Bày tỏ quan điểm có thể không cần tới đám cưới để ràng buộc với người yêu, nhưng Khánh Thi vẫn không giấu ước mơ về một đám cưới giống như một kỳ nghỉ nhẹ nhàng bên những người thân thiết.
Bày tỏ quan điểm có thể không cần tới đám cưới để ràng buộc với người yêu, nhưng Khánh Thi vẫn không giấu ước mơ về một đám cưới giống như một kỳ nghỉ nhẹ nhàng bên những người thân thiết.
Đến nhà Khánh Thi ngay lúc cô dùng cơm trưa, vừa gặp, Khánh Thi đã cười nói, xởi lởi mời người viết ăn cùng. Trong lúc nói chuyện, cô cứ luôn miệng nhắc khách “tự nhiên đi” hoặc “em khát nước thì mở tủ lạnh mà lấy nhé!”… Có lẽ, vì yêu một anh chàng gốc Nam Bộ nên Khánh Thy cũng quen dần cái nếp hiếu khách của người miền Nam.
Không có khái niệm “lỡ”
- Làm nghệ thuật đã chiếm nhiều thời gian. Vậy mà chị còn mở nhiều câu lạc bộ khiêu vũ. Với một người không giỏi quản lý tài chính như chị, việc kinh doanh có khó khăn?
- Không, vì mẹ tôi là người quản lý chung về tài chính, các mảng còn lại đều có nhân viên lo hết.
- Nhưng một mình mẹ chị làm sao quản hết? Giao khoán cho nhân viên, chị không sợ họ sẽ qua mặt bà chủ Khánh Thi?
- Tôi không giỏi quản lý tài chính nhưng giỏi tổ chức. Với xã hội, bây giờ tôi chỉ tin vào thực lực nên luôn đánh giá một người ở khoản này trước tiên. Tôi đánh giá thực lực trước lòng tin và tình cảm. Tôi không nể tình bạn bè mà đặt hết lòng tin cho họ. Ví dụ như vì tin bạn nên tôi nhận bạn vào làm nhưng cuối cùng bạn không giúp cho doanh thu của công ty tăng thì… “bó tay” thôi. Nếu bạn giỏi thì dù không phải người thân, tôi vẫn mời. Bạn giúp tôi kinh doanh tốt, tôi có nhiều tiền, bạn cũng thế.
- Nói vậy là chị từng đặt niềm tin sai chỗ?
- (Im lặng hồi lâu…) Khi mình có nhiều kinh nghiệm xương máu thì cách đánh giá một con người hoặc đối tác sẽ có xác suất cao hơn chứ không phải mò mẫm nữa.
- Thế chị có bao giờ muốn cứu vãn những niềm tin đã mất?
- Chẳng có gì phải cứu vãn cả! Tôi cứ để tự nhiên vì cái gì gần nhau thì sẽ xích lại với nhau. Nếu không hợp thì tự xa nhau ra.
Chia sẻ tiền cưới
- Thế trường hợp của chị và anh Dũng thì sao? Cả hai người cũng tự xích lại gần nhau vì anh ấy bị bạn bè gọi là Dũng "Khùng”, còn chị cũng tự nhận mình “Khùng” khi trả lời phỏng vấn trên một tờ tạp chí?
- (Ngập ngừng…) Câu hỏi này không có câu trả lời nhé!
- Chị né tránh vì chưa hài lòng điểm nào đó ở anh ấy? Ví dụ như ngoại hình chưa phong độ?
- Ôi! Không phong độ điểm này thì phong độ điểm khác. Tôi chỉ chưa hài lòng về tiền thôi.
- Như chị nói thì tôi có thể hiểu tiền bạc chính là nguyên nhân khiến chị trì hoãn việc lập gia đình?
- Bọn tôi đến với nhau không phải vì tiền nên hai bên phải song song kiếm tiền. Vả lại, tôi cũng không có nhu cầu làm đám cưới, đó là quan điểm thật sự của tôi. Tổ chức cưới xong mà cả hai không hợp thì như đeo gông vào cổ, không thoát ra được vì thủ tục pháp lý ở nước mình rườm rà lắm, không phải đeo cái nhẫn là xong. Hai người cùng vùng miền còn dễ, chứ kẻ Bắc, người Nam thì việc xin giấy tờ kết hôn là ngán rồi, nói gì đến việc li dị, chia tài sản? Cái đó nó còn khủng khiếp hơn. Cưới nhau mà nặng lòng vì những chuyện đó thì đừng cưới còn hơn. Tốt nhất cả hai nên sống với nhau trọn vẹn là được, quan trọng là chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thôi.
Ví dụ lúc tôi ốm đau bệnh tật, tôi buồn mà người bạn đời có thể chia sẻ được là điều cần thiết. Nhiều lúc tôi khó khăn về kinh tế và người ấy dù chưa chắc hơn tôi về khoản này thì chỉ cần họ biết vun vén hoặc đi tìm cách giải quyết cho tôi cũng được rồi, đó mới là cái tôi mong muốn.
- Vậy về kinh tế, giữa chị và anh Dũng, ai lép vế hơn? Sợ phân chia tài sản thì sao chị không làm hợp đồng hôn nhân?
- Tôi chưa tìm hiểu sâu xa vấn đề hợp đồng hôn nhân. Còn kinh tế thì anh phải hơn tôi chứ! Không dễ gì yêu tôi đâu, ngày nào mà tôi không có tiền thì hôm ấy cứ như sống ở địa ngục. (Cười lớn)
- Chị chỉ muốn yêu thôi mà ngán việc kết hôn, thế còn chuyện con cái thì như thế nào? Chị có chán luôn hay không?
- Tôi đâu có nói là không sinh con. Tôi không cổ súy việc chưa chồng mà có con, nhưng khi nào tôi cảm thấy mình muốn thực hiện thiên chức ấy và có khả năng nuôi con thì tôi vẫn có thể làm điều đó.
- Thử hình dung về hôn lễ của Khánh Thi, nó sẽ thế nào nhỉ?
- Thứ nhất đám cưới của tôi không đông, khoảng 20-30 người gồm bố mẹ, người nhà, may ra còn có những người bạn thân nhất. Tôi sẽ tổ chức một kì nghỉ và mời mọi người cùng tham gia rồi dự tiệc cưới luôn. Tôi không thích một đám cưới đông người. Hôn lễ của tôi sẽ không chụp hình, không ăn uống nhậu nhẹt, cô dâu, chú rể không lên nói những lời phát biểu sáo rỗng mà cặp nào cũng nói, đi nâng ly chúc tụng mà không biết bạn bè mình có đến đủ không vì đang ở trong tình trạng say xỉn. Tôi đã dự nhiều đám cưới như thế, đển chỉ để chụp hình và về mà trong lòng chưa chắc mình đã thực sự chúc phúc cho người ta nên tôi thấy việc đó chưa phù hợp. Người Việt Nam mình hay đặt nặng vấn đề tiệc tùng, kinh tế hẹp nhưng lại thích đặt tiệc sang cho bằng thiên hạ, đến đêm tân hôn thì cô dâu, chú rể lo ngay ngáy, chả còn vui nữa.
- Còn tiền tổ chức tiệc cưới thì sao? Chị có rạch ròi trong khoản đó?
- Cả hai chúng tôi sẽ cùng chia sẻ với nhau.
- Một cuộc hôn nhân quá rạch ròi về tài chính, lúc đó có còn tình yêu không?
- Khi yêu, lấy nhau thì cả hai cần biết vợ/chồng lương tháng bao nhiêu, minh bạch rõ ràng để cân đối chi tiêu. Người vợ biết vun vén thì họ sẽ giữ tay hòm chìa khóa và ngược lại.
Theo Tiếp thị gia đình