Là địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quang thiên nhiên… Thời gian qua, huyện Mộc Châu (Sơn La) luôn không ngừng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực thực hiện Chương trình OCOP – kết hợp với ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển nông nghiệp luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, từng bước đầu đem lại kết quả tích cực. Góp phần, khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất Cao nguyên được ví như “Đà Lạt của Tây Bắc”.
Để thực hiện Chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và các chính sách khuyến khích làm giàu chính đáng của người dân nông thôn trên địa bàn huyện. Hàng năm UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc; tổ chức các Hội nghị, các cuộc họp… liên quan đến các sản phẩm công - nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… của địa phương. Từ đó đưa ra, các chính sách thích hợp cụ thể cho bà con xây dựng và phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho từng địa bàn xã, bản.
Sản phẩm chè Bát Tiên được chứng nhận OCOP 4 sao của HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập. ảnh A Trứ
Qua tìm hiểu, hiện huyện Mộc Châu có trên 100 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, hơn 36ha nhà lưới, nhà kính, hơn 60 mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt Isarel… Có trên 460ha diện tích nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP và duy trì 27 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 723ha. Đặc biệt, có hơn 1.670 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất hơn 2.300ha; 3 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Trong đó, có 2 vùng sản xuất đã được công nhận: vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La công nhận là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì và giữ vững các chỉ tiêu đạt theo Đề án số 01-ĐA/HU ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025.Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất trồng trọt. Phấn đấu năm 2024, tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ lên trên 37%, tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 56% trong tổng sản phẩm sử dụng.
Trao đổi với phóng viên về việc thực hiện Chương trình OCOP và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện cho biết: Chương trình OCOP đã được triển khai đến 15 xã, thị trấn và toàn thể các doanh nghiệp, Công ty, HTX đóng trên địa bàn huyện. Trong đó, có 6 HTX, 3 Công ty và 4 hộ kinh doanh đã có các sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3- 4 sao. Các sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tiếp nhận tích cực như: Các sản phẩm chế biến từ mận hậu, xoài, hồng giòn, chè…Điểm hình có sản phẩm chè Shan tuyết đặc biệt, chè Bát tiên đặc biệt của HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập đạt OCOP 4 sao; sản phẩm mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo mộc của HTX Dịch vụ và phát triển nông nghiệp 19/5 đạt OCOP 4 sao… Hiện, huyện Mộc Châu là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP trong toàn tỉnh, các sản phẩm OCOP của địa phương được đánh giá cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện huyện đang tiếp tục rà soát và đánh giá lại một số sản phẩm để nâng hạng sao, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, Công ty, HTX… trên địa bàn chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp riêng của từng vùng gắn với ứng dụng công nghệ cao để nâng cao sản lượng giá trị các sản phẩm.
Sản phẩm OCOP mận sấy dẻo của hộ kinh doanh Cường Hoa, xã Chiềng Sơn Mộc Châu. ảnh A Trứ
Với việc tích cực tuyên truyền, nỗ lực thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp. Đến nay, huyện có 33 sản phẩm OCOP, trong đó, 13 sản phẩm đạt 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao... Có nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương được đánh giá cao, được người tiêu dùng và khách hàng trong và ngoài nước thường xuyên lựa chọn.
Ông Nguyễn Thế Cường, chủ hộ kinh doanh Cường Hoa chia sẻ với phóng viên kinh nghiệm, kỹ thuật chế biến các sản phẩm. ảnh A Trứ
Để trực tiếp được “ thực mục sở thị” chúng tôi đến tham xưởng sản xuất của hộ gia đình kinh doanh Hoàng Thị Hoa tại tiểu khu 30/4 xã Chiềng Sơn huyện Mộc Châu. Hộ kinh doanh Cường Hoa có 2 sản phẩm là: Mận sấy dẻo Cường Hoa và xoài sấy dẻo Cường Hoa đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023. Các sản phẩm của hộ kinh doanh còn được UBND huyện đánh giá rất cao, với thiết kế bao bì bắt mắt, chất lượng quả luôn đảm bảo hương vị tự nhiên thường được lựa chọn làm quà biếu bạn bè người thân. Dẫn chúng tôi tham xưởng chế biến sản phẩm của gia đình, ông Nguyễn Thế Cường vui vẻ chia sẻ: Gia đình tôi rất vui vì sản phẩm xoài sấy dẻo Cường Hoa của gia đình vừa được tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. Qua gần 4 năm vào hoạt động và sự cố gắng không ngừng để xây dựng thương hiệu sản phẩm thì các sản phẩm của gia đình tôi luôn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023 và có mặt tại nhiều cửa hàng các tỉnh miền Bắc. Trong thời gian tới, gia đình tôi dự tính làm thêm một số sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: Chanh leo, dâu tây… để các sản phẩm luôn được duy trì theo đúng mùa vụ, đảm bảo số lượng phục vụ khách hàng.
Các sản phẩm OCOP của hộ kinh doanh Cường Hoa, tại tiểu khu 30-4 xã Chiềng Sơn, Mộc Châu thiết kế với bao bì, mẫu mã đẹp mắt. ảnh A Trứ
Phát huy những thế mạnh, lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên và con người của địa phương… Thời gian tới, huyện Mộc Châu sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm và nhãn hiệu chứng nhận OCOP của địa phương.. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn đảm bảo ổn định và bền vững; tăng cường hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, công ty, HTX… tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm của địa phương đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
A Trứ/ Văn phòng Tây Bắc
Theo KT&ĐU