Một năm sau thông tin sẽ nâng cấp Hoài Đức lên quận, giá đất nền nhiều khu vực tại huyện này đã có sức tăng chóng mặt, điển hình là tại xã Sơn Đồng.
Giá đất tại ngã tư Sơn Đồng lên đến trên 100 triệu đồng/m2. Ảnh: Nguyễn Thành
Tăng giá theo quy hoạch
Cách đây hơn 1 năm, trong cuộc làm việc với huyện Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, huyện cần phải tập trung nguồn lực để xây dựng, nâng cấp lên quận vào năm 2020.
Đây là tin mừng với người dân Hoài Đức, vì lên quận, cũng đồng nghĩa với việc cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư mạnh mẽ, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cũng tốt hơn. Và đương nhiên, đi kèm với đó là sự tăng giá bất động sản.
Vừa dẫn phóng viên ra khu ruộng trước nhà (bám bên tỉnh lộ 79), anh Nguyễn Hữu Toàn, xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) vừa cho biết: “Chỉ trong vòng 1 năm qua, giá đất đã tăng rất mạnh, từ 130 triệu đồng/sào lên 200 triệu đồng/sào (1 sao bằng 360 m2). Hầu hết đất ở đây đã được các nhà đầu tư về mua. Chỉ khoảng 2 năm nữa là sẽ hết đất để bán, khi ở đây chính thức lên quận”. Điều đáng nói, mức giá này chỉ dành cho đất ruộng.
Cũng theo anh Toàn, hiện giá đất thổ cư ở đây dao động khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2 với những mảnh có mặt đường thông thoáng, còn những mảnh đất sâu phía trong, mức giá dao động trong khoảng từ 11 - 12 triệu đồng/m2. Với những mảnh đất đẹp, giá có thể cao hơn. Điển hình nhất, một ngôi nhà mái bằng 1,5 tầng, trên diện tích 39 m2 vừa được sang tay với mức giá 930 triệu đồng.
Riêng tại ngã tư Sơn Đồng, giá đất còn cao ngất ngưởng, dao động từ 100 - 110 triệu đồng/m2. “Dù giá cao ngất ngưởng nhưng cứ hễ nhà nào muốn bán là có người mua ngay”, một người dân cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, sở dĩ đất ở ngã tư này đắt như vậy vì đây như là khu trung tâm thương mại của làng nghề. Sơn Đồng là làng nghề truyền thống chuyên sản xuất đồ thờ, khu vực ngã tư hầu hết là các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, vừa thuận tiện cho việc làm thương hiệu, lại vừa đông khách vãng lai đến mua hàng. Vì thế, theo một số người dân, nếu có đất mặt đường, có thể tha hồ hét giá, sớm muộn cũng có người mua.
Chào bán đất dịch vụ
Trong vai một người cần mua đất ở, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng ghi nhận được những nhịp đập khác. Cách Sơn Đồng chỉ khoảng 3 km, khi ghé vào một trung tâm môi giới bất động sản ở xã Vân Canh để tìm hiểu thực tế, giá đất đã có ít nhiều thay đổi.
Ông Liêm, một môi giới ở Vân Canh cho biết: “Giá đất ở đây dao động khoảng 18 triệu đồng/m2 đất trong ngõ, 40 - 45 triệu đồng/m2 đất mặt đường có sổ đỏ”.
Ông Liêm còn giới thiệu cho phóng viên một loại đất rẻ hơn là đất dịch vụ, chỉ từ 13 - 14 triệu đồng/m2 (đất được cấp từ việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án).
Đây là diện tích đất được địa phương đền bù cho người dân, bù lại phần đất nông nghiệp bị thu hồi (bằng 10% diện tích đất nông nghiệp). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, do chưa hoàn thiện bàn giao, nên đất dịch vụ ở Vân Canh chưa được cấp sổ, rất dễ dẫn đến những vướng mắc về mặt pháp lý sau này.
Địa bàn Hoài Đức cũng còn tồn tại nhiều dự án bỏ hoang hoặc có tỷ lệ người vào ở thấp. Điển hình như dự án Khu đô thị HUD Vân Canh. Theo quan sát của phóng viên, chỉ có lưa thưa vài hộ gia đình vào sinh sống, còn lại hầu hết các căn liền kề xây thô xong vẫn bỏ hoang. Hay như dự án khu nhà ở xã Tân Lập hiện vẫn đang bị bỏ hoang, được nhiều hộ dân dùng để chăn bò.
Nguyễn Thành
Theo Đầu tư Bất động sản