Để phát huy được vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất, HoREA đề nghị TP HCM cấp vốn vay ban đầu đủ để hoạt động, có thể khoảng 500 – 1.000 tỷ đồng theo hình thức vay có hoàn trả.
HoREA đề nghị cấp khoảng 1.000 tỷ đồng vốn vay cho Tổ chức phát triển quỹ đất TP HCM. (Ảnh: Đầu tư BĐS)
Kiến nghị giao chức năng “Quỹ phát triển đất” cho HFIC
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có bản tham luận gửi đến Hội nghị bàn tròn trao đổi về quy trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng TP HCM (dự kiến tổ chức vào ngày mai – 7/11).
Bản tham luận chỉ rõ, Điều 111 Luật Đất đai quy định việc thành lập “Quỹ phát triển đất của địa phương”, nhưng thực tế quỹ này chưa được thành lập. Hiện TP HCM đã có “Quỹ Đầu tư phát triển” (HFIC) đang hoạt động rất hiệu quả nên HoREA đề nghị giao chức năng “Quỹ phát triển đất” cho HFIC để thống nhất một đầu mối hoạt động và tạo nguồn lực tài chính cho “Tổ chức phát triển quỹ đất”.
“Tổ chức phát triển quỹ đất” do Chính phủ thành lập theo Điều 68 Luật Đất đai, nhưng thực tế đơn vị này lại được thành lập với tên gọi “Trung tâm phát triển quỹ đất”. Trung tâm này hoạt động chưa thật hiệu quả, cũng không thể thực hiện được chức năng đấu giá quyền sử dụng đất (do hiện nay chỉ có duy nhất “Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản” của thành phố đang thực hiện chức năng đấu giá).
Để phát huy được vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất, HoREA đề nghị thành phố cấp vốn vay ban đầu đủ để hoạt động, có thể khoảng 500 – 1.000 tỷ đồng theo hình thức vay có hoàn trả; có phương pháp làm việc linh hoạt và có cơ chế kiểm soát đề phòng tiêu cực, tham nhũng.
Chỉ định thầu dự án BT, BOT giúp NĐT dự án được hưởng lợi kép
Trong đó, HoREA nhận thấy việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng, hoặc theo hình thức BT, BOT, PPP khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi đó lại thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ ba. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm…
Nhà thầu được đề xuất dự toán công trình khi nhận thầu thi công công trình; nhà thầu kiêm nhà đầu tư cũng được đề xuất các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa (thường đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông để đầu tư kinh doanh bất động sản) để thanh toán bù trừ.
Bản thạm luận nhận định, có thể các nhà thầu, nhà đầu tư này đã tránh được thủ tục kép 2 lần khi việc chọn nhà thầu xây lắp và nhà đầu tư dự án bất động sản tại các khu đất đối ứng được chỉ định, không thông qua hình thức đấu thầu công khai.
HoREA kiến nghi thực hiện phổ biến hình thức đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, chỉnh trang, phát triển đô thị theo phương thức BT, BOT, PPP.
Việc đấu giá, đấu thầu cũng cần áp dụng đối với các khu đất vàng trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất công (trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh của các đơn vị nhà nước…). Việc chỉ định thầu chỉ thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, nhất là trong các trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu.
Bài học thực tiễn được bản tham luận nhắc đến là việc tổ chức thành công buổi đấu giá khu đất công tại số 23 Lê Duẩn, quận 1 với giá khởi điểm là 558 tỷ đồng. Có 13 doanh nghiệp tham dự đấu giá, sau 16 vòng đấu giá thì mức giá cuối cùng đã lên đến 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm, điều này giúp ngân sách nhà nước thu lại được khoản tiền đúng với giá trị thực của khu đất.
Hiếu Quân
Theo KTTD, Vietnambiz