nay.
Tuy nhiên, tín hiệu này cảnh báo NĐT nên thận trọng hơn, không nên bắt đáy vì rủi ro “T+” là khá lớn, hạn chế bán sàn trong phiên mai, cơ hội bán giá tốt có thể xuất hiện trong các phiên sau.
Bán mạnh khi 2 chỉ số về vùng hỗ trợ kỹ thuật
(CTCK Dầu khí - PSI)
Về mặt kĩ thuật, trong ngắn hạn, thị trường điều chỉnh mạnh kèm sự gia tăng về KLGD là một tín hiệu tiêu cực về mặt kĩ thuật.
Đáng chú ý, trạng thái vượt kháng cự của VN-Index lại bị phá vỡ khi đóng cửa phiên hôm nay chỉ số ở mức 445 điểm, còn HNX-Index đã không vượt qua được 80 điểm.
Như vậy trong ngắn hạn, NĐT cần chuẩn bị cho tình huống thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh để tìm khoảng giá cân bằng sau khoảng thời gian tăng nóng vừa qua trước khi bắt đầu thiết lập trạng thái dao động. Điều này cũng hàm ý rằng sự điều chỉnh có thể còn chưa kết thúc.
VN-Index hiện có hỗ trợ tại 434 điểm, còn HNX-Index nhận 71,5 điểm là hỗ trợ xu thế tăng hiện hữu. Ngay cả trong kịch bản trạng thái sideway lại tiếp diễn thì việc chỉ số dao động quá lâu ngay phía dưới vùng kháng cự cũng thể hiện yếu tố tiêu cực, thường thiên về phân phối hơn là tích lũy, và khả năng break out sẽ ngày càng thấp đi.
Nên bán mạnh khi chỉ số hai sàn mất hỗ trợ kĩ thuật nêu trên. Nếu trạng thái dao động lại tiếp diễn nhưng chỉ số hai sàn không break out được khỏi các kháng cự 455 điểm (VN-Index) và 80 điểm (HNX-Index) thì đây cũng là một tín hiệu không tích cực, và NĐT cần tăng dần tỷ lệ tiền mặt
Áp lực điều chỉnh vẫn sẽ hiện hữu trong phiên 28/3
(CTCK Vietcombank - VCBS)
Sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận một phiên điều chỉnh giảm rất sâu của cả HNX và VN-Index.
Lượng cung hàng chốt lãi đã tỏ ra chiếm ưu thế ngay từ đầu, gam màu đỏ theo đó tỏ ra lấn lướt trong hầu hết thời gian giao dịch buổi sáng, tuy nhiên lúc này đà giảm không sâu, lượng cung vẫn được điều tiết tương đối tốt. Giao dịch vì thế diễn ra trong thế giằng co mạnh giữa cung và cầu. Cục diện giằng co này sau đó đã gần như bị phá vỡ trong đợt giao dịch buổi chiều khi bên nắm giữ cổ phiếu bất ngờ bán tháo ồ ạt trên diện rộng, tâm lý của các nhà đầu tư chuyển biến theo hướng khá tiêu cực.
Lực cầu bắt đáy có xuất hiện nhưng cũng không tạo được lực đỡ đáng kể nào cho thị trường mà chỉ chủ yếu giúp cho tính thanh khoản trên hai sàn tăng vọt.
Với những diễn biến không tích cực như vậy về cuối phiên vừa qua thì nhiều khả năng áp lực điều chỉnh vẫn sẽ hiện hữu trong phiên giao dịch ngày 28/3, diễn biến của phiên sắp tới vì thế cũng khó tránh khỏi kịch bản giằng co và lình xình.
Chúng tôi cho rằng, khi thị trường điều chỉnh sẽ luôn tiềm ẩn cơ hội tốt, tuy nhiên nếu quyết định giải ngân các nhà đầu từ nên giải ngân từ từ, cần cân nhắc lựa chọn kỹ, đặc biệt chú trọng những cổ phiếu có tiềm năng cơ bản tốt với triển vọng báo cáo kết quả kinh doanh quý I khả quan.
Không nên mở các vị thế mua mới
(CTCK KimEng - KEVS)
Áp lực bán tháo đột ngột xuất hiện trên hai sàn, khiến hai chỉ số giảm sâu. Chỉ bằng phiên giảm đầu tiên, HNX-Index thậm chí đã trả lại toàn bộ thành quả của ba phiên tăng liền trước.
Khối lượng gia tăng trong phiên giảm điểm được coi là củng cố ý nghĩa xấu, cho thấy quyết tâm của bên bán, kể cả với mức giá thấp. Đa số các mã đều giảm điểm, đưa các chỉ số độ rộng thị trường kém đi.
Việc thị trường rớt mạnh gần khu vực kháng cự được coi là một dấu hiệu thận trọng. Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư không nên mở các vị thế mua mới khi sức mạnh bên bán gia tăng mạnh tại vùng này.
Nên cân nhắc đóng lại các vị thế nắm giữ cổ phiếu, đồng thời chú trọng tới mức dừng lỗ đối với danh mục hiện có…
Nhà đầu tư lướt sóng nên bình tĩnh
(CTCK Sài Gòn - SSI)
VN-Index có phiên bán chốt lời mạnh và giảm điểm. Đóng cửa chỉ số giảm 13,34 điểm (-2,9%) xuống mốc 445,92 điểm với 75 mã tăng giá, 60 mã giữ tham chiếu và 178 mã giảm giá.
Cây nến Bearish Hanging Man (Giá treo cổ) của ngày 26/3 tỏ ra chuẩn xác cho thấy sự biến động mạnh của ngày hôm sau với cây nến Long Black Candle giảm điểm mạnh.
Mẫu hình giảm mạnh cùng khối lượng tăng cao phá vỡ mốc hỗ trợ 450 điểm sẽ là lực cản cho thị trường tăng trở lại. Chúng tôi cho rằng, bên bán có thể tiếp tục gia tăng vào phiên giao dịch ngày 28/3. Nhà đầu tư lướt sóng nên bình tĩnh và chờ đợi các điểm phục hồi trong phiên hoặc hồi phục ngắn hạn để cơ cấu lại danh mục.
Xu hướng bán ra sẽ vẫn còn tiếp tục
(CTCK VNDirect - VNDS)
Thị trường vấp phải lực bán mạnh vào cuối phiên khiến chỉ số 2 sàn tạo một nến đỏ dài trùm xuống tận chân nến. Như vậy, sau 3 - 4 phiên nhóm penny tăng điểm không có sự đồng thuận của bluechip, thị trường không còn giữ được sự cân bằng thể hiện ở xu hướng bán tháo hàng loạt.
Sau một thời gian tăng quá nóng, nhiều cổ phiếu đứng trước áp lực chốt lời vì thế điều chỉnh giảm xuất hiện là dễ hiểu. Xu hướng bán ra sẽ vẫn còn tiếp tục trong phiên ngày 28/3, chúng tôi không loại trừ áp lực bán giải chấp và có thể đến cuối tuần thị trường mới có thể cân bằng.
Nếu thị trường tiếp tục giảm điểm mạnh, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu. Quyết định mua trở lại sẽ được cân nhắc về phía cuối tuần.
Chưa nên tham gia ngay vào thị trường trong ngắn hạn
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Chỉ số hai sàn đồng loạt giảm điểm với khối lượng ở mức cao do lực bán chốt lời sẵn sàng chấp nhận bán giá thấp.
Việc điều chỉnh mạnh trước ngưỡng kháng cự, một mặt cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi lợi nhuận đã ở mức cao, mặt khác cho thấy thị trường nhiều khả năng chưa hút được thêm được dòng tiền mới.
Tại sàn HSX, nhà ĐTNN tiếp tục duy trì mua ròng ở mức trên 90 tỷ/phiên, với tỷ trọng vẫn tập trung chủ yếu ở các mã nhóm ngành ngân hàng.
Còn tại sàn HNX, sau 2 phiên đầu tuần, có lẽ nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc thay đổi kế hoạch “trading” cho phù hợp với hình thức tính giá tham chiếu mới.
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh giảm, sẽ là bất lợi đối với nhà đầu tư vội vàng mua cổ phiếu giá cao ngay từ đầu phiên.
Nếu dòng tiền trên thị trường có sự chuyển dịch sang các bluechips và tích lũy ở nhóm này thì khả năng xuất hiện các tín hiệu tích cực đối với thị trường sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, nếu thị trường không tìm được dòng cổ phiếu mới để dắn dắt nhà đầu tư, thì các yếu tố cơ bản như triển vọng kinh doanh năm 2012, kết quả quý I sẽ là những căn cứ chính cho sự tính toán ra quyết định đầu tư.
Theo dự báo của chúng tôi, triển vọng kết quả kinh doanh những quý đầu năm ở nhiều ngành sẽ chưa có chuyển biến tích cực. Đây có thể là rào cản lớn đối với đà tăng trưởng của thị trường.
Theo BVSC, nhà đầu tư chưa nên tham gia ngay vào thị trường trong ngắn hạn. Nhiều khả năng thị trường cần thêm nhịp điều chỉnh cũng như thời gian tích lũy để tạo đà vượt qua đỉnh ngắn hạn.
Với nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu, việc tiếp tục xem xét giảm tỷ trọng, đặc biệt ở các mã đã tăng nóng sẽ góp phần hạn chế rủi ro, còn đối với các mã blue chips thì việc đua bán giá thấp là không thực sự cần thiết.
VN-Index vẫn đang vận động trong xu thế tăng điểm
(CTCK FPT - FPTS)
Áp lực bán đột ngột tăng mạnh đã kéo VN-Index lao dốc về cuối phiên giao dịch ngày 27/03. Đóng cửa để mất tới 13,34 điểm, chỉ số một lần nữa đánh mất mốc 450 điểm với xu thế tăng tạm thời bị ngắt nhịp.
Diễn biến thị trường đột ngột chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Áp lực bán mạnh liên tiếp xuất hiện ở vùng giá dưới tham chiếu đẩy hàng loạt cổ phiếu giảm sàn.
Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy bên cạnh sự lạc quan của dòng tiền đổ vào thị trường trong vài phiên gân đây cũng có khá nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu giá cao chỉ chờ đợi để thoát hàng. Điều này lý giải cho áp lực bán chốt lời đột ngột tăng mạnh trong phiên giao dịch buổi chiều. Tuy nhiên, điểm tích cực vẫn được ghi nhận khi dòng tiền đổ vào thị trường duy trì khá tốt, hấp thu một lượng lớn cổ phiếu bán ra trong phiên này giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh. Ngoài ra, phiên giao dịch hôm nay cũng không xuất hiện thêm những thông tin xấu có khả năng tác động đến thị trường.
Theo đó, mặc dù khá bất ngờ với áp lực điều chỉnh mạnh cuối phiên 27/3 nhưng chúng tôi vẫn duy trì quan điểm lạc quan vào xu thế hồi phục của thị trường trong trung hạn.
Mặt khác, sau phiên điều chỉnh 27/3, áp lực bán có thể sẽ giảm bớt trong phiên giao dịch tiếp theo do lượng hàng giá rẻ không còn nhiều. Về mặt kỹ thuật, với ngưỡng hỗ trợ trong khu vực 435-440 điểm hiện tại thì VN-Index vẫn đang vận động trong xu thế tăng điểm bắt đầu từ ngày 10/1/2012. Dự báo cho phiên tiếp theo, VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại khu vực hỗ trợ tại 435 - 440 điểm với thanh khoản có thể giảm nhẹ.
Theo DTCK