Những ngày gần đây, một số cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, đóng cửa hoặc cắt giảm giờ bán, lượng bán. Trong đó có cửa hàng xăng dầu đóng cửa với lý do chủ cơ sở bị… bệnh.
Theo báo cáo của chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, những ngày gần đây, một số cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, đóng cửa hoặc cắt giảm giờ bán, lượng bán. Trong đó có cửa hàng xăng dầu đóng cửa với lý do chủ cơ sở bị… bệnh.
Long An: Đi xe máy chỉ được mua 20.000 đồng xăng/lần?
Qua tìm hiểu, được biết ngày 21/2/2011, Công ty xăng dầu Long An gửi công văn cho tất cả các cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn, yêu cầu kể từ ngày 22/2/2011, công ty sẽ không điều hàng, trừ xăng M95 và đề nghị nhân viên các cửa hàng phải thực hiện nghiêm việc bán xăng, dầu cho người dân theo mức quy định.
Cụ thể, xe Honda được mua không quá 20.000 đồng/lần; xe ô tô không quá 300.000 đồng/lần; xe tải không quá 500.000 đồng/lần. Quy định khống chế mức bán lẻ xăng dầu này đã gây khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp và người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Công Trường, chủ doanh nghiệp tư nhân Hồng Nhật ở thị trấn Tân Hưng bức xúc: “Không đủ xăng dầu cho máy móc hoạt động nên mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đình trệ, thậm chí là phải ngừng hoạt động, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế”.
Chiều 22/2, ông Nguyễn Xuân Hồng, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho rằng việc Công ty xăng dầu Long An qui định như nêu trên chỉ là giải pháp tình thế vì hiện nay, Tổng công ty xăng dầu Petrolimex chỉ đưa về khoảng 40% lượng hàng nên thiếu lượng cung cấp cho người tiêu dùng.
Mặt khác, qui định này cũng nhằm hạn chế việc buôn lậu xăng dầu sang Campuchia để thu lợi nhuận từ 5.000-6.000 đồng/lít. Ngành Công thương đã yêu cầu các đầu mối xăng dầu nhanh chóng đưa đủ số hàng về tỉnh Long An, góp phần phục vụ lâu dài cho nông dân, doanh nghiệp và chủ các phương tiên giao thông.
Bình Dương: Viện lý do cúp điện, bận việc để nghỉ bán xăng
Tại Bình Dương, ngày 22/2, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện hàng loạt cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn bỗng dưng nghỉ bán "bất thường". Bước đầu xác minh, ngoài những trường hợp nghỉ bán do cúp điện thật, có không ít cửa hàng nại lý do cúp điện và treo bảng nghỉ bán. Ngoài ra một số cửa hàng nghỉ bán nêu lý do chưa nhập hàng, do bận việc gia đình, nghỉ trưa...
Cá biệt tại cây xăng An Phú ( phường An Phú, thị xã Thuận An) treo bảng cúp điện, nhưng tại đây vẫn đang có điện, khi thấy lượng chức năng thì nhân viên mới ra bán cho khách. Nhiều chủ cửa hàng xăng dầu cảm thấy "vui mừng" so với ngày thường khi khu vực mình thật sự bị cúp điện, mặc dù các cửa hàng này đều trang bị máy phát điện nhưng không dùng để phục vụ khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Bán, phó giám đốc Sở Công thương Bình Dương, chi cục trưởng chi cục QLTT Bình Dương cho biết, Sở sẽ xem xét từng trường hợp vị phạm sẽ có biện pháp xử lý theo quy định. Còn theo các đại lý, cửa hàng xăng dầu cho biết, trong những ngày qua số lượng xăng dầu bán ra tăng đột biến (tăng khoảng gấp đôi) so với ngày thường.
Trong khi đó, mấy ngày gần đây, các lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã xử lý hơn 60 vụ bán lậu xăng dầu qua biên giới. Trong đó có một số vụ với lượng xăng dầu bán lậu lên tới cả ngàn lít. Theo ông Lữ Minh Hải, chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường tỉnh, nguyên nhân là do trên tuyến biên giới huyện Giang Thành, giá bán lẻ xăng dầu trong nước thấp hơn gía bán lẻ xăng dầu tại thị trường Campuchia.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại xã TonHon, huyện KampongTrach, tỉnh Kampôt (Campuchia) nằm sát đường biên giới huyện Giang Thành, giá bán xăng là 25.900 đồng/lít, đối với dầu là 18.800 đồng/lít. Khi xăng dầu bán lậu sâu vào nội địa Campuchia, giá bán còn cao hơn.
Lâm Đồng: Bán xăng cầm chừng, nhỏ giọt
Đến thời điểm này, ngoài 22 cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty cổ phần xăng dầu Lâm Đồng vẫn hoạt động trong tình trạng quá tải, hầu hết trong số 177 cửa hàng còn lại ở Lâm Đồng đều trong tình trạng đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng, nhỏ giọt.
Tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Lâm Đồng hôm nay lại trầm trọng hơn hôm qua, nhất là tại huyện Lâm Hà, khi cả huyện chỉ có 1 cửa hàng thật sự mở cửa.
“Tôi ra đây hơn một tiếng đồng hồ rồi, hôm kia cũng chờ mà hôm nay vẫn phải chờ sốt cả ruột vì cà phê đang tưới dở. Mong sao những cây xăng ở trong các xã có đủ xăng dầu để cung cấp cho dân. Chứ giờ người dân đang mùa tưới cà phê mà nếu cứ như thế này thì hỏng hết”, chị Nguyễn Thị Ngọc, ở thôn Liên Kết, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, bức xúc nói.
Tình hình nóng bỏng là vậy, nhưng ông Kiều Xuân Việt, phó giám đốc Sở Công thương, chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng khẳng định: qua kiểm tra, đơn vị vẫn chưa phát hiện trường hợp nào cố tình găm hàng để chờ tăng giá.
Đắk Lắk: Các doanh nghiệp đầu mối bỏ rơi đại lý
Điều tương tự cũng xảy ra tại Đắk Lắk. Các huyện Ea H’Leo, Chư M’Ngar, Krông Buk, nều nóng bỏng tình trạng khan hiếm xăng dầu. Trong khi số điện thoại nóng của Chi cục quản lý thị trường tỉnh này lại không hoạt động.
Lúc 16 giờ chiều ngày 22/2, Sở công thương Đắk Lắk đã họp để phân tích tình hình, nhưng vẫn chưa thể kết luận gì về những bất cập trên thị trường xăng dầu của tỉnh hiện nay. Lãnh đạo sở Công thương Đắk Lắk vẫn khẳng định: chỉ có hiện tượng khan hiếm xăng dầu chứ không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Tình thế hiện nay tại Đắk Lắk là ngoại trừ Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên, các doanh nghiệp đầu mối còn lại hầu như đã bỏ rơi đại lý của mình.
Các cơ quan chức năng đã đề nghị Công ty xăng dầu nam Tây nguyên chia sẻ nguồn hàng của mình với các địa lý ngoài hệ thống, để giảm thiểu tình trạng khan hiếm trên thị trường. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, điều này là không thể.
Theo dự kiến, sáng ngày 23/2, Sở Công thương Đắk Lắk sẽ họp với các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu, để tìm giải pháp hạ nhiệt cho thị trường.
Theo Sài Gòn tiếp thị