Nền công nghiệp hiệu ứng hình ảnh của Hàn Quốc từng bị nhìn nhận là không phát triển. Thế nhưng, giờ đây nó đang nổi lên thành một thế lực chủ đạo trong nền công nghiệp điện ảnh đang phát triển thịnh vượng của xứ sở kim chi.
Nền công nghiệp hiệu ứng hình ảnh của Hàn Quốc từng bị nhìn nhận là không phát triển. Thế nhưng, giờ đây nó đang nổi lên thành một thế lực chủ đạo trong nền công nghiệp điện ảnh đang phát triển thịnh vượng của xứ sở kim chi.
Nhiều khán giả không nhận ra những cảnh hành động trong phim gay cấn điệp viên Hồ sơ Berlin (The Berlin File) được dàn dựng bằng máy tính bởi các chuyên gia đã tạo nên những cảnh phim đó y như thật.
Ở Hàn Quốc, bộ phim này đã làm nên lịch sử của dòng phim hành động khi trong vòng 3 tháng đã bán được hơn 7 triệu vé xem. Góp phần không nhỏ cho thành công của bộ phim này là phần kỹ xảo hình ảnh.
Trong khi một tác phẩm điện ảnh thông thường chỉ có khoảng 200 cảnh được tạo dựng bằng máy tính, thì phim The Berlin File sử dụng tới hơn 850 cảnh.
Câu chuyện có bối cảnh ở Berlin, song bộ phim này được quay ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có Berlin, Latvia và Hàn Quốc. Công nghệ máy tính đã biến những cảnh quay ở Latvia và Hàn Quốc thành những khung cảnh giống Berlin.
Bắt đầu được Hollywood công nhận
Theo Hãng Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), trong 4 năm qua họ đã chi khoảng 12,6 triệu won cho 43 dự án điện ảnh, trong đó có cả các dự án liên danh với các công ty nước ngoài. Phim The Berlin File cũng là một phần trong dự án hỗ trợ của hãng.
“Thực sự không thể hình dung nổi các bộ phim của Hàn Quốc sẽ như thế nào nếu không sử dụng kỹ xảo điện ảnh. Nhờ sự hỗ trợ về hiệu ứng hình ảnh của KOCCA trong 4 năm qua mà công nghệ kỹ thuật số của Hàn Quốc bắt đầu được các nhà làm phim Hollywood và nhiều nước khác công nhận” - một quan chức của KOCCA cho biết.
Một cảnh trong The Berlin File, phim sử dụng hơn 850 cảnh được tạo dựng bằng kỹ thuật số
Công nghệ kỹ thuật số ở Hàn Quốc bắt đầu gây tiếng vang với những bộ phim về thảm họa như Haeundae (2009) và The Tower (2012), mặc dù trước đó đã có những dự án điện ảnh được tạo dựng bằng công nghệ kỹ thuật số như Reptilian (1999) và D-War (2007) của Shim Hyung Rae - giờ là một nhà làm phim khánh kiệt bởi phim của ông đều thất bại doanh thu.
Nhờ sự phát triển bùng nổ của nền điện ảnh mà nền công nghiệp hiệu ứng hình ảnh cũng đang phát triển hết sức ấn tượng. Năm 2012, nền công nghiệp hiệu ứng hình ảnh đã thu về được 20-30 tỷ won (264 triệu USD) từ các sản phẩm nội địa và có nhiều dự án đồng sản xuất với công ty nước ngoài. Nhiều khả năng năm nay doanh thu của nền công nghiệp này tăng gấp đôi so với năm 2012.
“Sự phát triển của công nghệ hiệu ứng hình ảnh Hàn Quốc chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng vững chắc của nền công nghiệp điện ảnh. Hơn nữa, thị hiếu của khán giả cũng đã tăng cao. Những thay đổi cơ bản đó đã góp phần làm cho nền công nghiệp hiệu ứng hình ảnh phát triển theo. Sự phát triển của thị trường điện ảnh nội địa đã góp phần thu hút được nhiều sự đầu tư hơn cho các sản phẩm điện ảnh qua đó lại càng đầu tư được nhiều kinh phí cho các sáng tạo kỹ thuật số” - Cho Yong Seok, Giám đốc Công ty Hiệu ứng kỹ xảo Force, cho biết.
Vươn ra thị trường hải ngoại
Hiện nay, Hàn Quốc có khoảng 10 công ty hiệu ứng hình ảnh hàng đầu, trong đó có Digital Idea, Power Cast, Macro Graph, Next Visual, Force và Dexter Digital. Mỗi công ty có khoảng 80 chuyên gia.
Khi đã gặt hái được những thành công nhất định ở thị trường nội địa, một số công ty hiệu ứng hình ảnh Hàn Quốc đã vươn ra các thị trường hải ngoại.
Young Choi, Giám đốc của Mofac Studio, cho biết: “Kể từ khi thâm nhập vào các thị trường hải ngoại, chúng tôi đã đúc kết được nhiều trải nghiệm và nâng cao được chất lượng công nghệ theo chuẩn mực của các sản phẩm nước ngoài”.
Năm 2010, Mofac Studio đã ra mắt Hollywood với Con đường chiến binh (The Warrior’s Way), phim do Lee Sngmoo đạo diễn và ngôi sao Hàn Quốc Jang Dong Gun thủ vai chính. Công ty này đã tham gia phần hậu kỳ phim với nhiều đối tác khác.
“Mặc dù phim không thành công thương mại, song nhờ tham gia phần hậu kỳ của dự án điện ảnh này mà công ty của chúng tôi được biết đến ở nhiều nước khác” - Young Choi nói và cho biết Mofac Studio vừa hoàn thành phần sản xuất của phim Hollywood The Last Knights, do nam diễn viên gạo cội Morgan Freeman thủ vai chính.
Nhiều công ty kỹ xảo khác của Hàn Quốc cũng đã tham gia vào quá trình sản xuất của các bộ phim Trung Quốc như Secret Service of the Imperial Court (2009); Địch Nhân Kiệt (2010); Tây Du Ký (2011); Thiện nữ u hồn (2011).
Theo Mofac Studio, hiện nay nhiều công ty hiệu ứng hình ảnh quốc tế lớn ở Mỹ, Nhật và một số nước châu Âu đang suy yếu do chi phí lao động gia tăng, trong khi ngành này tại một số nước như Canada, New Zealand và Anh đang phát triển mạnh nhờ có những ưu đãi về thuế.
“Nền công nghiệp hiệu ứng hình ảnh của Hàn Quốc đang nhanh chóng nắm bắt được xu thế này và đã tạo dựng cơ sở hạ tầng để thu hút được nhiều sự đầu tư hơn. Do đó nền công nghiệp ứng quả hình ảnh Hàn Quốc có thể sớm thu được lợi nhuận từ các thị trường hải ngoại” - ông Young Choi nói.
Các nhà quan sát trong nền công nghiệp hiệu ứng hình ảnh đang kỳ vọng bộ phim hài Mr. Go, trong đó nhân vật chính là một con khỉ đột chơi bóng chày được tạo dựng bằng máy tính, sẽ nâng cao được chuẩn mực của công nghệ kỹ xảo Hàn Quốc.
Phim Mr. Go do Dexter Films, một công ty hiệu ứng hình ảnh hàng đầu xứ kim chi, sản xuất. Phim gồm 2.000 cảnh quay ở định dạng 3D và sẽ đến với khán giả vào tháng 7.
|
Việt Lâm
theo Thể thao & Văn hóa