Theo KBSV, hồi phục nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, hưởng lợi từ câu chuyện riêng tại thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU. Nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may được dự báo hồi phục đáng kể nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 được đẩy nhanh trên toàn cầu; tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cùng tác động bởi các hiệp định thương mại tự do ( EVFTA) sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho MSH trong thời gian tới.
Trong báo cáo cập nhật mới đây về CTCP May Sông Hồng (MSH), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, MSH là một trong những doanh nghiệp uy tín, có khả năng sản xuất sản phẩm có độ khó cao, đội ngũ lao động lành nghề và quản lí chi phí tốt; là đối tác của nhiều công ty thời trang lớn trên thế giới. MSH cũng là một trong số ít doanh nghiệp có tỷ trọng hàng FOB cao với cả phương thức FOB cấp 1 và FOB cấp 2 có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với phương thức CMT.
Nhà máy may Sông Hồng 10 đi vào hoạt động giúp nâng 35% công suất FOB. Nhà máy SH10 đã được triển khai và dự kiến hoàn thành vào tháng 11, 2021 với tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Dự kiến SH10 sẽ tăng công suất thêm hơn 2 triệu sản phẩm/ tháng phục vụ đơn hàng FOB cho đối tác chiến lược (tương ứng tăng 35% công suất FOB hiện tại).
“Dự phòng khoản phải thu của New York & Company khả năng cao sẽ được hoàn nhập. New York & Co (NYC) - một đối tác lâu năm của MSH tuyên bố phá sản khiến doanh nghiệp mất đi một khách hàng lớn và phải trích lập 186 tỷ chi phí dự phòng phải thu. Tuy nhiên, MSH dự kiến có thể thu hồi 37% giá trị khoản phải thu này tương đương 81 tỷ đồng trong quý II/2021” – KBSV cho biết.
Nhật Minh
Theo KTDU