Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Huyện Yên Châu quan tâm, nâng tầm thương hiệu sản phẩm tỏi đen địa phương

Nhận thấy tiềm năng, giá trị kinh tế của củ tỏi địa phương đối với người tiêu dùng, huyện Yên Châu (Sơn La) đã tạo điều kiện thuận lợi để các HTX trên địa bàn phát huy thế mạnh, nghiêm cứu chế biến tỏi một nhánh thành sản phẩm tỏi đen mang thương hiệu.

Trên địa bàn huyện Yên Châu hiện có khoảng 200 ha tỏi, năng suất đạt 20-25 tấn/ha, trồng chủ yếu ở các xã Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán... Giống tỏi tía thường có nhiều nhánh được người dân lựa chọn trồng phổ biến nhất; ngoài ra, nơi đây còn có giống tỏi một nhánh hay còn gọi là “tỏi cô đơn” có mùi thơm đậm hơn, vị cay nồng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản phẩm tỏi đen Diệp Bách được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, là sản phẩm điển hình của huyện Yên Châu. ảnh A Trứ

Sản phẩm tỏi đen Diệp Bách được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, là sản phẩm điển hình của huyện Yên Châu. ảnh A Trứ

Ông Cao Xuân Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu cho biết, huyện Yên Châu có sản phẩm tỏi đen “ Diệp Bách” của HTX Tây Bắc nói riêng và sản phẩm tỏi đen của huyện nói chung đang được đánh giá khá cao, đây là sản phẩm OCOP tiêu biểu mà huyện đang xây dựng để nâng tầm thương hiệu. Bên cạnh đó, huyện còn khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tiếp tục xây dựng các sản phẩm chất lượng, các thương hiệu riêng để làm phong phú các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Giám đốc của HTX Tây Bắc tự hào về sản phẩm tỏi đen của địa phương. ảnh A Trứ

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Giám đốc của HTX Tây Bắc tự hào về sản phẩm tỏi đen của địa phương. ảnh A Trứ

Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu tỏi đen ở huyện Yên Châu, anh Nguyễn Anh Đức - Phó Giám đốc HTX Tây Bắc cho hay: “Từ năm 2014, tôi nhận thấy sản phẩm tỏi đen trên thị trường có giá trị cao, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, mà địa phương lại có lợi thế trồng tỏi vì vậy tôi đã bàn với anh em nghiêm cứu để xây dựng sản phẩm tỏi của địa phương. Năm 2018, tôi đã cùng với 7 thành viên thành lập HTX Tây Bắc, đầu tư các thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật nghiêm cứu để chế biến sản phẩm tỏi một nhánh của địa phương làm ra sản phẩm tỏi đen. Thời điểm đầu, chưa có kinh nghiệm, nguồn nguyên liệu tỏi có chất lượng không đồng đều, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Thêm nữa, máy móc làm tỏi đen trên thị trường khá đắt, trong khi nguồn quỹ hoạt động của HTX còn hạn chế, nên các thành viên HTX đã nghiên cứu, chế tạo, chỉnh sửa để thiết bị bảo đảm các thông số yêu cầu về nhiệt độ, thời gian, độ ẩm, thông gió... nên còn gặp nhiều khó khăn.

Sau gần 6 năm đi vào hoạt động và phát triển, hiện HTX đã đầu tư xưởng chế biến rộng 700 mét vuông, với 20 máy làm tỏi đen, công suất mỗi máy khoảng 1,5 tấn tỏi tươi/mẻ, các máy sấy đều được lắp đạt hệ thống điều khiển thông minh từ xa. Mỗi năm, HTX sản xuất 20 tấn tỏi đen ra thị trường, với giá bán 400-500 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn cho ra khoảng 15 tấn các sản phẩm khác như: Xoài sấy, chuối sấy, mận sấy, hoa đu đủ đực, chè Shan Tuyết Ôn ốc… Tổng doanh thu gần 10 tỷ/ năm, sau khi trừ chi phí đạt 1,5- 2 tỷ đồng/năm”.

Bà Nguyễn Thị Yến Linh - Giám đốc HTX Tây Bắc với sản phẩm tỏi đen Diệp Bách. ảnh A Trứ

Bà Nguyễn Thị Yến Linh - Giám đốc HTX Tây Bắc với sản phẩm tỏi đen Diệp Bách. ảnh A Trứ

Nói về quy trình làm tỏi đen của HTX mình, Chị Nguyễn Thị Yến Linh - Giám đốc HTX Tây Bắc cho biết: Quy trình làm tỏi đen được thành viên HTX luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu. Sau thu hoạch, tỏi tươi được rửa sạch, cắt bỏ rễ, phần đầu cuống cắt ngắn còn từ 3-5 mm để tỏi giữ được mẫu mã đẹp sau khi chế biến. Sau đó, xếp tỏi vào các khay đưa vào lò ủ, duy trì nhiệt độ của lò ủ ở mức 60-900 độ C phù hợp với từng giai đoạn. Tiếp tục ủ khoảng 30 ngày, vỏ củ tỏi sẽ khô lại, tép tỏi bên trong chuyển màu đen, dẻo, mềm và không còn mùi cay hăng của tỏi tươi. Trong quá trình đó, cứ 3 ngày lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm để theo dõi độ chuyển màu của tỏi và điều chỉnh nhiệt độ, nhằm đảm bảo quy trình lên men khoảng 30 ngày. Công đoạn cuối cùng là đưa tỏi vào sấy và làm mát khoảng 15 ngày. Sản phẩm tỏi đen đã khô được bảo quản bằng cách cho vào ngăn mát của tủ lạnh hoặc để nơi thoáng mát, có thể sử dụng trong 2 năm. Vì luôn sát sao trong tất cả các khâu, luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm nên các sản phẩm tỏi đen của HTX luôn có được vị ngọt thanh, dẻo thơm, dễ ăn, có thể bảo quản trong thời gian dài. Hiện nay, sản phẩm tỏi đen của HTX đã có mặt tại các cửa hàng tạp hóa lớn ở huyện Mộc Châu, thành phố Sơn La, Hà Nội... Năm 2017, sản phẩm tỏi đen “Diệp Bách” đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và sau khi đánh giá lại tiếp tục đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023.

Với phương châm “ sản phẩm từ tâm - nâng tầm thương hiệu” sản phẩm tỏi đen của HTX Tây Bắc nói riêng và các sản phẩm tỏi đen trên địa bàn huyện nói chung đã được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước tin dùng, không những đem lại thu nhập cao cho các thành viên HTX mà còn mang lại nguồn thu ổn định cho người trồng tỏi trên địa bàn huyện.

Hiện nay, HTX Tây Bắc đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm từ tỏi đen và tiếp tục nghiên cứu làm thêm các sản phẩm như: Trà hoa đu đủ đực, chuối sấy, xoài sấy, chè Shan Tuyết Ôn Ốc…hướng tới xây dựng OCOP cho các sản phẩm. Cùng với đó, khảo sát thị trường, mở rộng mạng lưới bán hàng, tạo kênh bán hàng online trên các website bán hàng lớn như: Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn... Đồng thời, đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

A Trứ/ VP Tây Bắc
Theo KTĐU

Từ khóa: