Sự kiện hot
13 năm trước

Hết tháng ăn chơi, cửa hiệu vẫn 'khát' nhân viên

Tăng lương, giảm giờ làm, bố trí chỗ ăn, ngủ... cùng nhiều ưu đãi khác song treo biển tuyển người cả tháng, chủ kinh doanh vẫn khó tìm được người lao động, dù đã qua tháng ăn chơi.

Tăng lương, giảm giờ làm, bố trí chỗ ăn, ngủ... cùng nhiều ưu đãi khác song treo biển tuyển người cả tháng, chủ kinh doanh vẫn khó tìm được người lao động, dù đã qua tháng ăn chơi.

"Tuyển nam, nữ bán hàng - Lương cao", "Cần thợ phụ", "Tìm gấp các vị trí quản lý, chạy bàn, trông xe, đầu bếp, tạp vụ"..., những tấm biển chiêu mộ nhân viên xuất hiện dày đặc ở Hà Nội. Riêng đoạn đường dài khoảng 100m trên phố phố Trần Thái Tông đã có 5 cửa hiệu, nhà hàng treo bảng tuyển người. Tình trạng tương tự diễn ra với một số điểm kinh doanh khác ở Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Đại Cồ Việt, Đinh Tiên Hoàng...

Treo bảng tuyền nhân viên cả tháng, nhiều chủ kinh doanh vẫn không tìm được người. Ảnh: Xuân Ngọc

Anh Phúc, bảo vệ của quán cafe đầu đường Trần Thái Tông cho biết, tấm bảng "tuyển nhân viên, thu ngân, bảo vệ" được treo đã gần một tháng. Trước Tết, nơi anh Phúc làm có 2 bảo vệ thay phiên nhau trực sáng - trưa và chiều - tối. Nhưng ra Giêng, anh bạn đồng nghiệp xin nghỉ vì gia đình có việc nên anh phải làm cả ngày đến khi tìm được thêm người. "Chủ cửa hàng bảo cố gắng thì cũng đành thôi nhưng hôm nào cũng 8h sáng đến 10h đêm, mệt lắm. Cả tháng trôi qua mà vẫn chưa có thêm ai", anh Phúc nói.

Đề hẳn “Lương cao” trên bảng tuyển người song sau gần một tháng, anh Đỗ Văn Khải, kinh doanh bia và đồ nhậu đầu phố Đại Cồ Việt vẫn mỏi mắt tìm nhân viên. 5 trong số gần 40 người làm việc tại đó đều “bặt vô âm tín” sau kỳ nghỉ Tết. Ngoài việc thêm 200.000 đồng tiền công mỗi tháng, anh Khải còn bố trí chỗ ngủ đêm cho những người xa nhà. Nhưng dù vậy, đến nay cửa hàng của anh vẫn thiếu 2 nam, một nữ chạy bàn. Điều này khiến cho hoạt động kinh doanh lúc đông khách rơi vào tình trạng quá tải, bị phàn nàn vì phục vụ chậm.

Các chủ cửa hàng đua đưa ra nhiều ưu đãi để tuyển nhân viên. Ảnh: Xuân Ngọc

Anh Khải băn khoăn là dù đã qua tháng Giêng, song đội ngũ lao động cũ vẫn chưa lên, mặc dù trước đó anh không hề lên tiếng sa thải hay mắng mỏ. Người đi tìm việc cũng giảm hơn so với những năm trước. 3 hôm nay, bước sang tháng 2 Âm lịch song vẫn chưa có người mới đến hỏi.

Hoạt động gần 2 năm, song tại thời điểm này, một nhà hàng lớn trên phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, vẫn trưng biển tuyển gấp liền một lúc 5 vị trí: quản lý, chạy bàn, đầu bếp, phụ bếp và tạp vụ. Anh Thành, chủ đầu tư cho hay có nhiều lý do dẫn đến tình trạng thiếu nhân viên đồng loạt. “Người xin nghỉ làm đi học, người về quê ăn Tết rồi khất qua Rằm mới lên mà giờ vẫn chưa thấy đâu, người thì gọi điện mãi không được”, anh Thành nói.

Anh Thành thừa nhận, việc tuyển người hiện nay rất khó khăn, nhất là đối với nhà hàng có đến 30% khách là người nước ngoài như nơi anh đang kinh doanh. Ngoài yêu cầu về khả năng ngoại ngữ, anh Thành đòi hỏi nhân viên ở tất cả các vị trí đều phải có kỹ năng giao tiếp tốt, ngoại hình ưa nhìn, nhanh nhẹn, nhiệt tình.... Theo đó, dù đưa ra lương cao, cho phép nhân viên ngủ nghỉ ngay tại nhà hàng buổi tối, mỗi ca làm chỉ 6 tiếng... song thiếu người vẫn hoàn thiếu.

Nhiều điểm kinh doanh thiếu nhân viên đồng loạt. Ảnh: Xuân Ngọc

Hiện nay, nhân viên làm việc trong các nhà hàng, cửa hiệu có lương từ 2,5 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng mỗi tháng, tùy đặc thù công việc và vị trí. Trong đó, người bán hàng, chạy bàn, trông xe làm theo ca 6-10 tiếng một ngày được 2,5 - 4 triệu đồng mỗi tháng. Đầu bếp chính, quản lý, bồi bàn biết tiếng Anh được trả 5 triệu đồng trở lên... Mức này tăng khoảng 10% so với các năm trước.

Anh Nguyễn Đức Thịnh, phụ trách của trung tâm môi giới việc làm trên đường Láng, Hà Nội cho biết, sau Tết, số lượng chủ kinh doanh đến đăng ký tìm lao động tăng khoảng 50% so với trước đó. Tuy nhiên, điều này chủ yếu tập trung vào những vị trí có tính ổn định không cao và mức lương trung bình như nhân viên bán hàng, osin, bảo vệ hay công nhân ở các doanh nghiệp tư nhân...

Theo anh Thịnh, nhiều cửa hàng phải đôn đáo tìm lao động sau Tết là do trước đó, chủ kinh doanh không ràng buộc quyền lợi, hợp đồng với nhân viên hoặc chế độ đãi ngộ chưa phù hợp. “Ai cũng thích có công ăn việc làm ổn định, còn quản lý thì chẳng ai muốn mất công đào tạo lại. Nếu doanh nghiệp có lộ trình tăng lương định kỳ hoặc ràng buộc quyền lợi theo thời gian công tác, thông báo và ghi hẳn điều đó vào hợp đồng ký kết thì vấn đề này sẽ bớt căng thẳng hơn”, anh Thịnh nói.

Xuân Ngọc
Theo VnExpress


Từ khóa: