Kết luận thanh tra 38 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và việc quản lý, sử dụng quỹ nhà, quỹ đất để lại giai đoạn 2002-2014 trên địa bàn Hà Nội, đã cho thấy sự buông lỏng việc quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Kỳ 2: Buông lỏng quản lý quỹ nhà ở, quỹ đất
Từ sai phạm nộp quỹ đất, quỹ nhà…
Theo số liệu báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong số 204 dự án được cấp phép đầu tư, có 84 dự án phải trích nộp quỹ đất, quỹ nhà, trong đó có 61 dự án phải giao vào quỹ đất 71,55ha, 23 dự án phải bàn giao cho quỹ nhà 90.859m2 sàn. Nhưng đối chiếu với các quyết định đầu tư từng dự án, cơ quan thanh tra xác định có 112 dự án phải bàn giao đất và diện tích nhà ở theo quy định tăng 28 dự án. Hơn nữa, nhiều chủ đầu tư đã không bàn giao quỹ nhà, quỹ đất theo đúng quy định.
Việc bàn giao quỹ nhà, quỹ đất giai đoạn 2002-2014 thực hiện theo Quyết định 123/2001/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội. Theo đó, các chủ đầu tư dự án phát triển đô thị phải bàn giao lại cho TP 20% diện tích đất, dự án phát triển nhà phải bàn giao 30% diện tích sàn vào quỹ nhà, quỹ đất TP. Đây là chủ trương nhằm điều tiết lợi ích từ nhà đầu tư sang một phần cho Nhà nước để hình thành quỹ nhà ở, quỹ đất của TP phục vụ yêu cầu chung, nhưng quá trình này đã để xảy ra nhiều sai phạm.
Nguyên nhân được xác định do buông lỏng quản lý, trách nhiện các sở, ngành chức năng chưa cao, TP thiếu kiểm tra, đôn đốc. Việc sử dụng nguồn lực quỹ nhà, quỹ đất từ 38 dự án bàn giao đã không tuân thủ quy định pháp luật, gây thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN).
Việc bàn giao quỹ nhà quỹ đất tại 38 dự án vừa được thanh tra được xác định theo 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 2002-2006 tổng diện tích đất phải nộp khoảng 31ha và quỹ nhà phải bàn giao 90.859m2. Nhưng theo cơ quan thanh tra, diện tích nhà phải bàn giao lên tới 740.594m2, tăng 649.735m2 so với số liệu báo cáo.
Trong số 25 doanh nghiệp buộc phải giao nộp thêm diện tích nhà về quỹ nhà ở TP, có những cái tên đáng lưu ý như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Vinaconex2, Công ty Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Từ Liêm, Công ty Hà Đô, Công ty Xây dựng Thanh Niên… Trong giai đoạn 2007-2010 có 3 dự án phải trích nộp diện tích nhà 38.871m2 không được TP báo cáo; giai đoạn 2011-2014 có 4 dự án chưa bàn giao 16,6ha đất.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện, phần lớn các dự án phải bàn giao 30% quỹ nhà, 20% quỹ đất đã được TP Hà Nội cho phép thực hiện cơ chế nộp tiền - nộp phần tiền chênh lệch giữa giá bán kinh doanh so với giá thành xây dựng - nhưng quá trình xác định giá bán và giá thành không chính xác dẫn đến thất thu NSNN. Đáng lưu ý, tại dự án khu nhà ở để bán Sài Đồng do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội đầu tư, TP Hà Nội lại bỏ tiền ra mua lại 30% quỹ nhà chủ đầu tư phải giao nộp theo quy định.
Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).
… đến sai phạm bán quỹ đất được giao
Trong 38 dự án được thanh tra, có 6 dự án phải thực hiện nộp nghĩa vụ quỹ nhà thì 3 dự án nộp thiếu với tổng diện tích 6.626,9m2 sàn nhà, số tiền còn phải nộp của 6 dự án này được xác định khoảng 343 tỷ đồng. Trong số 23 dự án phải thực hiện nghĩa vụ nộp quỹ đất có 13 dự án nộp thiếu 168.013,2m2 đất, số tiền còn thiếu được quy đổi khoảng 45 tỷ đồng.
Nhiều chủ đầu tư dự án đến thời điểm thanh tra chưa nộp tiền vào NSNN như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (dự án Làng quốc tế Thăng Long), CTCP Đầu tư Xây dựng Ba Đình (dự án nhà ở để bán 141 Trương Định)…
Việc sử dụng 20% quỹ đất từ các dự án bàn giao lại cũng có nhiều sai phạm, nhiều diện tích đất được giao lại cho chủ đầu tư xây nhà ở kinh doanh không đúng pháp luật. Quỹ đất sạch các dự án bàn giao lại được TP giao lại cho doanh nghiệp xây nhà để bán là vi phạm Luật Đất đai.
Cụ thể, quỹ đất 20% (7.269m2) tại khu đô thị Cổ Nhuế được giao lại cho CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex (PVC) xây dựng để bán cho cán bộ, công chức; quỹ đất 20% tại dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) được giao cho CTCP Lạc Hồng (5.014m2), Tổng công ty UDIC (55.559m2), Công ty Đông Đô (18.442m2) để xây nhà để bán; quỹ đất 20% (6.380m2) dự án khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Hapulico được giao cho CTCP BĐS Hapulico xây dựng nhà chung cư cao tầng để bán…
Theo kết luận của cơ quan thanh tra, việc lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để một số cơ quan, doanh nghiệp đứng tên làm chủ đầu tư, hưởng lợi là không đúng quy định. Điều đáng nói, hầu hết dự án phát triển nhà ở, khu đô thị triển khai tại Hà Nội trong giai đoạn 2002-2014 được UBND TP Hà Nội xác định theo phương pháp thặng dư, trong đó tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản phí không đúng quy định, như phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng, lãi vay ngân hàng… để giảm trừ, dẫn đến các chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi NSNN thất thu số tiền ước tính 6.000 tỷ đồng. UBND TP Hà Nội đã tính chưa đúng, chưa đủ số tiền phải nộp của 20% quỹ đất, 30% quỹ nhà, số tiền phải nộp bổ sung ước tính khoảng 611 tỷ đồng.
Đăng Tuân
Theo Đầu tư Tài Chính