Sự kiện hot
11 năm trước

Hầu hết các vụ án ở ngân hàng đều có “tay trong”

Hầu hết các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng đều có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của các cán bộ ngân hàng.


Xét xử vụ lừa đảo ngân hàng của Huỳnh Thị Huyền Như. (Nguồn: TTXVN)

Thủ đoạn chính của các đối tượng là lợi dụng sự buông lỏng quản lý, giám sát của ngân hàng để thông đồng, lập khống hợp đồng, hồ sơ tín dụng…

Đây là đánh giá của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội về tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên địa bàn thủ đô năm 2013.

Theo đó, trong năm qua, tội phạm trong lĩnh vực này đã gây ra những thiệt hại lớn về tài sản.

Lợi dụng sự buông lỏng quản lý trong các ngân hàng, chính các nhân viên bên trong đã cấu kết, lập khống các hợp đồng và hồ sơ tín dụng để rút tiền.

Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế khó khăn và ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lâm vào tình trạng khó khăn thua lỗ, phá sản…

Đây là nguyên nhân làm cho tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, đầu tư, xây dựng cơ bản, bất động sản… gia tăng.

Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nổi lên là tham ô, lạm quyền trong khi thi hành công vụ; cấp, bán, giao thầu cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

Mặc dù vậy, tính chung trong lĩnh vực tội phạm kinh tế và tham nhũng, tình hình năm 2013 đã bớt nóng hơn so với năm trước đó. Cơ quan chức năng của thành phố đã khởi tố 284 vụ, 414 đối tượng; thu hồi cho Ngân sách Nhà nước, cơ quan và những người bị hại hơn 365 tỷ đồng.

Cũng trong 12 tháng này, 46 vụ án cùng 122 đối tượng liên quan đến các vụ án tham nhũng cũng đã bị điều tra, phát hiện. Đáng chú ý, một số vụ tham nhũng trong lĩnh vực y tế (vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để vụ lợi ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương…) ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước.

Hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán, vận chuyển hàng cấm và gian lận thương mại ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh trong nước.
Nổi lên trong hoạt động buôn lậu là tình trạng lợi dụng chính sách của nhà nước về miễn thuế nhập khẩu, thuất xuất khẩu đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất; chính sách ưu đãi của nhà nước đối với Việt kiều hồi hương và chính sách cho phép các hộ kinh doanh, cá nhân sinh sống tại đường biên giới được mua hàng hóa từ nước ngoài và xuất hóa đơn tài chính… để buôn lậu ô tô, xe điện, xe đạp điện, hàng điện tử cao cấp.

Sơn Bách
theo Vietnam+

Từ khóa: