Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam: Chặng đường 33 năm hình thành và phát triển

Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam được thành lập ngày 20/12/1989 tại Hà Nội. Trải qua 33 năm hoạt động, toàn Hội đã có những phát triển nổi bật, ghi đậm dấu ấn trên hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt trong nhiệm kỳ VI của Hội (2016-2022).

Một số hoạt động theo các chức năng nhiệm vụ của Hội đã được Nhà nước phê duyệt, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc nói chung, cho giáo dục và đào tạo của nước nhà nói riêng thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong nhiệm kỳ VI của Hội (2016-2022), gần một nửa thời gian của nhiệm kỳ hoạt động (kể từ tháng 3/2020) do dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội từ các Trung tâm trực thuộc Hội, các Viện nghiên cứu, các Hội Tỉnh/Thành và chỉ đạo hoạt động của Trung ương Hội. Tuy nhiên, với quyết tâm chung của cán bộ, hội viên của toàn Hội, quyết tâm của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Trung ương Hội, nỗ lực của hội viên các Hội Tỉnh/Thành, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam (Hội KHTL-GDVN) vẫn phát triển và từng bước vững vàng thực hiện tốt các hoạt động.

Theo báo cáo, nhiệm kỳ vừa qua, toàn Hội đã có thêm mới một (01) Hội cấp Tỉnh (Hội KHTL-GD Quảng Trị) và hai (02) Hội cấp Tỉnh khác (Hội KHTL-GD tỉnh Sơn La, và Hội KHTL-GD Đắk Lắk) đang tiến hành các thủ tục.

Nét nổi bật của Hội KHTL-GDVN là duy trì khá đều đặn nề nếp hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn Hội từ các Hội Tỉnh/Thành đến hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung ương Hội. Điển hình là đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ ở một số Hội Tỉnh/Thành.

Một số Hội cấp Tỉnh/Thành đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ, chấn chỉnh, củng cố lại tổ chức như Hội KHTL-GD Hà Nội, Hội KHTL-GD thành phố Hồ Chí Minh, Hội KHTL-GD Bạc Liêu, Hội KHTL-GD Bà Rịa-Vũng Tàu, Hội KHTL-GD Tiền Giang, Hội KHTL-GD Thanh Hóa, Hội KHTL-GD Hải Phòng v.v… Số lượng các hội viên, các chi hội trực thuộc của các Hội Tỉnh/Thành qua hàng năm có tăng.

Nhiều Tỉnh, Thành của Hội đã chủ động với nhiều đổi mới, sáng kiến trong hoạt động, gắn kết, xâu chuỗi các hoạt động tuyên truyền phổ biến tri thức cần thiết về Tâm lý học, Giáo dục học trong cộng đồng như các vấn đề về phòng chống bạo lực học đường, giáo dục kỷ luật học đường, giáo dục giới tính, văn hóa học đường, giáo dục trải nghiệm cho học sinh v.v…

Để tạo thuận lợi trong hoạt động, một số Tỉnh/Thành Hội đã có sáng kiến thành nếp tổ chức ký kết văn bản phối hợp giữa Sở Giáo dục Đào tạo Tỉnh/Thành với Hội như Hội KHTL-GD Hải Phòng, Hội KHTL-GD Hà Nội, Hội KHTL-GD Bà Rịa - Vũng Tàu v.v…

Bên cạnh đó, các Hội Tỉnh/Thành và Trung ương Hội còn thường xuyên chú ý thực hiện việc kiểm tra, chấn chỉnh tổ chức Hội. Nhiệm kỳ vừa qua, tại Trung ương Hội, với những đơn vị hoạt động kém, hoạt động không có hiệu quả hoặc không hoạt động sau khi kiểm tra xác minh, Ban Thường vụ Hội cũng đã có quyết định cho giải thể, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và thu hồi con dấu. Cho đến nay, Hội KHTL-GDVN đã ra quyết định giải thể 12 Trung tâm hoạt động kém, không hiệu quả hoặc không hoạt động.

Đáp ứng yêu cầu phát triển mới, các Ban chuyên môn của Hội cũng được chấn chỉnh, kiện toàn, thành lập mới: Thành lập Ban Tâm lý học và Giáo dục học ứng dụng (Ban TLH-GDHUD) (Committee of Applied Psychology and Education) (CAPE), Kiện toàn Quỹ Tài năng trẻ Tâm lý học và Giáo dục học.

Nét nổi bật vào cuối nhiệm kỳ này là sự xuất hiện của nhiều Viện nghiên cứu trực thuộc và các Trung tâm trực thuộc. Về Viện, nếu năm 2016, chỉ có 3 Viện và 1 Quỹ Tài năng Trẻ Tâm lý học và Giáo dục học thì đến nay, Hội đã có 12 Viện nghiên cứu trực thuộc và 1 Quỹ Tài năng trẻ Tâm lý học và Giáo dục học. Nhiều Viện tuy mới thành lập nhưng đã có các kết quả hoạt động tốt, gắn kết với các trường Đại học khu vực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, bồi dưỡng nhân lực.

Trong nhiệm kỳ VI vừa qua, hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức TLH và GDH đã được các cấp lãnh đạo toàn Hội quan tâm. Về phía Trung ương Hội, Hội KHTL-GDVN đã chủ động gắn kết với Đài Truyền hình TW, Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Công An nhân dân, một số Báo in và Báo Điện tử trong nước … theo yêu cầu của các đơn vị này trong tuyên truyền giáo dục và xử lý các vấn đề nảy sinh về tâm lý, giáo dục cho người dân; thảo luận, phát biểu về các vấn đề trong cuộc sống cộng đồng như “Bệnh Thành tích trong giáo dục”, “An toàn giao thông”, “Văn hóa trong giao thông”, “Bạo hành trẻ mẫu giáo” “Bạo lực trong các nhà trường phổ thông”, “Tai nạn trong các hoạt động trải nghiệm”, “Đạo đức nhà giáo”, “Phòng chống các vấn đề tâm lý tiêu cực trong Đại dịch Covid 19”, các vấn đề về nếp sống, lối sống, về phòng chống bạo lực, kỷ cương xã hội, đạo đức của thầy giáo và học trò trong hoạt động giáo dục và đào tạo v.v…

Cho đến hiện tại, Hội đã có các Trung tâm làm nhiệm vụ can thiệp trẻ rối loạn phát triển khá nhiều, trở thành một đầu mối cần dành sự quan tâm của toàn Hội. Hoạt động chủ yếu của các Trung tâm (TT) này là ứng dụng các thành tựu của Tâm lý học và Giáo dục trong đánh giá, sàng lọc, can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển, bao gồm trẻ chậm nói, chậm viết, trẻ có khó khăn, rối loạn về vận động, tăng động giảm chú ý, trẻ có vấn đề về não, trẻ tự kỷ v.v… Các trẻ có vấn đề về rối loạn phát triển thường ở tuổi nhỏ. Có trẻ ở tuổi vị thành niên. Cùng với trẻ, các Trung tâm còn thực hiện nhiều tư vấn cho các bậc cha mẹ trẻ, hướng dẫn, hỗ trợ trẻ khi trẻ ở nhà để tăng hiệu quả can thiệp

Hội KHTL-GDVN cũng là thành viên của Hiệp hội Khoa học Tâm lý quốc tế (IUPsyS), thành viên của Liên minh Tâm lý học Châu Á – Thái Bình Dương (APPA). Các liên kết giữa Hội ta và các tổ chức này vẫn đang được thực hiện chặt chẽ và có hiệu quả.

Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động chung là tiếp tục gắn kết với các hoạt động của Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các tổ chức Đảng, chính quyền, Bộ KH và CN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành…

Bên cạnh đó, tích cực phát triển, coi trọng củng cố chất lượng tổ chức Hội các cấp từ Trung ương đến các đơn vị, các Tỉnh, Thành hội một cách chặt chẽ, bền vững. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động của Hội theo chiều sâu và theo hướng chuyên nghiệp, coi trọng chất lượng, đặc biệt là các Viện nghiên cứu, các Trung tâm làm nhiệm vụ ứng dụng khoa học tâm lý, khoa học giáo dục, can thiệp trẻ có vấn đề về rối loạn phát triển.

Đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Hội theo hướng chuyên nghiệp, tiếp tục phát triển và củng cố chặt chẽ về tổ chức Hội vẫn là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho Đại hội khóa VII (nhiệm kỳ 2022-2027).

Một số hình ảnh nhìn lại chặng đường 33 năm hình thành và phát triển của Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam:

Hương Trà/KTDU 

Từ khóa: