Sau sự biến dạng của chữ W thành chữ M, thị trường đã thật sự xấu.
Sau sự biến dạng của chữ W thành chữ M, thị trường đã thật sự xấu.
Xấu không phải bởi chỉ số VNI bởi trong khi HNX phá đáy lịch sử thì VNI vẫn ung dung dao động trên ngưỡng tâm lý 400 điểm, mà có vẻ như đà trôi trượt của HNX mới chỉ bắt đầu trong một chu kỳ suy giảm mới.
7/11/2011 là ngày mà chỉ số HNX của sàn Hà Nội chính thức phá mức đáy 65,6 điểm được thiết lập vào giữa tháng 8/2011. Với hình ảnh xuyên đáy này, gần như chắc chắn một chu kỳ suy giảm mới, nằm trong hệ thống suy thoái chung của chỉ số thị trường, sẽ lại bắt đầu.
Khoảng thời gian tháng 11 của năm trước cũng tràn đầy bất an như hiện nay. Nửa đầu của tháng 11/2010 cũng chứng kiến HNX lao dốc sau một thời gian kéo ngang, dần tiệm cận mốc 100 điểm và sau đó còn phá luôn cả mốc này.
Có một sự tương đồng nào đó giữa hai giai đoạn tháng 10-11 năm trước với tháng 10-11 năm nay. Sự so sánh này còn rõ rệt hơn khi trong một năm qua, chỉ số HNX đã mất thêm 40% nữa. Tuy nhiên sự mất mát này có vẻ đã được bù đắp phần nào trong con sóng tăng đến 25% của HNX từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12/2010. Còn từ đầu năm 2011 đến nay, nhóm tạo lập thị trường đã không còn hào hứng lắm trong việc đẩy HNX lên mạnh hơn, dù chỉ để phục vụ cho động cơ xả hàng.
Thông tin xấu đang tràn ngập trong TTCK. SME đã cụ thể hóa hiện tượng kém thanh khoản tại khối các công ty chứng khoán bằng sự mất thanh khoản của công ty này. Những gì mà nhà đầu tư đã hoài nghi, còn nhiều công ty chứng khoán trăn trở từ giữa năm nay, thì đến giờ đang hiện dần độ sắc của móng vuốt.
Hẳn thế, mất thanh khoản là điều đáng sợ nhất của các công ty chứng khoán trong bối cảnh hiện nay. Từ giữa năm 2011, điểm số đã không còn quá quan trọng, mà thay vào đó người ta phải tính đến chuyện làm sao có thể bán được vài ngàn tỷ đồng cổ phiếu trong tình hình giao dịch chỉ có vài trăm tỷ đồng cho mỗi phiên.
Hóa ra nỗi nguy hiểm về giải chấp vẫn chưa thật sự chấm dứt sau thời điểm cuối tháng 6/2011. Tại thời điểm ấy, chủ trương kéo giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống 22% của Ngân hàng nhà nước đã khiến cho TTCK chao đảo, các ngân hàng ra tay siết nợ đối với những món vay chứng khoán, làm cho nhiều công ty chứng khoán sa vào tình thế khủng hoảng với hàng chục ngàn tỷ đồng cần phải giải chấp. Nếu không có một đợt đẩy lên để thoát hàng vào giữa năm nay, không hiểu khối công ty chứng khoán sẽ làm thế nào để trụ được trong quý 3/2011.
Còn hiện nay, quý 4 đang sắp kết thúc, với sự "đe dọa" vẫn còn nguyên giá trị về kéo giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất xuống 16%. Dĩ nhiên, 16% khác xa với 22%, và càng khác hơn về bối cảnh, khi vào giữa năm năm đã không hề có ngân hàng thương mại nào bị xử lý, trong khi sắp tới hàng chục ngân hàng thương mại lại phải đối mặt với "bản án" tái sắp xếp, mà về thực chất sẽ là một cuộc thâu tóm, thôn tính ở quy mô lớn.
Vì thế, sẽ không ngạc nhiên nếu các ngân hàng trở nên rất quyết liệt đối với việc thu hồi nợ chứng khoán trong những ngày còn lại của năm 2011. Một vài công ty chứng khoán đã lộ ra khoản nợ và do đó là khoản cần phải giải chấp. Điều đó cũng có nghĩa là một số cổ phiếu, kể cả bluechip, sẽ có thể bị bán mạnh trong thời gian tới, làm cho mặt bằng giá cổ phiếu trên thị trường càng có dịp lao dốc hơn.
Còn những người nước ngoài có lẽ là thành phần mang tính cam chịu lớn nhất. Khoảng 20.000 tỷ đồng được đầu tư mua ròng từ đầu năm 2010 đến nay đang chải chấp nhận số phận khắc nghiệt về đọng vốn lẫn giảm giá trị, ngay cả khi chỉ số lạm phát đã không còn hoành hành nữa.
Có thể nói, khác hẳn với thời gian năm 2010, diễn biến mua bán của khối nước ngoài trong năm 2011 phản ánh một vận động trái ngược. Hầu như không còn mua ròng nữa, mà thay vào đó là bán ròng ở nhiều cổ phiếu chủ chốt. Thế nhưng trong tình hình thanh khoản thị trường đang ngày càng sụt giảm, kế hoạch xả hàng đến vài ba chục ngàn tỷ đồng của khối nước ngoài trong năm 2012 liệu có thực hiện được không?
Còn nhớ vào tháng 9/2011, lãnh đạo của một quỹ chứng khoán lớn của nước ngoài tại Việt Nam đã bộc lộ kỳ vọng về việc trong năm 2012, Nhà nước sẽ mở lại việc cho vay tín dụng chứng khoán, từ đó nhà đầu tư Việt sẽ có cơ hội "ôm" lại toàn bộ số cổ phiếu bán ra của khối nước ngoài.
Lộ ra cái "bản chất" như trên của vấn đề, phải nói là tình thế của khối nước ngoài đã hài hước đến bĩ cực. Bởi cả năm nay, đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam đã quá sợ hãi đến mức chỉ duy trì khoảng 20% tài khoản giao dịch trong trạng thái "sống", còn lại 80% là "chết". Hơn nữa, chưa có cơ sở nào thuyết minh cho việc mở van tín dụng phi sản xuất của Nhà nước trong năm sau, mà do vậy cũng chưa có cơ sở nào để dự báo là TTCK sẽ hồi phục trong năm 2012, hơn nữa là hồi phục đủ dài để khối nước ngoài có đủ thời gian bán tháo cổ phiếu.
Còn hiện thời, sau sự biến dạng của chữ W thành chữ M, thị trường đã thật sự xấu. Xấu không phải bởi chỉ số VNI bởi trong khi HNX phá đáy lịch sử thì VNI vẫn ung dung dao động trên ngưỡng tâm lý 400 điểm, mà có vẻ như đà trôi trượt của HNX mới chỉ bắt đầu trong một chu kỳ suy giảm mới.
Trước đây, chu kỳ suy giảm của thị trường thường ứng với thời gian từ 2-3 tháng. Nếu lịch sử lặp lại thì vào giữa tháng 11 này, chỉ số thị trường có thể sẽ được bắt đầu bằng một chu kỳ phục hồi ngắn hạn nào đó.
Nhưng với những gì mà thị trường, và trên hết là các nhà tạo lập ra nó đang hành xử, chúng tôi thật sự hoài nghi về chu kỳ phục hồi có thể xảy ra. Mà có thể sẽ không có một đợt tăng đến 20-25% nào từ đây đến cuối năm nay.
Thay vào đó, thị trường sẽ trượt xuống vô hạn định theo kiểu... Hy Lạp.
Việt Thắng
Theo VEF