Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2024

Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kế hoạch phát triển ngành năm 2024, trên cơ sở đánh giá sát thực, đúng thực chất tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch năm 2023.

Mục tiêu toàn ngành

Phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Cụ thể: Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 2,5 – 3,0%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành 2,7 – 3,2%; giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản (tỷ USD)1; tỷ lệ che phủ của rừng duy trì ổn định 42%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tăng thêm so với cuối năm 2023.

Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2024 - Ảnh 1

Định hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế hợp tác nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Trong đó, riêng lĩnh vực thủy sản, kiểm ngư: Xây dựng kế hoạch nuôi trồng, khai thác hải sản phù hợp với điều kiện từng địa phương, quy định quốc tế và yêu cầu thị trường; dự kiến tốc độ tăng giá trị sản xuất của lĩnh vực thủy sản. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; Chiến lược phát triển Ngành, lĩnh vực thủy sản phù hợp với thực tiễn; 2 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 4 Chương trình quốc gia.

Đề xuất các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất ngành hàng, áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi, khai thác hiện đại gắn với chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm thủy sản chế biến. Đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của quốc tế về nuôi trồng và đánh bắt hải sản; cấp mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn, quản lý việc đánh bắt hải sản theo đúng các quy định trong nước và phù hợp với quốc tế; thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển; thúc đẩy xuất khẩu thủy sản; tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2024 - Ảnh 2

Phát triển công nghiệp chế biến

Tổ chức thực hiện hiệu quả những giải pháp khắc phục tồn tại của lĩnh vực chế biến nông sản, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Đề xuất giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao trình độ công nghệ chế biến nông lâm thủy sản; phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Xây dựng kế hoạch, mục tiêu về kim ngạch xuất – nhập khẩu nông lâm thủy sản; kế hoạch phát triển thị trường; tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản nội địa; nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn quốc; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, cả thị trường nội địa và quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kết nối cung – cầu, tiêu thụ nông sản. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp đàm phán mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, phát triển thị trường phù hợp bảo đảm phát triển tổng thể thương mại quốc tế hài hòa, bền vững, thích ứng với bối cảnh xung đột chính trị, cạnh tranh thương mại diễn biến phức tạp, lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới. Giải pháp thúc đẩy xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu.

Phát triển khoa học, công nghệ và khuyến nông

Xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu; hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; tăng cường các hoạt động khuyến nông, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Kế hoạch cần tập trung nhấn mạnh các giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng và lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số cả trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ góp phần chuyển đổi sang nền nông nghiệp chủ động, sáng tạo, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, giảm dần lao động chân tay. Xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm; hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, miền, sản phẩm, ngành hàng.

Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm

Xác định chủ đề chính của công tác quản lý chất lượng năm 2024 với các mục tiêu, giải pháp nhằm đẩy mạnh tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.

Nêu rõ các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP.

Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Tăng cường năng lực thực thi pháp luật; đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, hội nhập kinh tế quốc tế…

Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi, phát triển công nghiệp chế biến. Chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công cho tư nhân và các tổ chức xã hội.

Bảo An

Theo Kinh tế và đồ uống

Từ khóa: