Tòa nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm được thiết kế không khác gì một chung cư thương mại cao tầng - Ảnh: Bảo Anh.
Tuy nhiên, để có được những con số trên, kể từ sau khi Nghị định 108 của Chính phủ được ban hành từ tháng 4/2009 đến nay, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đã có đến hàng trăm cuộc họp kín họp mở, hội nghị, hội thảo của cơ quan cấp bộ và UBND thành phố để bàn chuyện xây nhà cho người thu nhập thấp.
Riêng với thành phố Hà Nội, lịch làm việc của lãnh đạo thành phố trong suốt hơn 2 năm qua, hầu như tháng nào cũng có các cuộc họp về chủ đề nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội.
Họp nhiều, bàn nhiều, sửa đổi nhiều, song dường nhưng mục đích cuối cùng thì dường như vẫn chưa chạm tới được.
Tại một cuộc họp mới nhất của UBND thành phố Hà Nội về chương trình xây nhà cho người thu nhập thấp, tổ chức chiều 7/9, đại diện các sở Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp... thừa nhận, vẫn có quá nhiều điểm “nghẽn” khiến chương trình không được như kỳ vọng.
Một trong những điểm “nghẽn” được cho là khá quan trọng là chuyện khoanh vùng đối tượng được xét duyệt mua nhà thu nhập thấp. Theo quy định ban đầu của thành phố Hà Nội, chỉ những người có hộ khẩu thường trú tại các quận nội thành mới là đối tượng được nộp đơn mua nhà.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ban hành, quy định này đã trở nên lỗi thời vì không thấy mấy ai là người nội thành đến nộp đơn xét duyệt mua nhà. Bất đắc dĩ, đầu tháng 3/2011, trong lần mở bán tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng, thành phố đã phải phá lệ khi bãi bỏ quy định giới hạn hộ khẩu nội thành, thay vào đó là tất cả người dân có hộ khẩu tại Hà Nội có thể tham gia đăng ký mua nhà.
Song, do những bất cập trong thiết kế, giá cả, việc bỏ giới hạn hộ khẩu của thành phố dường như vẫn có nhiều ý nghĩa khi dự án nhà giá thấp tại lô No 11A và No 12-2 ở khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) còn tới hơn 100 khách hàng (trên tổng số 400 hồ sơ) chưa ký hợp đồng mua nhà dù chủ đầu tư đã ra thông báo tới lần thứ 3. Thậm chí không ít hộ gia đình nằm trong diện được ký hợp đồng mua nhà đã tự nguyện rút đơn vì không đủ khả năng tài chính.
Trước thực tế đó, trong cuộc họp ngày 7/9, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã tính tới giải pháp sẽ cho cả những người tạm trú tại Hà Nội được nộp đơn xét duyệt mua nhà thu nhập thấp, tất nhiên kèm theo đó vẫn là một điều kiện giới hạn với những đối tượng hưởng lương ngân sách.
Vô số mâu thuẫn
Theo đại diện các khách hàng có ý định mua nhà thu nhập thấp, sở dĩ họ không mặn mà với chương trình nhà thu nhập thấp vì thực tế giá bán của những căn hộ thuộc diện này lại không được như tên gọi, trong khi địa điểm, vị trí dự án lại cách trung tâm thành phố trên dưới 20 km.
Không những thế, do cơ quan quản lý không đứng ra cầm trịch việc định giá mà chỉ có chỉ đạo chung chung dẫn tới việc giá thành mỗi dự án, mỗi chủ đầu tư "hét" một giá. chẳng hạn, tại dự án ở Xuân Mai, giá chỉ là 8,8 triệu đồng/m2, nhưng dự án Ngô Thì Nhậm thì đã trên 11 triệu đồng/m2, rồi đến dự án ở Sài Đồng, giá đã là 13,3 triệu/m2, vượt quá khả năng thanh toán của nhiều đối tượng “thu nhập thấp”.
Điều đáng nói ở đây, trong khi các chi phí gần như ngang bằng nhau, thủ tục, đất đai cũng được hưởng các ưu tiên tương tự nhau thì giá nhà thu nhập thấp tại Hà Nội lại ngang bằng với giá nhà thương mại tại Tp.HCM - nơi vốn được xem là áp lực về nhà ở còn cao hơn nhiều so với Thủ đô.
Rồi, không hiểu sao, trong khi các căn hộ chung cư mini do tư nhân xây dựng với diện tích chỉ từ 30 - 40 m2 ở ngay nội thành được rất nhiều người quan, săn tìm mua thì hầu hết các dự án nhà thu nhập thấp lại được thiết kế với diện tích từ 60 - 70 m2. Nếu nhân với mức giá trên 13 triệu đồng/m2 thì số tiền bỏ ra để mua nhà là không hề nhỏ.
Để khắc phục bất cập trên mà cụ thể là giảm giá thành, giá bán, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đã kiến nghị thành phố nên sớm ban hành quy định đối với các dự án nhà giá thấp, căn hộ có diện tích 35 - 45 m2 sẽ phải chiếm khoảng 20%, diện tích 45 - 60 m2 chiếm 60%, căn hộ 60 - 70 m2 chỉ chiếm 20% dành cho những người có điều kiện tốt hơn một chút.
Cũng trong cuộc họp ngày 7/9, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, câu chuyện giá bán nhà thu nhập thấp tại Thủ đô hiện đang chứa đựng mâu thuẫn giữa việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia và vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, cơ quan này lại kiến nghị Bộ Xây dựng nên xem xét bãi bỏ quy định “giá bán phải theo cấp thẩm quyền phê duyệt”, thay vào đó là “doanh nghiệp phải đăng ký giá để duyệt dự án đầu tư”.
Ở góc độ chủ đầu tư, đại diện các doanh nghiệp tham gia đều thống nhất, dù Bộ và thành phố đã ban hành hàng tá văn bản về nhà thu nhập thấp nhưng cái quan trọng nhất là quy chuẩn chung để xây nhà thu nhập thấp thì lại... chưa thấy đâu.
Đại diện lãnh đạo Vinaconex Xuân Mai, Handico 5... cho rằng, do chưa có quy chuẩn về việc xây dựng nhà thu nhập thấp nên chủ đầu tư buộc phải áp dụng xây dựng theo quy chuẩn nhà cao tầng. Do đó, ngoài việc phần xây thô nhà phải đảm bảo chất lượng, thì phần hoàn thiện cũng khó rẻ hơn vì cửa kính, cửa gỗ của nhà cũng phải đảm bảo an toàn, các thiết bị ngầm cũng phải làm chất lượng tốt... khó có thể hạ giá thành theo nguyện vọng của người dân.
Bảo Anh
Theo Vneconomy