Sự kiện hot
7 tháng trước

Hòa Bình: Phát triển bền vững, đa dạng giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030

Trong những năm gần đây, do cạnh tranh với các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, cùng với thay thế những diện tích chè già cỗi, năng suất thấp, diện tích chè của tỉnh Hòa Bình có xu hướng giảm năng suất và sản lượng. Hiện diện tích chè hái búp được duy trì 800ha trong đó diện tích đang cho thu hoạch 656ha, sản lượng đạt 2.755 tấn.

Vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy).

Vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy).

Cụ thể, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch Phát triển bền vững, đa dạng giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 20230 nhằm mục đích cụ thể hóa các nội dung tại Quyết định 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa bản địa; phù hợp với truyền thống sản xuất, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để phát triển bền vững đa dạng giá trị cây chè phù hợp với điều kiện của tỉnh Hòa Bình.

Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; ứng dụng đồng bộ các quy trình ký thuật, cải thiện nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển thương hiệu có sức cạnh tranh cao, nâng cao giá trị thu nhập cây chè. Cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án liên kết phát triển sản xuất tập trung; đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với người trồng chè; phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác đa giá trị giữa phát triển cây chè với văn hóa, du lịch và dịch vụ.

Việc phát triển các vùng nguyên liệu chè tập trung nhằm nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến chế biến, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, hữu cơ...); xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình đã ban hành kế hoạch phát triển bền vững, đa dạng giá trị cây chè với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 ổn định diện tích chè toàn tỉnh khoảng 1.200ha, năng xuất chè búp tươi bình quân đạt 95 tạ/ha, sản lượng ước đạt 12 ngàn tấn; phấn đấu diện tích chè ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng IPHM, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, an toàn (GlobalGAP, VietGap, hữu cơ...) và tỷ lệ sản phẩm được sản xuất dưới hình thức hợp tác, liên kết chiếm trên 80%; đa dạng hóa sản phẩm chè, phấn đấu các sản phẩm trà chế biến sâu như Olong, thảo dược, matcha...đạt trên 20% trong cơ cấu chế biến. 100% thành vien Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trang trại, nông dân nòng cốt tại vùng sản xuất chè tập trung được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, cập nhật và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường. Phấn đấu 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Phát huy đa giá trị cây chè với ít nhất 05 sản phẩm chế biến; 03 sản phẩm phi vật thể cung cấp cho lĩnh vực du lịch.

Đồng bào người Mông xã Pà Cò (Mai Châu) thu hái chè theo chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ giữa Dự án giảm nghèo - Công ty Phương Huyền.

Đồng bào người Mông xã Pà Cò (Mai Châu) thu hái chè theo chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ giữa Dự án giảm nghèo - Công ty Phương Huyền.

Về định hướng quy mô, vùng trồng đến năm 2030, ổn định diện tích khoảng 1.200ha gồm vùng nguyên liệu chè Shan tuyết tập trung khoảng 350 – 400 ha tại 3 huyện Mai Châu khoảng 200 – 250 ha gồm các xã Pà Cò, Hang Kia; huyện Đà Bắc khoảng 100ha, gồm các xã Yên Hòa, Trung Thành, Đoàn Kết; huyện Tân Lạc khoảng 50ha gồm các xã Ngổ Luông, Vân Sơn. Ngoài diện tích chè Shan tuyết trồng thâm canh, cần bảo tồn và duy trì phát triển tốt diện tích chè Shan tuyết cổ thụ sẵn có.

Vùng nguyên liệu chè Trung du tập trung 02 vùng với tổng quy mô khoảng 750 – 800 ha. Vùng chè Yên Thủy – Lạc Thủy lấy cơ sở sản xuất chè của Công ty TNHH Một thành viên 2-9, Công ty TNHH Hai thành viên Sông Bôi Thăng Long làm trung tâm để phát triển ra các xã xung quanh, tạo thành vùng chè hàng hóa tập trung, diện tích khoảng 400 – 450 ha, bao gồm huyện Yên Thủy gồm các xã Lạc Lương, Bảo Hiệu, Lạc Sỹ, Lạc Thịnh, thị trấn Hàng Trạm. Huyện Lạc Thủy gồm các xã Phú Nghĩa, Đồng Tâm, Phú Thành, Thị trấn Chi Nê...Vùng chè Lương Sơn – TP Hòa Bình lấy vùng chè Lương Sơn các xã Tân Vinh, Lâm Sơn, Hòa Sơn làm trung tâm để phát triển ra các xã xung quanh, tạo thành vùng hàng hóa tập trung, diện tích khoảng 250 – 300 ha.

Về định hướng chế biến và đa dạng hóa sản phẩm bố trí  các điểm sơ chế chè với công suất phù hợp cho từng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cho tiến độ thu hái và sơ chế nguyên liệu ngay trong ngày. Cải tiến, nâng cấp dây chuyền, công nghệ chế biến chè xanh, chè đen, phù hợp đặc điểm từng nhóm chè như chè Trung du, chè Shan tuyết...đồng thời áp dụng công nghệ để tạo sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng như trà lọc túi, matcha, nước giải khát...Bên cạnh các nhà máy chế biến chè, cần bảo tồn, phát huy tốt các xưởng chè thủ công quy mô hộ gia đình gắn với văn hóa bản địa và sản phẩm đặc sản.

Sản phẩm trà của Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình.

Sản phẩm trà của Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình.

Phát triển thương hiệu chè Sông Bôi.

Phát triển thương hiệu chè Sông Bôi.

Trà shan tuyết Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) từng bước chinh phục người tiêu dùng cả nước.

Trà shan tuyết Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) từng bước chinh phục người tiêu dùng cả nước.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyền truyền, đa dạng hóa các hình thức, nội dung truyển thông nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về vai trò, tầm quan trọng của sản xuất trồng trọt với các giá trị kinh tế, môi trường và an sinh xã hội; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt; sản xuất tuần hoàn, sản xuất bền vững...tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh công tác đảm bảo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt như Viet GAP, GAP khác, hữu cơ...nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với chè nguyên liệu và sản phẩm sau chế biến.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, xác định quỹ đất để phát triển các vùng chè tập trung nhằm thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư phát triển sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ. Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ phát triển HTX, nâng cao năng lực cho các thành viên HTX để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất...xây dựng phát triển các vùng sản xuất chè theo hướng sinh thái gắn với phát triển du lịch, hình thành một số điểm quảng bá văn hóa tại các huyện có lợi thế như vùng đồi chè Lạc Thủy gắn với du lịch trải nghiệm, văn hóa; vùng chè Shan tuyến cổ thụ gắn với điểm du lịch Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu.

Áp dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chè phục tráng, lưu giữ nguồn gen giống chè bản địa chè Shan tuyết cổ thụ thông qua hoạt động bình tuyển, quản lý cây mẹ, cây đầu dòng, vướn giống gốc...Thực hiện trồng mới, trồng thay thế khoảng 400ha tại các vùng sản xuất tập trung bằng các giống chè mới, chất lượng cao phù hợp cho chế biến chè xanh gồm giống PH8, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Hương Bắc Sơn, VN15; phù hợp chế biến chè đen là PH11, PH1, LDP2 và phù hợp cho cả chế biến chè xanh và chè đen là LDP1, TRI5.0...áp dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hàng hóa sản phẩm như trà xanh chất lượng cao, trà Olong, matcha, trà túi lọc...thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc trong sản xuất...tăng cường hợp tác với các trường Đại học, các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

SƠN THỦY

Theo KTĐU

Từ khóa: