Không ít loại khẩu trang bày bán ở các vỉa hè được may từ những loại vải mốc meo, mút phế liệu và chưa được xử lý giặt tẩy, chứa vô số vi khuẩn đe dọa sức khỏe người sử dụng.
Không ít loại khẩu trang bày bán ở các vỉa hè được may từ những loại vải mốc meo, mút phế liệu và chưa được xử lý giặt tẩy, chứa vô số vi khuẩn đe dọa sức khỏe người sử dụng.
Các loại khẩu trang được may từ vải “rác” tại một cơ sở trên đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
“Bán khẩu trang một vốn bốn lời” - bà T., một người bán khẩu trang trên xa lộ Hà Nội, Q.2, TP.HCM, khẳng định. Không lời sao được khi giá khẩu trang bán cho người đi đường từ 4.000-10.000 đồng/cái nhưng mua sỉ chỉ 1.200 đồng/cái. Vì giá thành hàng gốc quá rẻ như vậy nên bà H., chủ cơ sở may khẩu trang HP (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), thừa nhận: “Nếu mua vải mét để may thì sẽ sạt nghiệp, chỉ có may bằng loại vải “đầu thừa đuôi thẹo”, cân bán ký do các công ty may thải ra thì mới có giá 1.200 đồng/cái”.
“Rác” thành khẩu trang
Chiều 17-12, chúng tôi tìm đến cơ sở may khẩu trang HP để tìm hiểu “công nghệ” gia công khẩu trang giá rẻ ở cơ sở này. Hàng chục bao vải vụn đủ màu sắc, không miếng nào giống miếng nào được đổ ra từ những bao tải đen, vứt tung tóe trên nền nhà, nhiều miếng nổi mốc trắng, bụi vải và các loại bụi đất bẩn bám đầy. Những miếng vải mốc bẩn, bụi bặm ấy được thợ may ở đây thản nhiên cắt, may mà không qua khâu giặt tẩy nào. Bà H. giải thích: “Vải, mút mua từ nhiều nguồn là loại vải vụn giá rẻ nên may thành khẩu trang thì không thể giặt tẩy lại cho sạch, vì sẽ làm mất chất hồ của vải để làm cứng khẩu trang”.
Tương tự, lần theo địa chỉ do chủ một điểm bán khẩu trang lề đường Trường Chinh, Q.Tân Bình cung cấp, chúng tôi đến cơ sở may khẩu trang MH (đường Phạm Văn Hai, P.5, Q.Tân Bình). Trong căn phòng rộng khoảng 25m2 chất hàng chục bao vải phế liệu và những cuộn mút đã chuyển màu ố vàng. Ông H., chủ cơ sở, cho biết tất cả khẩu trang đều được may tận dụng từ các loại vải vụn bỏ đi.
Do nằm trong kho lâu ngày, vải bám bụi, ẩm ướt nên có hiện tượng mốc trắng, mốc xanh. “Khi cắt vải may khẩu trang, tụi tui cố né những chỗ vải bị dơ hoặc mốc, chớ nếu đem đi giặt khẩu trang dễ bị ẩm, mốc và có mùi hôi của chất tẩy sẽ khó bán” - ông H. nói. Ông cho biết các loại vải vụn dạo này được nhiều cơ sở may khẩu trang giành nhau mua nên rất hút hàng. Thiếu vải thì các cơ sở ra khu vực mua bán vải ký xung quanh chợ Tân Bình mua với giá cao hơn. Giá khẩu trang ông H. bỏ sỉ cho mối đến lấy tại cơ sở là 1.500 đồng/cái.
“Công nghệ” may khẩu trang giá rẻ cũng được áp dụng tương tự tại cơ sở may khẩu trang Đức Hoàng (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp). Ông Hoàng, chủ cơ sở, nói: “Mấy loại khẩu trang làm từ mút, xốp, vải thẻo, tụi tui bán giá 1.600 đồng/cái”. Móc từ một bao tải ra vài miếng mút cong queo, sặc mùi hôi của cao su, ông này giải thích: “Mút này là mút lót giày. Bên trong mình phải độn thêm loại mút này mới có lời”. Ông Hoàng cho biết loại mút phế thải dùng để lót độn bên trong được ông gom mua từ các chỗ làm giày dép bán ra. “Mà gom từ đâu cũng như nhau, xấu hay nổi mốc meo gì không quan trọng, tụi tui sẽ tận dụng hết vì độn bên trong thì người mua làm sao biết được” - ông Hoàng lý giải.
Các loại vải phế liệu dùng để may khẩu trang giá rẻ tại một cơ sở ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Đ.THANH
Khẩu trang than hoạt tính trời ơi!
Nắm bắt được tâm lý khách hàng muốn bảo vệ sức khỏe trước sự lây nhiễm vào những mùa dịch bệnh, một số cơ sở còn tung ra các loại khẩu trang than hoạt tính giá “bèo”. Cũng vẫn với công thức “vải vụn, mút phế liệu” nhưng được may thêm một lớp lưới trắng mỏng có tác dụng giữ cố định miếng than hoạt tính gắn thêm bên trong thế là thành khẩu trang than hoạt tính. Bà H. nói miếng than hoạt tính có thể mua từng mét ở khu vực xung quanh thương xá Đại Quang Minh, Q.5, là hàng của Trung Quốc sản xuất.
“May vào khẩu trang cho có, chứ mỏng dính thì chỉ một hai ngày nó hút chất ẩm, bụi ngoài đường sẽ hết tác dụng” - bà nói. Theo bà H., giá bỏ mối khẩu trang than hoạt tính là 15.000 đồng/cái, vào mùa dịch H1N1 mấy năm trước bán rất chạy, giá bỏ mối lên đến 30.000 đồng/cái. Còn khi bán lẻ tại các điểm bán khẩu trang là 45.000-50.000 đồng/cái. Vào cao điểm các mùa dịch giá lên đến khoảng 100.000 đồng/cái.
Đội ngũ tiếp thị của cơ sở may gia công khẩu trang trên đường Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình thì quảng cáo rầm rộ và hét giá trên trời cho loại khẩu trang than hoạt tính cao cấp do chính cơ sở này gia công. Ông K., chủ cơ sở, nói giá bỏ sỉ là 40.000 đồng/cái nhưng “cứ yên tâm, hàng xịn mà, giá bán ngoài thị trường là 90.000-100.000 đồng/cái, rất hút hàng, khách mua khá nhiều nên rất lời”. Ông giải thích khẩu trang của cơ sở được may ba lớp, từ những loại vải cao cấp ngoại nhập, lớp vải thứ nhất là loại vải không dệt lọc bụi cao cấp, kế đến là lớp lót than hoạt tính để lọc không khí ô nhiễm và lớp tiếp xúc với miệng là vải lưới tạo sự êm ái khi đeo và dễ thở.
Ông K. nói cơ sở không sử dụng lớp lót than hoạt tính mua sẵn trên thị trường mà tự gia công. Sử dụng loại vải không dệt nhưng có đặc tính hút chặt than hoạt tính lên bề mặt, sau đó dùng thêm một lớp vải tương tự may bít lớp than lại. Tuy nhiên, khi ông K. giới thiệu với khách hai cái khẩu trang vừa may xong thì khi đeo lên miệng, mùi khét nồng nặc bốc ra từ khẩu trang khiến ông khách bị hắt hơi liên tục.
Ông K. lúng túng giải thích “do mùi của than hoạt tính bốc ra, chỉ cần đeo khoảng một tuần sẽ hết mùi, đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe người đeo!?”. Ông này khoe nhiều công ty đặt cơ sở may khẩu trang than hoạt tính phát cho công nhân đeo để ngăn bụi. Nhưng “loại khẩu trang này chỉ có tác dụng trong môi trường bụi, khói ở mức ít và trung bình thôi. Nếu ở môi trường bụi, khói nhiều hoặc nhân viên y tế phải tiếp xúc với người bệnh trong mùa dịch thì... không có tác dụng”.
Thấy khách chê giá cao, ông K. đề nghị đặt loại khẩu trang than hoạt tính chất lượng tương đương, nhưng “sử dụng vải ký và lớp mút lót là hàng phế phẩm của các cơ sở đóng giày”, và hạ giá xuống chỉ còn 20.000 đồng/cái.
Tiến sĩ Vũ Văn Tiễu (nguyên giám đốc Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, chi nhánh phía Nam):
Đa số khẩu trang không ngăn được vi khuẩn
Đa số các loại khẩu trang vải bán trên thị trường hiện nay không được giặt tẩy để thanh trùng, khử trùng, và trong quá trình sản xuất, đóng gói... khẩu trang đều bị nhiễm khuẩn, nhiễm bụi. Vì thế nếu người đeo không thanh tẩy trùng trước khi sử dụng sẽ dễ bị nhiễm các bệnh lây nhiễm qua da, bệnh về đường hô hấp...
Đối với khẩu trang than hoạt tính được quảng cáo là lớp lót than có tác dụng kéo dài một năm là không đúng. Lớp lót than hoạt tính có thể bị no chỉ sau một vài ngày sử dụng. Đối với khẩu trang than hoạt tính có mùi hôi là do cơ sở sản xuất sử dụng keo để phun cố định các hạt than hoạt tính. Chính những hạt keo khi bao quanh các hạt than sẽ làm lớp than mất tác dụng hấp phụ của nó.
Đặc biệt, đa số các loại khẩu trang được bày bán hiện nay đều có thiết kế không ôm sát phần mũi và miệng người đeo, tạo ra những kẽ hở để vi khuẩn xâm nhập. Vì thế khẩu trang chỉ giúp tránh được bụi phần nào chứ không tránh được các loại vi khuẩn.
|
Mua xong đeo ngay
Chiều 24-12, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ khi đi dọc hai tuyến xa lộ Hà Nội, từ cầu Sài Gòn đến khu vực Suối Tiên, Q.9 sau đó vòng lại quốc lộ 1A từ Trường ĐH Nông lâm đến vòng xoay An Lạc, Q.Bình Tân - những tuyến đường nhiều bụi và bày bán khá nhiều khẩu trang. Tổng cộng có trên 200 điểm bán khẩu trang với giá 4.000-10.000 đồng/cái. Gần như tất cả người đi đường mua khẩu trang xong đều xé bọc nilông và đeo ngay lên miệng vì nhu cầu cấp thời tránh bụi.
Bà Nguyễn Thị Quyên - bán khẩu trang dưới chân cầu vượt ngã tư Ga, Q.12 - cho biết bình quân mỗi ngày bà bán ít nhất 50 cái khẩu trang, nhiều ngày bán được cả trăm cái. Bà thừa nhận lấy khẩu trang sỉ giá rất rẻ, không biết làm từ vải gì “nhưng thỉnh thoảng tui cũng bị khách hàng mắng vốn vì vừa đeo vào đã phải quẳng ngay vì có mùi hôi và bị bụi vải bay vào mũi, ho sặc sụa”.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Hiếu, ngụ khu phố 6, P.Hiệp Thành, Q.12, cho biết từng phải bỏ vài chục cái khẩu trang mua trên đường vì “cái đeo vào bị ho sặc sụa, cái gây ngộp thở, cái thì hôi hăng hắc, cái nhìn kỹ rất bẩn...”. Nhưng vì nhu cầu bức thiết tránh bụi trên đường nên bà và người thân trong gia đình thỉnh thoảng vẫn phải mua và đeo ngay vì “quen nghĩ đã là khẩu trang thì phải sạch”. “Tui từng vài lần bị ngộp thở đến suýt ngất vì mùi hôi của khẩu trang mua bên đường. Nhưng giá có vài ngàn đồng, vất thì thôi chứ quay lại kiện cáo cũng chẳng đi đến đâu. Mà không chỉ có khẩu trang bán dọc đường, nhiều lần tui mua khẩu trang tại các cửa hàng lớn ở chợ cũng bị y như thế. Khi mình mắng vốn thì họ thừa nhận lấy hàng sỉ của các cơ sở nên cũng không biết được gia công như thế nào” - bạn đọc Lê Thị Mai Hoa, ngụ đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp, phản ảnh.
Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng, chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho biết có nắm được tình trạng bán khẩu trang dỏm, gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng do khá nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất khẩu trang không đăng ký, không tiêu chuẩn nên khi người tiêu dùng sử dụng bị mắc bệnh hoặc có khiếu nại về chất lượng thì hội cũng rất khó kiến nghị xử lý. “Đừng nghĩ khẩu trang giá chỉ vài ngàn đồng mà lơ là quản lý, tôi nghĩ ngành y tế nên quản lý chặt hơn về chất lượng, thương hiệu đối với mặt hàng khẩu trang đang được bán rộng rãi và hầu hết mọi người đều sử dụng như hiện nay” - ông Hùng kiến nghị.
|
Đức Thanh
Theo Tuoi tre