Sự kiện hot
3 năm trước

Những lưu ý khi ký hợp đồng nghỉ dưỡng

Các kỳ nghỉ dưỡng, du lịch được thực hiện theo dạng hợp đồng đã không còn xa lạ với nhiều khách hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vẫn tiếp tục được cơ quan truyền thông thông tin cũng như người tiêu dùng phản ánh.

Hiện nay, việc người tiêu dùng không đọc kỹ hợp đồng tại thời điểm giao kết do thời gian eo hẹp là một thực trạng phổ biến. Thậm chí sau khi ký kết hợp đồng, người tiêu dùng vẫn mặc nhiên xác định quyền và nghĩa vụ của các bên theo các thông tin được quảng cáo và “cam kết miệng” từ bên cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị được thuê quảng cáo, bán hàng.

Đến khi phát sinh giao dịch trên thực tế, chẳng hạn nhận được thư điện tử thông báo từ phía Công ty hoặc khi khách hàng liên hệ để đặt phòng nghỉ dưỡng, khách hàng mới xem kỹ lại hợp đồng đã giao kết và thấy có những điều khoản không hợp lý hoặc không đúng với nội dung quảng cáo.

Chị Bùi T. L.A (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, được sự giới thiệu của bạn bè, chị đã mua một gói nghỉ dưỡng với giá 300 triệu. Trong hợp đồng cũng nêu rõ, mỗi năm chị sẽ được sử dụng số buổi du lịch tương ứng với hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng chị đã không kiểm tra kỹ những điều khoản trong hợp đồng nên cảm thấy không được như ý. Bên cạnh đó, chi phí dịch vụ ở khu nghỉ dưỡng lại quá cao nên cuối cùng đã phải nhượng lại gói "nghỉ dưỡng".

Dịch vụ cung cấp gói nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm, tên gọi khác là “timeshares” xuất hiện tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới trong những năm gần đây. Theo đó, người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải trả một khoản tiền để có thể sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của doanh nghiệp (DN), mà thường là một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng.

Người mua có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian thường là 7 ngày/năm liên tục trong nhiều năm với mức giá được quy định tại hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi loại hình kinh doanh mới này du nhập vào Việt Nam một thời gian, thị trường đã xuất hiện những vấn đề gây bức xúc khi NTD tham gia các giao dịch liên quan đến dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.

Tại khoản 1 Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Trong khi đó, bên cạnh nghĩa vụ của doanh nghiệp, việc nghiên cứu hợp đồng còn là quyền của người tiêu dùng.

Ở trong nhiều trường hợp, việc hợp đồng không được nghiên cứu kỹ còn xuất phát từ người tiêu dùng đã từ bỏ quyền này của mình trước sự chào mời về các lợi ích hấp dẫn nếu ký kết hợp đồng ngay. 

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc dành thời gian nghiên cứu hợp đồng là quyền của người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như Bộ luật Dân sự không có quy định về việc nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Do vậy, việc khách hàng đã tự nguyện ký kết hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Chính vì vậy, để tránh kết quả không mong muốn xảy ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng trước khi ký kết.

Trước khi quyết định, cần nghiên cứu kỹ hợp đồng và so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, Cần tỉnh táo trước những lợi ích hấp dẫn được chào mời để đặt cọc hoặc ký bất kỳ tài liệu nào do doanh nghiệp đưa ra bởi hệ quả của việc bị ràng buộc vào một giao dịch mình chưa hiểu rõ có thể sẽ lớn hơn rất nhiều lợi ích trước mắt.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: