Sự kiện hot
13 năm trước

Hư bảy trứng chim, đòi thường 100 triệu

Hiện chưa có quy định bồi thường tổn thất tinh thần đối với thiệt hại về vật nuôi. Bị đơn chỉ đồng ý bồi thường trứng theo giá bán ngoài thị trường.

Hiện chưa có quy định bồi thường tổn thất tinh thần đối với thiệt hại về vật nuôi. Bị đơn chỉ đồng ý bồi thường trứng theo giá bán ngoài thị trường.

Đầu năm 2010, ông D. (62 tuổi, ở Thanh Hóa) được bạn tặng bảy quả trứng chim quý nên ông quyết định ươm giống. Theo quan niệm dân gian nơi ông sinh sống, muốn trứng chim nở dễ dàng thì phải đem trứng vùi vào cám gạo để bên cạnh chim mẹ trong vòng một ngày sau đó mới đưa cho chim mẹ tự ấp...

Trứng thối, chim rụng lông

Do gia đình không có cám gạo nên ông D. đem bảy quả trứng chim kèm con chim kiểng của mình (làm chim mẹ) sang nhà ông B. (hàng xóm) gửi nhờ. Sau khi dặn dò kỹ lưỡng cách thức, công đoạn "tiền ấp trứng", ông về và hẹn sang ngày mai đến lấy trứng và chim.

Đến hẹn, ông D. sang nhà hàng xóm thì được ông B. cho biết đã đem trứng cho chim mẹ ấp. Lúc này ông D. tỏ ra gay gắt cho rằng bạn làm sai công thức và có nguy cơ làm hỏng cả chim lẫn trứng. Lời qua tiếng lại một lúc, ông D. đành phải đưa chim và trứng về nhà.

Một tuần sau, bảy quả trứng chim bốc mùi thối còn con chim kiểng bắt đầu rụng lông đầu và đuôi. Xót của, tiếc chim, ông D. liền chạy qua nhà ông hàng xóm bắt đền. Tuy nhiên, cả hai bên không tìm được tiếng nói chung, thậm chí còn xung đột dẫn đến cãi vã...

Mọi chuyện bẵng đi hơn một năm, mới đây đầu tháng 4-2012, ông D. khởi kiện ra tòa.

Đòi phi lý, không chấp nhận

Theo đơn kiện, ông D. giãi bày bản thân ông rất yêu chim và muốn ươm thật nhiều giống quý. Bảy quả trứng chim trên cũng là giống quý nên ông không muốn đem ra lò ấp vì sợ khi trứng nở, chim non bị bắt trộm. Do vậy ông quyết định tự mình ươm giống.

Theo kinh nghiệm dân gian, ông đã nhờ người hàng xóm và chỉ nhờ vùi trứng chim vào cám gạo, một ngày sau sẽ tới lấy còn các công đoạn khác ông tự làm. Ông B. tự ý đưa trứng ra khỏi cám gạo và bắt chim mẹ tự ấp là làm sai công đoạn và trái với mong muốn của ông dẫn tới trứng chim bị hư, chim mẹ bị rụng lông do chưa kịp thích nghi với môi trường lồng ấp. Trong việc này, ông B. có lỗi hoàn toàn nên phải bồi thường 100 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng tiền trứng chim và 30 triệu đồng là chi phí chạy chữa cho chú chim rụng lông. Giá trị bồi thường này bao gồm cả tổn thất tinh thần mà ông phải gánh chịu khi các tài sản trên bị ảnh hưởng.

Trước các yêu cầu trên của nguyên đơn, phía ông B. trước sau không đồng ý. Ông phản đối kịch liệt vì cho rằng yêu cầu quá phi lý. Chim kiểng thì ông không đền còn số trứng hư thì ông chỉ bồi thường theo giá bán ngoài thị trường...

Khó đòi bồi thường tổn thất tinh thần đối với thiệt hại vật nuôi

Theo luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM), ở một số nước phát triển, việc làm thiệt hại, hư hỏng đối với vật nuôi sẽ phải bồi thường cả về vật chất lẫn tổn thất tinh thần. Tuy nhiên, ở nước ta, chưa có bất cứ quy định nào về việc bồi thường tổn thất tinh thần khi làm thiệt hại đến vật nuôi. Vì vậy trong trường hợp này, theo tôi nếu nguyên đơn yêu cầu bồi thường thì cần phải xem xét kỹ lưỡng để vừa phù hợp với tâm lý xã hội vừa phù hợp với pháp luật. Số tiền bồi thường nếu có thì cũng không đi quá xa với thực tế...

Luật sư Phạm Hiền Trúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm khi kiện, nguyên đơn phải chứng minh được bị đơn làm hư hại trứng của mình. Ở đây hai bên đã thống nhất việc làm hư trứng thì tòa đã có căn cứ để phân xử. Tuy nhiên, việc đòi 70 triệu đồng cho số trứng hư này tòa sẽ xem xét, có thể tòa chấp nhận toàn bộ hoặc chỉ chấp nhận một phần... Tương tự, việc đòi bồi thường cho con chim kiểng cũng vậy.

Theo PL TP.HCM

Từ khóa: