Sự kiện hot
13 năm trước

Hốt hoảng nguy cơ 'vỡ nợ' của công ty chứng khoán

Một số CTCK mất thanh khoản, không thể trả lại tiền của chính các nhà đầu tư đang dấy lên một làn sóng lo ngại: Liệu có xảy ra một dây chuyền "vỡ nợ" trên thị trường chứng khoán?.

Một số CTCK mất thanh khoản, không thể trả lại tiền của chính các nhà đầu tư đang dấy lên một làn sóng lo ngại: Liệu có xảy ra một dây chuyền "vỡ nợ" trên thị trường chứng khoán?.

Lỳ mặt không trả tiền cho nhà đầu tư

Sau một tuần với chỉ 1 phiên tăng và 4 phiên giảm như thường thấy, TTCK mở đầu tuần mới (12/12) đón thêm một thông tin khá sốc: Công ty Chứng khoán SME (SME) mất khả năng chi trả tiền mặt cho nhà đầu tư.

Mới nghe qua thì có vẻ không có gì mới bởi trong khoảng 2 tháng gần đây SME đã 2 lần rơi vào tình trạng mất thanh khoản và bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đình chỉ hoạt động lưu ký. Lần 1 là từ 3/11 đến 3/12 và lần 2 là từ 7/12/2011 đến 7/1/2012.

Ngoài SME, ngày 22/11, Công ty Chứng khoán Tràng An (TAS) cũng bị VSD cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch chứng khoán. TAS không còn khả năng thanh toán trong các giao dịch mua bán với nhà đầu tư, đồng thời nợ Quỹ Hỗ trợ Thanh toán của VSD hơn 7 tỉ đồng.

Lo lắng, một số nhà đầu tư cũng đã tìm cách rút lui khỏi SME vì cho rằng đơn vị này không thể đáp ứng các giao dịch rút, chuyển tiền của họ.

Tuy nhiên, cũng có không ít người chậm chân đến đóng tài khoản tại SME đã nhận một quả đắng khi sáng 12/12 họ được thông báo, chứng khoán của mình nằm tại SME sẽ được chuyển sang tài khoản mới mở Công ty Chứng khoán GoldenBridge (GBVS), trong khi tiền mặt thì vẫn phải chờ.

SME đã không còn tiền để trả cho nhà đầu tư. Những tất cả đang im lặng khiến nhà đầu tư lo lắng.

Như vậy, có thể thấy, khá nhiều nhà đầu tư đã chủ quan khi nghĩ rằng tiền gửi tại các CTCK là tiền của mình sẽ được đảm bảo an toàn cho dù công ty có mất thanh khoản.

Thời gian để rút được tiền ra khỏi SME có thể lên đến vài ba tuần như nhân viên của công ty này thông báo. Nhưng liệu đến khi đó, những người kém may mắn này có lấy lại được đồng tiền của chính mình?.

Chính vì thế, nhiều người đang ngồi trên đống lửa khi không biết bao giờ mới lấy lại được tiền. Nghĩ lại những cú "sốc" tín dụng gần đây, nhiều người đã nghĩ đến cảnh xấu nhất: công ty chứng khoán đã ôm tiền chạy làng. Biết bao giờ mới đòi được mà nếu có đòi được thì tiền tỷ cũng chỉ còn như tiền lẻ

Nguy cơ làn sóng mất thanh khoản

Một điều đáng lo ngại là sau vụ SME việc mất khả năng thanh toán rất có thể lan rộng nhanh chóng và trở thành làn sóng đối với các CTCK trong bối cảnh các công ty này liên tiếp lỗ và vốn chủ sở hữu cũng không còn nhiều.

Thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011 của các CTCK niêm yết trên HOSE có tới 2 phần 3 trong số này thua lỗ, trong đó 18 công ty có số lỗ trên 1.350 tỷ đồng. Một khảo sát  mang tính thử nghiệm để áp dụng chuẩn an toàn tài chính mới cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2011, 12 CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%. Trong số đó có năm CTCK có tỷ lệ này ở dưới mức dưới 120% - mức có thể bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt...

Theo báo cáo quý 3/2011 của SME, tiền và các khoản tương đương tiền của SME chỉ là 7,7 tỉ đồng. Trong đó, tiền của nhà đầu tư là 6,3 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 44,6 tỷ đồng quý 2/2011. Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 2,91 lần.

Cùng thời gian này, một vài CTCK khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như TAS có tỷ lệ tiền mặt và tương đương tiền so với nợ ngắn hạn là 12,27%, APG là 11,22%, GBS 3,02%...

Bên cạnh đó, nhiều CTCK đang có những cục nợ và những liên quan tài chính khó hiểu như ORS, WSS, SBS... Và tất nhiên, nếu có vấn đề gì xảy ra thì chắc chắn vốn chủ sở hữu của các công ty này chắc chắn còn tụt giảm và nguy cơ mất thanh khoản tăng lên.

Và khi một công ty không có đủ tiền để thanh toán cho những nhu cầu phát sinh như nợ đến hạn hoặc khách hàng rút tiền thì nguy cơ phá sản là hiển hiện, kể cả trường hợp doanh nghiệp có khối tài sản to lớn và khối tài sản này trên thực tế vẫn sinh lời.

Hơn thế, khi "SME chết đuối", theo giới quan sát thị trường, chắc chắn sẽ khiến các CTCK khó khăn hơn bởi các nhà đầu tư sợ mất tiền và có thể đồng loạt rút tiền khỏi những CTCK này, đặc biệt là các CTCK nhỏ.

Câu hỏi được đặt ra là, nếu có làn sóng mất thanh khoản như vậy, các cơ quan chức năng có kịp xử lý hay không khi mà cho tới thời điểm này UBCK mới chỉ đưa ra được dự thảo Đề án tái cấu trúc CTCK và gửi tới để các CTCK tham khảo?.

Sụ việc của một vài công ty mất thanh khoản sẽ khiến thị trường thêm nhiều rủi ro.

Đừng xem thường

Xa hơn, nhiều nhà đầu tư lo ngại cả TTCK cũng sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

"Tây tiếp tục tháo chạy mạnh mẽ. Làn sóng bán tháo cổ của các CTCK bắt đầu khi mà SME khơi phát súng lệnh mất thanh khoản. Không nên xem thường thông tin này", một nhà đầu tư trao đổi trên diễn đàn chứng khoán.

Theo nhà đầu tư này, năm nay tình hình rất tồi tệ. Nhiều công ty sẽ nợ từ 1 đến 2 tháng lương cuối năm của công nhân chứ chưa nói đến chuyện tháng thứ 13 và thưởng! Cú mất thanh khoản của SME chắc chắn sẽ tác động tới dòng tiền đang dò dẫm mò đáy thị trường.

Một nhà đầu tư khác thậm chí còn cho rằng chứng khoán Việt Nam có thể sẽ dần mất thanh khoản hoàn toàn và có thể đóng băng ngủ đông một thời gian dài bởi niềm tin đối với TTCK có thể nói đã xuống thấp nhất kể từ khi 2 sàn chứng khoán được lập ra.

Trở lại vụ SME, đây là kết quả của một sự quản lý không chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Tất nhiên, trong thời gian đầu, một nhiệm vụ quan trọng là phát triển thị trường theo chiều rộng, tức là phải tạo nhiều hàng hóa, nhiều thành viên tham gia thị trường. Nhưng không có nghĩa là vì thế mà buông lỏng với việc quản lý chất lượng.

Trong vài năm qua, các doanh nghiệp đã ồ ạt lên sàn và ồ ạt phát hành cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp làm ăn không tốt nhưng vẫn được phát hành cổ phiếu. Thậm chí, không ít doanh nghiệp huy động vốn rồi dùng tiền của cổ đông để đầu tư tài chính...

Các CTCK thì lạm dụng tiền của nhà đầu tư. Câu chuyện minh bạch và tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng với CTCK đã kéo dài nhiều năm nay và đã được bàn thảo ở nhiều hội nghị, hội thảo. Nhưng rốt cuộc, đa số các CTCK vẫn chưa làm được điều này, có chăng chỉ dừng ở mức tách bạch tài khoản tổng, tức là họ vẫn có thể sử dụng tiền của người này cho người khác vay. Và đến khi có rủi ro xảy ra thì mất thanh khoản là không tránh khỏi.

Câu chuyện cứu TTCK đã được nhiều người đặt ra, không chỉ ở chỗ như nới van tín dụng, hạ lãi suất... mà điều quan trọng là đẩy nhanh tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc các CTCK để hướng tới một thị trường minh bạch hơn, lành mạnh hơn, bớt đi tình trạng làm giá, tạo sóng, lừa đảo kiếm tiền bất chính... Tái cấu trúc càng nhanh thì niềm tin sẽ sớm trở lại với TTCK.

Mạnh Hà
Theo Vef


Từ khóa: