Sự kiện hot
13 năm trước

Hàng hóa thế giới quay cuồng trong “cơn lốc” tăng giá

Hàng loạt tin tức bất lợi về sản xuất, kinh doanh tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Trung Quốc cùng những lo lắng về địa chính trị đã trở thành xung lực lớn, đẩy giá nhiều mặt hàng nông sản, dầu thô lên các mức cao mới. Thừa dịp, giá vàng cũng tăng vọt trước nguy cơ lạm phát.

Hàng loạt tin tức bất lợi về sản xuất, kinh doanh tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Trung Quốc cùng những lo lắng về địa chính trị đã trở thành xung lực lớn, đẩy giá nhiều mặt hàng nông sản, dầu thô lên các mức cao mới. Thừa dịp, giá vàng cũng tăng vọt trước nguy cơ lạm phát.


Thị trường đón nhận hàng loạt yếu tố cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới không sáng sủa.

Dầu thô lên cao nhất 9 tháng

Chốt phiên 22/2, giá dầu thô ngọt, nhẹ hợp đồng tháng 4 tăng nhẹ 3 cent, lên chốt ở mức 106,28 USD/thùng trên sàn giao dịch New York. Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu thô loại này kể từ ngày 4/5/2011 tới nay và cũng là phiên tăng giá liên tiếp thứ năm của dầu thô kỳ hạn.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng không ngừng là bởi nhà đầu tư lo lắng về khả năng thành công của gói giải cứu tài chính thứ hai dành cho Hy Lạp, trong bối cảnh các số liệu kinh tế từ cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu lẫn Trung Quốc đều đang bộc lộ tình trạng suy giảm.

Theo số liệu công bố hôm qua, chỉ số hoạt động kinh doanh tại Khu vực đồng Euro trong tháng 2 đã giảm mạnh hơn so với dự báo. Tại Trung Quốc, báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC cho thấy chỉ số sản xuất của nền kinh tế này tăng trong tháng 2 nhưng với nhịp độ không lớn.

Thị trường cũng chịu tác động mạnh từ kết quả đàm phán không thành công giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xung quanh chương trình phát triển hạt nhân của Tehran. Một quan chức IAEA còn cho rằng, chuyến đi lần này tới Iran là "sự thất vọng".

Cùng đi lên với dầu thô còn có giá xăng, dầu sưởi và dầu Brent. Cụ thể, dầu Brent tháng 4 tăng 1,24 USD, tương ứng 1%, lên mức 122,9 USD/thùng, cao nhất từ ngày 2/5/2011. Xăng giao tháng 3 tăng 2 cent, tương ứng 0,6%, lên 3,09 USD/gallon, cao nhất kể từ ngày 29/7/2011.

Tương tự, dầu sưởi giao tháng 3 tăng 3 cent, tương ứng 1% lên 3,27 USD/gallon. Đây là mức chốt theo ngày lớn nhất của mặt hàng năng lượng này kể từ phiên giao dịch ngày 8/4/2011 tới nay. Khí tự nhiên giao cùng kỳ hạn tăng 2 cent, tương ứng 0,7%, lên 2,64 USD/ triệu BTU.

Ca cao tiếp tục vọt mạnh

Trên thị trường nông sản, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/2, giá ca cao hợp đồng kỳ hạn tăng tiếp 14 USD, tương ứng 0,58%, lên chốt ở 2.438 USD/tấn. Đường thô thế giới tăng 0,98% lên mức 24,71 cent/lb. Gạo chưa xay xát tăng 0,32% lên chốt ở 14,205 USD/cwt ở sàn CBOT.

Ở chiều ngược lại, giá cà phê arabica giao sau giảm 4,2 cent, tương ứng 2,04%, xuống đứng ở mức 201,85 cent/lb. Giá đậu tương giảm 0,47% xuống mức 1.272,75 cent/bushel. Giá ngô giảm nhẹ 0,04% xuống mức 641 cent/bushel. Giá bông hạ 2,62% còn 90,53 cent/lb.

Vàng chạm mức cao nhất 3 tháng

Đứng trước nguy cơ lạm phát do giá dầu và một số mặt hàng nông sản đứng giá cao trong bối cảnh những lo lắng về địa chính trị đang dâng cao, giá vàng tương lai đêm qua đã vọt lên mức cao nhất trong 3 tháng. Cụ thể, vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 12,8 USD, lên 1.771,3 USD/ounce.

Một yếu tố khác cũng khiến giá vàng vọt lên là bởi nhà đầu tư tăng mua vào khi giá đầu phiên xuống thấp, khi niềm lạc quan về thỏa thuận cứu Hy Lạp dần tan biến và do hoạt động chốt lời. Nhà phân tích Jim Steel của HSBC cho rằng đà giảm giá vào đầu phiên đã kéo nhà đầu tư trở lại.

Trong các kim loại quý khác, bạch kim có mức tăng mạnh nhất do ảnh hưởng nguồn cung từ Nam Phi. Giá bạch kim tăng 2,1% lên 1.719,77 USD/ounce, có lúc giá đạt mức 1.723,5 USD/ounce, cao nhất 5 tháng. Bạc tăng 0,2% lên 34,35 USD/oucne, pladium tăng 1,3% lên 717 USD/ounce.

Diệp Anh
Theo VnEconomy

Từ khóa: