Sự kiện hot
12 năm trước

Hiểm họa từ cá tầm, ếch nhập lậu từ Trung Quốc

Dantin - Như Đời sống & Tiêu dùng đã phản ánh từ những số báo trước, sau trứng gà, các loại cá tầm, ếch của Trung Quốc cũng đang được nhập vào nước ta với giá rất rẻ.

Dantin - Như Đời sống & Tiêu dùng đã phản ánh từ những số báo trước, sau trứng gà, các loại cá tầm, ếch của Trung Quốc cũng đang được nhập vào nước ta với giá rất rẻ. Các chuyên gia cho rằng, rẻ là do chúng được ăn thức ăn tăng trọng, có thể gây đột biến gene cho người.

Rội lên nạn nhập lậu cá tầm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thừa nhận: Thời gian qua, nạn buôn lậu qua biên giới với những thủ đoạn tinh vi đã đưa nhiều sản phẩm nhập lậu vào thị trường Việt Nam. Đây là nguy cơ mang mầm bệnh lây lan các dịch bệnh, vì do nhập lậu nên hầu hết các sản phẩm đều không qua kiểm dịch.

Trong khi các cơ quan chức năng đang ra sức kiểm soát nạn buôn lậu gia cầm thì thị trường lại rộ lên nạn buôn lậu một số loại thủy sản như: cá tầm, cá trê, cá quả, ếch…

Tại một cuộc họp giao ban về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm diễn ra đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: Trước thông tin tình trạng nhập lậu thủy sản đang ra tăng Bộ đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chỉ đạo giám sát và kiểm định chất lượng các sản phẩm tại các chợ nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Đồng thời, trước diễn biến ngày càng phức tạp tình trạng nhập lậu các loại thủy, hải sản, đặc biệt cá tầm nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Bộ cũng yêu cầu hệ thống thanh tra chuyên ngành, lực lượng thú y khẩn trương kiểm dịch thú y các loại thủy sản nhập lậu qua biên giới, đặc biệt là cá tầm để đánh giá nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trả lời báo chí về tình hình nhập lậu thủy, hải sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám lưu ý: “Việc cá tầm cũng như các loại thủy, hải sản khác nhập lậu vào Việt Nam đang là vấn đề lo ngại, không chỉ ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.”

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Tám, hiện nay do chưa thể phân biệt được cá tầm sản xuất trong nước và cá tầm nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc nên trước mắt cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập lậu cá tầm qua biên giới. Đồng thời cần hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện theo những quy trình sản xuất an toàn.

Ông Vũ Văn Tám kêu gọi: "Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân, cần có sự phối hợp cùng với cơ quan chức năng và lực lượng chuyên ngành để phát hiện những cơ sở sản xuất nhập lậu, những cơ sở buôn bán thủy hải sản lậu không đảm bảo an toàn thực phẩm để sớm xử lý nghiêm nhằm bảo vệ sức khỏe chung của cộng đồng.

Dễ mang họa

TS Bùi Quang Tề, chuyên gia bệnh học thủy sản (nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho biết: Cá tầm, ếch của Trung Quốc tuồn vào nước ta có giá rất rẻ hơn nước ta nhiều lần có thể do chúng được nuôi trong môi trường công nghiệp với thức ăn tăng trọng không đảm bảo chất lượng hoặc cho ăn những thức ăn tiêu hóa tốt khiến thủy sản lớn nhanh. Khi sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng trọng để nuôi ếch, cá tầm… sẽ có khả năng gây đột biến gene. Người tiêu dùng ăn phải sẽ có khả năng mắc bệnh.

Theo TS Bùi Quang Tề, với những loại ếch có thể sẽ mang một số mầm bệnh sán như sán nhái, sán lá gan nhỏ… Những người có thói quen ăn sống càng nguy hại hơn, nguy cơ bị mắc bệnh ấu trùng sán nhái là khó tránh khỏi. Nhiều trường hợp ấu trùng di chuyển từ ruột lên mắt và làm tổ ngay ở mắt, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ bị giảm thị lực, viêm, hủy hoại nhu mô, thậm chí có thể mù mắt. Có người ấu trùng sán còn chui vào chạy lên não. Hoạt động của những con sán này sẽ phá hủy mô não, từ đó gây ra đau đầu, nôn mửa, não bị ảnh hưởng…

Đó là chưa kể khi vận chuyển thực phẩm ếch, cá tầm vào nước ta họ còn tiêm thuốc mê, đông lạnh… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. “Người tiêu dùng cũng không nên hám rẻ mà mua về dùng sẽ rất nguy hiểm, có khả năng sẽ lây bệnh từ nguồn này cho cộng đồng và bản thân. Cần tiêu hủy với những nguồn hàng không rõ nguồn gốc để đề phòng dịch bệnh lây lan…”, TS Tề khuyến cáo.

Quảng Ninh liên tiếp bắt các vụ buôn lậu hải sản

Liên tiếp trong hai ngày 19 và 20/5, Đội tuần tra kiểm soát giao thông trung tâm-dẫn đoàn, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường sắt, đường bộ (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển mặt hàng hải sản tươi sống nhập lậu.

Cụ thể, vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 20/5, trên tuyến Quốc lộ 18A đoạn thuộc phường Hà Khẩu (thành phố Hạ Long), Đội tuần tra này đã phát hiện xe ôtô tải mang biển kiểm soát 16H-3281 do Phạm Văn Nam (sinh 1973, trú xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) điều khiển đi hướng Móng Cái-Uông Bí, chở 15.000 con cá trê giống không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Cũng tại địa điểm trên, vào lúc 2 giờ 10 phút cùng ngày, lực lượng Cảnh sát giao thông còn phát hiện xe ôtô mang biển kiểm soát 14P-5025 do Nguyễn Chính Nam (sinh năm 1973, trú tại phường Hà Tu, thành phố Hạ Long) điều khiển đi hướng Móng Cái-Hà Nội, chở 1.500kg sò không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Trước đó, vào lúc 22 giờ ngày 20/5, trên tuyến Quốc lộ 18A đoạn thuộc phường Cẩm Thạch (thành phố Cẩm Phả), Đội tuần tra kiểm soát giao thông trung tâm-dẫn đoàn cũng phát hiện một số mặt hàng hải sản gồm cá quả, ngao hoa, sò, ếch không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trên xe ôtô tải 36C-001.38 chạy hướng Móng Cái-Hạ Long. Lái xe Hồ Văn Thực (sinh năm 1982) cũng không đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hải sản trên. Các vụ việc trên đã được bàn giao cho Công an thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tam Hoàng

Từ khóa: