Sự kiện hot
6 năm trước

Hoàn thiện công cụ “tự kiểm” Quỹ tín dụng nhân dân

Việc có một quyển sổ tay hay cẩm nang là cần thiết bởi hiện nay các quy chế về hoạt động này của QTDND đều mang tính cóp nhặt từ đơn vị khác về hoàn thiện và áp dụng thực hiện. Vì vậy, việc có một cuốn sách hoàn chỉnh sẽ giúp các QTDND có cơ sở soi chiếu, phát huy tốt vai trò của bộ phận này.

25 năm hình thành và phát triển, hệ thống QTDND đã khẳng định vị trí của mình trong nền tài chính Việt Nam, hỗ trợ phát triển kinh tế đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để hệ thống phát triển ổn định và bền vững đi đúng tôn chỉ mục đích cũng như thực hiện Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 việc cần làm là phải thiết lập hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ hiệu quả nhằm quản lý kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. Đây là quan điểm mà các nhà quản lý, thực thi chính sách và chuyên gia đồng thuận tại Tọa đàm về nội dung này do Học viện Ngân hàng và Hiệp hội QTDND tổ chức.

Hiệp hội QTDND sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan sớm hoàn thành cẩm nang

QTDND cần “cầm tay chỉ việc”

Thông tư 44/2011/TT-NHNN quy định về kiểm soát nội bộ (KSNB) và kiểm toán nội bộ (KTNB) đã triển khai được thời gian dài song Phó tổng thư ký Hiệp hội QTDND Nguyễn Thị Kim Thanh chỉ ra từ chứng từ khảo sát các QTDND cho thấy nhiều QTDND đến nay vẫn còn chưa phân định rõ được sự khác nhau giữa 2 nghiệp vụ này. Chính từ việc không hiểu rõ các khái niệm này dẫn tới việc triển khai thực hiện còn lúng túng, sơ sài và kém hiệu quả. Đây cũng là lý do bà Thanh cùng Hiệp hội QTDND quyết tâm xây dựng dự thảo Cuốn sách kiểm soát và KTNB hướng dẫn đến sự chuẩn hóa thống nhất về tài liệu nghiên cứu, áp dụng cho các hoạt động kiểm soát và KTNB cho các QTDND.

Ông Trần Văn Tám - Chủ tịch HĐQT QTDND Chăm Mát (tỉnh Hòa Bình) khẳng định, ở nơi đâu, Ban lãnh đạo QTDND quan tâm đến KSNN, KTNB ở nơi hoạt động an toàn hiệu quả. Song việc có một quyển sổ tay hay cẩm nang là cần thiết bởi hiện nay các quy chế về hoạt động này của QTDND đều mang tính cóp nhặt từ đơn vị khác về hoàn thiện và áp dụng thực hiện. Vì vậy, việc có một cuốn sách hoàn chỉnh sẽ giúp các QTDND có cơ sở soi chiếu, phát huy tốt vai trò của bộ phận này.

Cũng có chung quan điểm như vậy, bà Phạm Thị Kim Giang, Chủ tịch QTDND Chí Minh (tỉnh Hải Dương) bộc bạch, do không có những biểu mẫu cụ thể nên quỹ dù vẫn thực hiện đúng theo quy định về công tác KSNB và KTNN song lại không có bảng biểu nào ghi lại. Vì vậy khi cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra nhìn nhận công tác này “còn sơ sài”. “Việc có các mẫu biểu này giúp các QTDND thực hiện tốt hơn công tác KSNN, KTNB cũng như minh chứng về việc chấp hành các quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính các thành viên HĐQT, thành viên QTDND…”, bà Giang nhấn mạnh.

Bổ sung vào cuốn sách, các cán bộ QTDND và chuyên gia cho rằng cần giúp các QTDND xây dựng quy trình và triển khai thực hiện KSNB và KTNB theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, với việc hoàn thiện các quy trình kiểm soát, kiểm toán trong toàn bộ hoạt động của hệ thống QTDND, từ đó chỉ ra các chốt kiểm soát rủi ro quan trọng để các QTDND áp dụng. Cuốn sách cần bổ sung KSNB và KTNB trong lĩnh vực thanh toán hiện đã được NHHT triển khai cho trên 400 QTDND và kiểm soát việc thực hiện liên kết hệ thống như tham gia quỹ bảo toàn, gửi tiền tại NHHT và quan hệ với Hiệp hội QTDND.

Điểm đột phá vẫn là con người

Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Thọ khẳng định, hệ thống văn bản cho hệ thống QTDND hiện cơ bản ổn định, với 2 luật quan trọng là Luật Các TCTD và Luật Hợp tác xã. Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật chung, Phú Thọ cũng đã xây dựng 3 bộ quy chế riêng về điều hành, kiểm soát, điều lệ để cho các QTDND thực hiện. Tuy nhiên bài toán đặt ra là làm thế nào để vận hành hiệu quả các quy định, văn bản pháp lý đó.

Khảo sát trên địa bàn Phú Thọ chỉ ra, chỉ có 15/39 chủ tịch HĐQT phát huy được vai trò, như vậy còn tới 64% chưa phát huy được vai trò chủ tịch HĐQT. Với trưởng kiểm soát lại càng kém hơn chỉ có 11/39 cán bộ chiếm 28%, còn lại là chưa phát huy được vai trò chức năng của mình, không chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch, có thực trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, chưa thể hiện được quan điểm ý kiến kiến nghị với HĐQT, vai trò kết nối với cán bộ chuyên quản còn hạn chế. Nguyên nhân của việc này từ “căn bệnh cố đế” hiện nay là ngại va chạm chịu nhiều áp lực quan hệ huyết thống, làng xóm. Một điểm rất khó nữa là quan hệ tại QTDND là quan hệ đối nhân, vì vậy, dẫn đến các thành viên sợ bị trù dập, vô hiệu hóa, xử lý cán bộ. Như vậy “Nếu không có cơ chế, thiết chế bảo vệ cho anh em KSNB, KTNB không ai dám làm”, ông Giang cho biết.

Trong khi đó với con số 470 cán bộ tại 39 quỹ và 3 kiểm soát viên/quỹ chiếm bình quân 1/4 là cán bộ kiểm soát chiếm 1/4 quỹ lương (bình quân 12 triệu đồng/người/tháng) cho thấy nguồn lực dành cho công tác KSNB và KTNB là rất lớn. Vì vậy theo ông Giang, không nên có thêm một bộ phận riêng về KTNB như vậy sẽ tăng chi phí cho hoạt động quỹ.

Thay vào đó là cần lấy khâu đột phá là con người. Đây cũng là lý do trong thời gian qua và tới đây Phú Thọ tập trung đào tạo chuyên sâu, chuyên đề cho từng đối tượng từ Chủ tịch HĐQT, Kiểm soát trưởng, kế toán và cả ban kiểm soát. “Chỉ cần vài 3 quỹ học về làm tốt sẽ lan tỏa cao tới các quỹ khác. Đây cũng là dịp để anh em trao đổi kỹ năng kiểm soát với nhau”, ông Giang cho biết. Cùng với đó, NHNN chi nhánh Phú Thọ sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả của Ban kiểm soát HĐQT từ việc phối kết hợp với cán bộ chuyên quản QTDND, gắn hoạt động của ban kiểm soát với phòng chuyên môn của NHHT và bảo hiểm tiền gửi.

Quan điểm này được rất nhiều QTDND và chuyên gia ủng hộ. Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch HĐQT QTDND Vân Canh cho rằng, việc có thành lập riêng tổ KTNB hay không theo các đại biểu không nên có quy định cứng mà tùy theo quy mô của từng QTDND áp dụng linh hoạt.

Ông Tiến cũng chỉ ra phần lớn rủi ro của hệ thống QTDND không phải do KSNB và KTNB mà là do con người. “Nếu có sự đồng thuận giữa chủ tịch và giám đốc giao dịch viên, thì quy trình, quy chế dù tốt đến mấy cũng bị vô hiệu”, ông phân tích mà khuyến nghị cơ quan quản lý phải xây dựng thiết chế để kiểm soát các đối tượng này. Hiệp hội cũng như các cơ quan quản lý và đào tạo cần quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ nhân viên đặc biệt là trong Ban lãnh đạo quỹ.

Theo Thời báo Ngân hàng 

Từ khóa: