Ngày 26.4, tại Hà Nội, IBM đã tổ chức Hội thảo Giải pháp Công nghệ Thông minh và Hiệu quả cho ngành giáo dục, với điện toán đám mây được xem là đại diện cho một mô hình công nghệ mang tính cách mạng
Ngày 26.4, tại Hà Nội, IBM đã tổ chức Hội thảo Giải pháp Công nghệ Thông minh và Hiệu quả cho ngành giáo dục, với điện toán đám mây được xem là đại diện cho một mô hình công nghệ mang tính cách mạng có thể nâng cao đáng kể chất lượng giáo dục cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam.
Tập trung hóa và củng cố các tài nguyên, hỗ trợ thành công của sinh viên, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đảm bảo hiệu quả quản lý hành chính và bảo tồn các loại nguồn lực là một số thách thức mà điện toán đám mây có thể hỗ trợ ngành giáo dục giải quyết.
Danh mục giải pháp điện toán đám mây của IBM dành cho ngành giáo dục bao gồm từ các giải pháp đám mây riêng, đám mây công cộng, đám mây lai đến các giải pháp IBM desktop cloud, giải pháp tự động cấp phát và quản lý tài nguyên IBM SmartCloud Provisioning, giải pháp hệ thống tích hợp IBM PureSystems hỗ trợ tăng tốc triển khai điện toán đám mây, v.v… Thông qua điện toán đám mây và ảo hóa, các trường học có thể dễ dàng chia sẻ các dịch vụ quản lý sinh viên giữa các khoa, bộ môn một cách hiệu quả hơn. Những môi trường chia sẻ dịch vụ này cũng nâng cao tính tin cậy và chất lượng dịch vụ, đồng thời mang lại tính kinh tế theo quy mô thông qua tăng cường hợp tác giữa các thầy cô và sinh viên từ các khoa, bộ môn khác nhau trong trường.
Chẳng hạn như, một sinh viên khoa toán có thể ngồi tại ký túc xá kết nối Internet và truy cập điện toán đám mây để tìm một máy chủ vật lý hay máy chủ ảo với dung lượng lưu trữ cần thiết, cùng với một phần mềm toán học MATLAB để chạy một bài tập về nhà. Một giảng viên cũng có thể truy cập chính đám mây đó để đề nghị một máy chủ ảo cho mỗi sinh viên thực hiện một dự án dựa trên phần mềm TinkerPlots. Sau khi sử dụng sau, các tài nguyên này lại được trả lại về đám mây để phân bổ cho người dùng tiếp theo. Các nguồn lực này chỉ được sử dụng khi cần, vì vậy tối ưu hóa việc sử dụng các phần cứng và giấy phép phần mềm, đồng thời tối thiểu hóa chi phí năng lượng và mua sắm hàng năm. Một đặc điểm quan trọng nữa là các sinh viên và giáo viên có thể truy cập các tài nguyên này 24x7, từ lớp, từ nhà hay từ ký túc xá.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHCNTT HCM) là trường đại học đầu tiên, đồng thời cũng là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam, triển khai giải pháp điện toán đám mây dựa trên hệ thống IBM PureSystems.
Ông Dương Anh Đức, Hiệu trưởng ĐHCNTT HCM cho biết tại Hội thảo: “Chúng tôi muốn có một cơ sở hạ tầng CNTT có thể nâng cao trải nghiệm cho người sử dụng cũng như thay thế các phương thức quản lý CNTT truyền thống. Tôi tin rằng, công nghệ IBM PureSystems sẽ giúp chúng tôi truy cập một cách linh hoạt và dễ dàng đến rất nhiều ứng dụng đa dạng trong tương lai, với mức độ tích hợp và tối ưu hóa sâu, cùng những kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng có được từ hàng nghìn dự án triển khai trước đây của IBM.”
Ngoài ra, trong khuôn khổ các Sáng kiến Học đường, IBM cũng sẽ hỗ trợ ĐHCNTT HCM xây dựng một phòng thí nghiệm điện toán đám mây để hỗ trợ nhà trường tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và cộng tác với các trường đại học hàng đầu trong khu vực.
theo Lao động