Sự kiện hot
13 năm trước

Hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa do chiết khấu thấp

Theo Sở Công thương Hà Nội, do doanh nghiệp đầu mối chiết khấu thấp, đại lý lỗ vốn khi bán xăng nên thời gian qua có hiện tượng hàng loạt cây xăng bán hàng cầm chừng hoặc đóng cửa hàng!

Theo Sở Công thương Hà Nội, do doanh nghiệp đầu mối chiết khấu thấp, đại lý lỗ vốn khi bán xăng nên thời gian qua có hiện tượng hàng loạt cây xăng bán hàng cầm chừng hoặc đóng cửa hàng!

Ảnh minh họa

Sở Công thương Hà Nội vừa có văn bản báo cáo tình hình kinh doanh xăng dầu lên Bộ Công thương và UBND thành phố. Sở Công thương cho biết, các doanh nghiệp đầu mối vẫn đảm bảo đủ lượng xăng dầu để cung cấp cho các đơn vị trực thuộc và hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ của mình. Tuy nhiên, do giá nhập khẩu xăng dầu tăng, mặc dù thuế nhập khẩu đã giảm từ 5% xuống còn 3% doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vẫn bị lỗ, do vậy doanh nghiệp đầu mối buộc phải giảm mức hoa hồng chi cho các đại lý.

Cụ thể, theo phản ánh của các doanh nghiệp đại lý, mức chiết khấu hiện nay do các doanh nghiệp đầu mối quy định cho doanh nghiệp đại lý rất thấp. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp đầu mối như Công ty Xăng dầu khu vực I, xăng dầu quân đội, Tổng công ty Dầu Việt Nam chiết khấu xăng dầu cho đại lý dao động từ 200đ đến 300đ/lít (sau khi trừ chi phí vận chuyển các đại lý được hưởng khoảng 100-150đ/lít).

Doanh nghiệp đầu mối PETEC chiết khấu xăng dầu 190-200đ/lít cho đại lý. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, các đại lý hưởng khoảng 70-100đ/lít. Từ ngày 1/3, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình chi mức chiết khấu xăng dầu cho doanh nghiệp đại lý là 50đ/lít (sau khi trừ chi phí vận chuyển).

Theo Sở Công thương với mức chiết khấu cho mỗi lít xăng như trên, doanh nghiệp chưa đủ để trả lương cho người bán hàng, đó là chưa tính đến các chi phí khác như: điện, hao hụt xăng dầu, hao mòn máy móc… Chính vì vậy một số doanh nghiệp đại lý bị lỗ không tiếp tục nhập hàng để kinh doanh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bán hàng cầm chừng hoặc đóng cửa hàng.

Trước tình hình đó Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cân đối nguồn hàng, đảm bảo giao đủ lượng đặt hàng của doanh nghiệp đại lý, cố gắng giảm chi phí, tăng mức chiết khấu cho doanh nghiệp đại lý để đảm bảo mạng lưới bán hàng được liên tục, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời tăng cường kiểm tra các tổng đại lý, đại lý trong hệ thống phân phối bán hàng đủ thời gian, cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường, không để tình trạng các cửa hàng đóng cửa, giảm thời gian bán hàng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.

Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, trong năm 2011, trên địa bàn cũng từng diễn ra hiện tượng trên.

Theo Dantri

Từ khóa: