Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

“Học đại học hay học nghề” là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn

Học nghề là họ đi làm một việc cụ thể. Còn học đại học khác là học một phương pháp luận để giải quyết một vấn đề, có tính hàn lâm nhưng bài bản hơn.

Không ít học sinh và phụ huynh có con đang học lớp 12 băn khoăn nên học nghề hay đại học sau khi tốt nghiệp THPT. Về vấn đề này PV đã có cuộc trao đổi với Ông Ngô Minh Tuấn - Người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global.

PV - Rất nhiều em học sinh băn khoăn về việc học nghề hay học đại học. Sự khác biệt giữa học nghề và học Đại học và như thế nào?

Ông Ngô Minh Tuấn - Người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global trả lời: Phải phân biệt được bản chất học nghề là họ đi làm một việc cụ thể, như đi sửa xe máy, sửa ti vi. Còn học đại học khác là học một phương pháp luận để giải quyết một vấn đề, có tính hàn lâm nhưng bài bản hơn. Ví dụ, người sửa điện thoại thuần túy là sửa mang tính hiện tượng, còn người học đại học thì có phương pháp luận để kiến tạo.

Như vậy, học nghề thì có tính ứng dụng ngay, dành cho những người muốn tốn ít tiền nhưng ngay lập tức kiếm tiền được ngay, sống được bằng nghề ngay.

Nhưng, học hàn lâm sẽ gặp phải câu chuyện ra không làm được ngay, đưa vào viện nghiên cứu không ai nhận, dẫn tới tình trạng học đại học dễ bị thất nghiệp, học nghề thì nhu cầu xã hội cần ngay, cho nên học nghề sẽ là con đường rất tốt, bản chất cũng đi đúng lộ trình là phải có hiện tượng va đập, va chạm với nghề rồi sau đó mới lên được nấc đánh giá, tổng hợp và tìm ra quy luật (gọi là phương pháp luận) bấy giờ mới lên đại học.

Bởi vậy, các quốc gia văn minh họ phân luồng ngay từ sớm, tạo điều kiện cho những cháu (trừ trường hợp xuất sắc cũng được. vào thẳng đại học) còn nếu không vẫn thông qua học nghề rồi học liên thông lên.

Ông Ngô Minh Tuấn - Người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global

PV - Rất nhiều thí sinh đang lo lắng những ngành học nào hết hot, thậm chí biến mất trong tương lai. Ông có thể chia sẻ về điều này? Ông tư vấn điều gì cho thí sinh lựa chọn ngành nghề trong năm nay để 5-10 năm khi ra trường ngành nghề đó vẫn luôn phát triển?

Ông Ngô Minh Tuấn: Về căn bản, những nghề sơ khai về sử dụng mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc, cảm xúc con người thì sau này Robot sẽ làm hết. Ví dụ như lĩnh vực: Ngân hàng, bán hàng, chạy quảng cáo, cung cấp dữ liệu… gần như mang tính lặp đi lặp lại, thậm chí kế toán thì hệ thống máy móc, phần mềm làm hết, con người chỉ nhập số liệu vào.

Tư duy con người có các vấc thang: Nấc số 1 là nấc kiến tạo, ví dụ như kiến tạo ra máy tính, ra cái nhà, cái quạt… mang tính kiến tạo mới thì Robot không làm được.

Sau nấc số 1, đến nấc số 2 vận hành thì sau này robot vận hành hết.

Vấn đề là chúng ta nhìn nhận sau bao nhiêu năm nữa thôi, chỉ khoảng sau 30 năm những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những anh tư duy của kiến tạo.

Nếu học nghề thì nên học những nghề mang tính sáng tạo thì sẽ tồn tại được. Còn nếu chỉ học những nghề mang tính lặp đi lặp lại thì có nguy cơ thất nghiệp trong tương lai gần.

PV - Việc chạy theo ngành hot tác động thế nào với người học, trường đại học?

Ông Ngô Minh Tuấn: Thường chúng ta không có dự báo sâu, người đi học quen nhìn ra xung quanh thấy người này làm lĩnh vực này kiếm ra được tiền, người kia làm lĩnh vực kia kiếm được tiền và lao vào ngành đó học thì đó được coi là ngành hot. Ví dụ như bất động sản năm ngoái lao vào sale bất động sản vì kiếm tiền rất tốt, nhưng năm nay thì chững lại.

Theo góc nhìn của tôi, không có ngành nào hot cả, làm nghề nào mà bạn giỏi nghề và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì bạn đấy mới là người hot.

Tôi không khuyến khích chạy theo nghề hot, vì không có một nghề nào hot theo một chu kỳ dài cả. Mà chỉ có người hot – giỏi trong lĩnh vực đó thì đi đâu cũng được đón nhận.

Vì vậy, đừng tập trung vào nghề hot mà cần tập trung vào năng lực sở trường bên trong của bản thân. Từ đó, nhìn sâu vào bản thể của mình, nghiên cứu nghề nào bản thể của mình đáp ứng tốt nhất, mình thích nó thì mình trở thành trạng nguyên của lĩnh vực đó thì mình lúc nào cũng hot, chứ không cần nghề hot.

PV - Nhận xét của ông về sinh viên hiện nay sau khi tốt nghiệp ra trường đã đáp ứng được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp chưa? Các bạn còn cải thiện điều gì?

Ông Ngô Minh Tuấn trả lời: Theo góc nhìn cá nhân, đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp sử dụng nhân lực nhiều tôi thấy rằng nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp ra trường không sử dụng được. Bởi, vì tôi cũng không rõ trong trường đào tạo thế nào, nhưng thói quen thì là thói quen cũ, tức là toàn bộ tri thức là tri thức cũ.

Thứ hai, thái độ và tính chịu đựng vất vả của các bạn ấy rất yếu. Thành ra gần như không sử dụng được, nếu sử dụng được thì phải đào tạo lại. Cho nên, chúng tôi may mắn có trường đào tạo nội bộ và lấy nhân lực từ đó ra.

Cho nên, đó cũng chính là lý do vì sao tôi sáng lập ra trường huấn luyện doanh nhân CEO Việt Nam. Bởi, sinh viên đại học để thực hiện chiến được tại các doanh nghiệp phải dạy từ 3-6 tháng, rất tốn kém. Chưa kể khi đào tạo xong ở môi trường doanh nghiệp thì bạn lại bảo không phù hợp chuyển công ty…

Theo luật lao động chỉ có một tháng thử việc, thử việc hết một tháng, ký hợp đồng 1 năm, bạn ấy không làm được cho bạn ấy nghỉ thì liên quan đến Luật lao động lại phải đền bù, doanh nghiệp sẽ bị kéo theo rất nhiều hệ lụy khi tuyển sinh viên không làm được việc.

PV - Trong những năm qua các trường mở rộng rất nhiều ngành nghề đào tạo. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Ông Ngô Minh Tuấn: Tôi cho rằng việc này cũng không quan trọng lắm, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Vì trong giáo dục có 4 nấc để đánh giá một chương trình giáo dục. Thấp nhất là có một chương trình giáo dục hay, nhưng chương trình giáo dục hay không bằng đội ngũ giáo dục, đội ngũ giáo dục giỏi cũng không bằng môi trường giỏi (ném vào môi trường được va đập với doanh nghiệp liên tục thì kể cả thầy giáo bình thường cũng có thể dẫn dắt được các em giỏi). Hiện nay, sinh viên không được va đập môi trường giáo dục một cách chuyên nghiệp, cái thứ 4 quan trọng nhất là khát vọng của người học. Cho nên, việc mở rộng ngành nghề đào tạo không ảnh hưởng đến chất lượng, điều quan trọng là cách thức họ làm thế nào.

PV - Hiện nay, đi du học đã trở thành một trào lưu. Các ngành học ở nước ngoài có khác biệt gì với ngành học Việt Nam? Có ngành học nào mà Việt Nam chưa có không? Rất nhiều học sinh đã không thể hòa nhập Có thể kể ra những khó khăn khi đi du học? Khi đi du học, cần chuẩn bị những gì để sẵn sàng hòa nhập với cuộc sống và học tập ở nước ngoài?

Ông Ngô Minh Tuấn: Cái chính là mục tiêu sống, một đứa trẻ xác định sống ở Châu Âu hay ở Mỹ thì tôi sẽ khuyên các bạn nên đi du học, bởi sống trong đời sống điều quan trọng nhất là có khả năng chung sống. Mà muốn chung sống được thì bắt buộc phải hiểu văn hóa, hiểu con người ở nơi đó.

Tuy nhiên, nếu xác định làm việc ở trong nước thì thứ hiểu khách hàng lại là quan trọng nhất. Họ nên học trong nước, hiểu được thói quen, tập tục, thói quen mua hàng của khách hàng, sẽ rất thuận lợi cho các bạn thuận lợi ở Việt Nam.

Nếu xác định sống ở Việt Nam thì nên học ở Việt Nam và nên tham gia các chương trình ngắn hạn ở nước ngoài để đi quan sát, học tập xem nền văn minh quốc tế có gì hơn mình để học tập.

PV - Học sinh ở vùng dân tộc thiểu số có nguồn lực kinh tế thấp. Nếu theo học các trường đại học, học nghề thì các em sẽ được hỗ trợ học phí như thế nào? Nếu gia đình vay tiền cho học sinh đi học thì chính sách như thế nào?

Với các em không có điều kiện và khả năng học đại học, học các trường nghề thì nên làm các công việc gì để phù hợp với điều kiện nguồn lực của địa phương?

Ông Ngô Minh Tuấn: Không có sự phân biệt giữa học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các vùng khác. Quan trọng là cần đánh thức khát vọng và hãy coi tất cả mọi người đều có cơ hội phát triển bản thân như nhau.

PV – Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hôm nay.

PV
Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: