Từ lâu, đặc sản của vùng đất mệnh danh là xứ sở các loài hoa đã ghi dấu trong lòng mỗi người tiêu dùng. Thế nhưng, vì lợi nhuận một số hộ kinh doanh đã nhập hàng Trung Quốc dán nhãn đặc sản Đà Lạt đã đánh mất lòng tin tiêu dùng.
Từ lâu, đặc sản của vùng đất mệnh danh là xứ sở các loài hoa đã ghi dấu trong lòng mỗi người tiêu dùng. Thế nhưng, vì lợi nhuận một số hộ kinh doanh đã nhập hàng Trung Quốc dán nhãn đặc sản Đà Lạt đã đánh mất lòng tin tiêu dùng. Và hơn hết, có thể xem đây là hành vi làm hàng giả cần bị trừng phạt…
Với các sản phẩm nổi tiếng từ lâu đã được người tiêu dùng ưa chuộng như atiso, nhiều loại rau xanh mướt như cải bắp, xà lách, khoai tây… cùng các loại mứt đặc sản, từ lâu đã khiến du khách đến Đà Lạt không ai quên mang một chút “hương sắc” về làm quà cho bạn bè, người thân.
Thế nhưng, không hiểu tư tưởng “ăn xổi” bắt nguồn từ khi nào mà một số cơ sở kinh doanh tại Đà Lạt đã nhập nhằng trà trộn nhiều loại thực phẩm như phấn hoa atiso, khoai tây, mứt me chua, xí muội có nguồn gốc Trung Quốc “dán nhãn Đà Lạt” để bán cho du khách.
Vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường khẩn trương truy quét bốn mặt hàng giả danh đặc sản Đà Lạt là khoai tây, phấn hoa atiso, mứt me chua và xí muội đang “đội lốt” đặc sản Đà Lạt được bày bán công khai cho du khách.
Vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã tịch thu được hơn 100 kg phấn hoa atisô giả. Tình trạng này được nhận định là sự gian lận thương mại vô cùng nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và uy tín của ngành Du lịch Lâm Đồng. Năm 2011, các ngành chức năng cũng đã thu giữ hơn 3 tấn, năm 2012 là hơn 2 tấn mứt Trung Quốc mang nhãn hiệu Đà Lạt.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phạm S cho biết, ngoài khoai tây, Lâm Đồng không sản xuất nguồn nhiên liệu nào để cho ra các sản phẩm còn lại. Hơn nữa, do nhu cầu về phấn hoa atiso lớn đã khiến một số cơ sở kinh doanh đang tâm làm giả để lừa khách du lịch.
Nghi ngờ hàng Trung Quốc đội lốp đặc sản Đà Lạt, vậy là có thực. Thế nhưng, kiểm soát hành vi giả mạo này cũng là điều khó, khi mà nhiều mặt hàng đặc sản không thể hiện trên bao bì nguồn gốc sản xuất. Người kinh doanh mua các loại hàng này từ nhiều lò sản xuất khác nhau. Vì vậy, người họ chỉ có thể đưa lên bao bì nhãn hiệu cơ sở kinh doanh chứ không phải là cơ sở sản xuất.
Phó giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, Kiều Xuân Việt cũng nói, xử lý các mặt hàng “đội lốt” này rất khó, vì sau khi nhập về, các cơ sở kinh doanh sẽ đóng gói vào các hộp nhỏ, rồi gắn nhãn đặc sản Đà Lạt đem bán ra thị trường.
Trưởng phòng Y tế TP. Đà Lạt, Nguyễn Văn Thành cũng cho đây là điều khó. Nếu những mặt hàng cao cấp thường có nhãn mác rõ ràng. Còn các hàng đặc sản, có kiểm tra cũng không xác định sự trà trộn nhãn mác mà phải phối hợp kiểm tra và vận dụng kinh nghiệm để xử lý.
Tuy nhiên, ngành Y tế TP. Đà Lạt cho rằng, khi chưa truy xuất được nguồn gốc hàng đặc sản, việc gắn trách nhiệm người bán với sản phẩm là hướng kiểm soát có tính khả thi. Chỉ có thể kiểm tra an toàn thực phầm ở 40 cơ sở sản xuất mứt Đà Lạt, ở 100 quầy bán mứt tại chợ Đà Lạt, nhưng để xác định đúng mứt Đà Lạt hay không thì vẫn là câu chuyện dài…
Cao Nguyên
theo Thanh tra