Trong quá trình thi công xây dựng mới chợ thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang thành chợ hạng II, mặc dù chưa được các cơ quan có thẩm cho phép tổ chức đấu thầu bán ki ốt nhưng Chủ đầu tư vẫn ngang nhiên quảng bá, tổ chức bán ki ốt cho người dân thu về hàng tỷ đồng.
Người dân “sập bẫy” Chủ đầu tư
Qua đường dây nóng, báo Tài nguyên & Môi trường nhận được phản ánh của các tiểu thương và người mua ki ốt phản ánh về những sai phạm của chủ đầu tư khi xây dựng, đấu thầu chợ trung tâm huyện nằm ở thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Trao đổi với PV, một số hộ dân mua ki ốt buồn bã cho biết. Cuối năm 2016, chúng tôi thấy Chủ đầu tư thông báo rộng rãi, tổ chức đấu thầu bán ki ốt chợ Thắng nên đã tham gia đấu thầu mua ki ốt. Tùy từng vị trí mà giá dao động từ 140 – 160 triệu đồng. Sau đó, phía chủ đầu tư hứa rằng cuối tháng 2/2017 là sẽ bàn giao ki ốt cho chúng tôi nhưng đến nay đã quá hơn 4 tháng mà vẫn chưa thấy đâu trong khi chợ thì vẫn đang “ì ạch” xây dựng chẳng biết bao giờ mới xong.
Hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư trong việc triển khai xây dựng chợ Thắng đã được các cơ quan chức năng huyện Hiệp Hòa và tỉnh Bắc Giang chỉ ra
Một người dân mua ki ốt (xin giấu tên) bức xúc cho biết. Nhà tôi bỏ phiếu trúng 3 ki ốt đã đặt cọc và nộp số tiền hơn 200 triệu đồng. Nhà đầu tư cam kết ngày 28/2/2017 sẽ giao ki ốt cho khách nhưng quá hạn vẫn chưa thực hiện, tiền đã bỏ ra rồi chẳng biết bao giờ chủ đầu tư mới bàn giao.
Bức xúc phản ánh về những mập mờ của chủ đầu tư, một tiểu thương khác chia sẻ: Khi biết chợ được xây mới chúng tôi vui mừng và chấp hành tạm thời di chuyển đi buôn bán chỗ khác vì huyện thông báo sau khi xây xong sẽ ưu tiên cho những tiểu thương đã buôn bán trước đó. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư bán gần 200 triệu một ki ốt thì chúng tôi làm gì có tiền. Vậy ưu tiên chúng tôi cái gì?
Hiện nay, theo tìm hiểu của PV đã có gần 50 hộ tại thị trấn Thắng đã đặt cọc, đấu giá mua ki ốt và chủ đầu tư đã thu về được số tiền gần 5 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2014 UBND huyện Hiệp Hòa ban hành kế hoạch chuyển đổi tổ chức kinh doanh khai thác chợ Thắng theo mô hình doanh nghiệp (DN) hoặc HTX quản lý khai thác. Qua hình thức đấu thầu, ngày 30/9/2015, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa phê duyệt kết quả trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Xây dựng nền móng Long Xuyên và Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Hà Nam (TP Hồ Chí Minh).
Ngày 9/11/2015, hai Công ty này sáp nhập thành Công ty TNHH Bất động sản Đầu tư thương mại Hiệp Hòa. Căn cứ vào các hồ sơ, ngày 03/3/2016, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt chủ trương đầu tư chợ hạng II trung tâm huyện Hiệp Hòa. Theo đó chấp nhận nhà đầu tư là Công ty Đầu tư thương mại Hiệp Hòa xây dựng gồm các hạng mục: Nhà chợ chính với 3 tầng nổi, một tầng hầm; khu vực bán hàng ngoài trời, nơi thu gom rác thải, đường nội bộ… với diện tích 5,6 nghìn m2. Tổng vốn đầu tư gần 66 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tháng 2/2017, dự án hoàn thành.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Hiệp Hòa đối với các sai phạm của chủ đầu tư
Thế nhưng mặc dù công trình mới xây thô tầng hầm, tầng một và đang xây tầng 2 dở dang nhưng vào cuối năm 2016, Doanh nghiệp đã thông báo rộng rãi, tổ chức đấu thầu ki-ốt để bán khi chưa được sự phê duyệt của các cơ quan chức năng là sai quy định, cụ thể là UBND tỉnh chưa phê duyệt giá này mà Doanh nghiệp đã tổ chức đấu thầu bán ki-ốt cho người dân.
Chỉ ra hàng loạt sai phạm
Theo tìm hiểu của PV, ngày 18/5/2017 ông Nguyễn Văn Chính – PCT UBND huyện Hiệp Hòa ký thông báo số 211/TB-UBND chỉ ra hàng loạt sai phạm của Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện xây dựng gửi cho các tiểu thương.
Theo đó, Chủ đầu tư không xây dựng phương án giá diện tích để cho thuê bán hàng tại chợ trình UBND tỉnh phê duyệt, huy động vốn thu tiền của các hộ dân để cho thuê ki ốt, tổ chức đấu giá khi chưa được phê duyêt. Ngoài ra không thực hiện cam kết đảm bảo cho các hộ đã kinh doanh tại chơ cũ được quay trở lại chợ mới. Một số phiếu thu tiền đặt cọc thuê ki ốt của các hộ tiểu thương không hợp lệ, không đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, UBND huyện đề nghị người dân không nộp tiền thuê ki-ốt cho đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá.
Nghiêm trọng hơn, công ty còn tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép do Sở Xây dựng cấp. Chính vì vậy, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đề nghị các đơn vị liên quan tại địa bàn thực hiện một số nội dung như; Điện lực Hiệp Hòa, Công ty cổ phần cấp nước Hiệp Hòa dừng việc cấp điện, cấp nước đối với công trình xây dựng vi phạm. Chủ tịch UBND thị trấn Thắng, xã Đức Thắng phối hợp tổ chức lực lượng ngăn chặn các phương tiện vận tải chuyên chở nguyên, vật liệu và người lao động vào thi công; bảo đảm tình hình an ninh, trật tự tại khu vực. Cùng đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện yêu cầu Công ty Đầu tư thương mại Hiệp Hòa khắc phục những sai phạm. Trường hợp doanh nghiệp không chấp hành sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước hàng loạt những sai phạm trên, ngày 22/5/2017 UBND huyện Hiệp Hòa ban hành quyết định số 4308/QĐ-XPVPHC xử phạt trong lĩnh vực xây dựng đối với công ty này với số tiền 40 triệu đồng. Yêu cầu Chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng giấy phép xây dựng được cấp.
Ngoài ra, căn cứ vào biên bản làm việc tại thực địa công trình giữa Sở Xây dựng và đại diện Công ty TNHH Bất động sản đầu tư thương mại Hiệp Hòa, Sở Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty TNHH Bất động sản thương mại Hiệp Hòa trong quá trình thực hiện dự án Xây dựng chợ hạng II trung tâm huyện Hiệp Hòa.
Chính vì vậy, Sở Xây dựng đã trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng các công trình thuộc dự án Xây dựng chợ hạng II trung tâm huyện Hiệp Hòa. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Bất động sản đầu tư thương mại Hiệp Hòa dừng thi công xây dựng công trình, nghiêm túc chấp hành các quy định về xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định pháp luật.
Ngoài những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thi công xây dựng thì các cơ quan như Viện kiểm sát, công an huyện, tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa còn nhận được đơn tố cáo của công ty Lâm Phạm và công ty Vũ Hoàng Dương là hai đơn vị thi công tố cáo Chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và hiện đang nợ công ty số tiền khoảng 10 tỷ đồng.
Từ thực tế cho thấy, xung quanh dự án chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa bộc lộ quá nhiều bất cập. Nhiều tiểu thương đã nộp tiền đặt cọc kinh doanh tại chợ chưa biết đến khi nào mới được sử dụng ki-ốt bán hàng. Việc Doanh nghiệp vội vàng cho đấu giá và thu tiền đặt cọc khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết đang tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, dễ dẫn tới tranh chấp, quyền lợi của tiểu thương và những người dân đã “trót” bỏ tiền mua ki ốt liệu có được đảm bảo quyền lợi hay không?.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện thi công xây dựng, làm rõ việc thu tiền của Chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho những tiểu thương theo như cam kết và những người dân đã nộp tiền đặt cọc và trúng đấu giá mua ki ốt.
Doãn Hưng – Vi Hải
Theo Báo Tài nguyên & Môi trường