Được nhà nước cấp đất để sử dụng vào mục đích công vụ, nhưng nhiều năm qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã "hô biến" thành đất tư cho thuê nhiều ki ốt kinh doanh nhà hàng, cửa hàng quần áo, đại lý vé máy bay…
“Xẻ thịt” đất công để kinh doanh…
Được biết, ngày 29/03/2005, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính ký giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất số 009980 cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (sau này là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam).
Theo đó, về nhà ở, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (có địa chỉ tại số 2 đường Đặng Thái Thân và số 6 đường Phạm Ngũ Lão, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có 4 nhà 2 tầng trở lên, tổng diện tích xây dựng 7.456,11 m2; tổng diện tích sử dụng là 6.314,79 m2; hình thức sử dụng riêng 6.097,59 m2. Tại tờ khai hiện trạng quản lý, sử dụng đất của tổ chức thì Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được giao 6.097,59 m2 và không thu tiền sử dụng đất (sau đây gọi tắt Tổng cục ĐCKSVN).
Điều đáng nói, mặc dù được giao 6.097,59 m2 và không thu tiền sử dụng đất, nhưng Tổng cục ĐCKSVN vẫn tiến hành cho doanh nghiệp là đơn vị thành viên tách ra mượn một số gian nhà cấp 4 ở mặt đường Đặng Thái Thân và Phạm Ngũ Lão để làm văn phòng làm việc. Trong khi thời điểm đó, pháp luật đã quy định rất rõ việc sử dụng đất, trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp.
Tại Điều 6 quy chế quản lý, sử dụng trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định rõ: Trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp phải được sử dụng đúng mục đích, công năng và tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Các cơ quan hành chính sự nghiệp được giao quản lý, sử dụng trụ sở làm việc nếu không được phép của cơ quan Nhà nước có thầm quyền quy định tại điểm a và d khoản 2 Điều 13 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP của Chính phủ tuyệt đối không được sang nhượng hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc cho thuê, dùng vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phân cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Ghi nhận của phóng viên Pháp luật & Bạn đọc, trụ sở Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hiện nay, phía mặt tiền tiếp giáp với hai tuyến đường của Tổng cục đã hình thành lên những ki ốt kinh doanh, buôn bán sầm uất. Các ki ốt này được cho thuê mở cửa hàng bán quần áo, đại lý vé máy bay của Vietnam Airline, quán phở, quán cafe kết hợp nhà hàng…; tiếp giáp với mặt đường Phạm Ngũ Lão có khoảng 3 ki ốt, mỗi ki ốt rộng khoảng 20m2 cho thuê kinh doanh tranh đá quý.
Một số người dân sinh sống gần đây cho biết, trước kia, những ki ốt này là căn-tin phục vụ ăn uống cho Tổng cục ĐCKSVN. Sau khi dừng làm căn-tin, người dân vào thuê lại để kinh doanh, việc cho người dân thuê lại để kinh doanh đã diễn ra trong thời gian dài, ước chừng khoảng gần 20 năm nay. Được biết, giá thuê của quán cafe khoảng 70 triệu/tháng, tuy nhiên quán cafe lại nhượng một phần diện tích cho một người khác để mở quán bán phở gà với giá khoảng 20 triệu đồng/tháng?.
Hiện tại, sau khi người dân phản ánh thì quán cafe và phở gà trên đã “âm thầm” đóng cửa và hạ biển. Cũng theo một số người dân sinh sống gần đấy cho biết, toàn bộ ki ốt mặt đường trước trụ sở Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước kia là hàng rào bảo vệ, sau này các bức tường được phá đi để xây dựng các ki ốt.
Nếu có sai phạm thì sẽ thu hồi?
Liên quan đến vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Việc xây dựng này đã diễn ra từ rất lâu, từ năm 2007, thời kỳ tôi còn làm cán bộ địa chính đã thấy hình thành các ki ốt rồi. Việc xây dựng, sửa chữa các ki ốt đó là của phía Tổng cục ĐCKSVN, trông mới vậy thôi chứ các ki ốt đó cũ lắm rồi, không xác định được thời điểm xây dựng luôn.
Theo kê khai, diện tích của Tổng cục ĐCKSVN là 6.097,59m2 giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đúng là hiện nay đất ở đó sử dụng chưa đúng mục đích. Đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có thu tiền hoặc không thu tiền mục đích như thế nào thì phải thực hiện đúng mục đích như thế, nếu có sai phạm thì sẽ thu hồi”.
Hiện nay, trong khuôn viên Tổng cục ĐCKSVN có 7 đơn vị kinh doanh tại mặt phố Đặng Thái Thân và Phạm Ngũ Lão gồm: Công ty cổ phần Pin ắc quy miền Nam PINACO, Cửa hàng thời trang - bán quần áo T&Q EXPORT, Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí MIMEC, Đại lý bán vé máy bay, Cửa hàng thực phẩm sạch Crealfood (thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ RFD Việt Nam), Trung tâm mua bán đá quý và vàng (Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam, Công ty Đá quý và Vàng Hà Nội), Cửa hàng tranh đá quý – đồ trang sức (Hội đá quý Việt Nam – Câu lạc bộ Búa vàng Địa chất).
UBND phường cũng đã vào kiểm tra, lập biên bản rất nhiều lần rồi, đồng thời phường cũng đã làm việc với Tổng cục ĐCKSVN, cơ quan chủ quản họ cũng đã kiến nghị, đề xuất nhưng hiện nay vẫn chưa giải tỏa được.(?)
Như vậy có thể thấy, với gần chục ki ốt thuê địa điểm kinh doanh, “có lẽ” số tiền mà Tổng cục ĐCKSVN thu về mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng. Số tiền thu được từ việc cho thuê này đã đi đâu về đâu và được sử dụng ra sao trong suốt thời gian qua?
Dư luận đang không khỏi thắc mắc phải chăng "đất vàng" Nhà nước giao cho Tổng cục ĐCKSVN quản lý đang được khai thác, sử dụng vào mục đích nào khác? Căn cứ theo quy định nào mà Tổng cục ĐCKSVN được phép cho đơn vị doanh nghiệp “mượn” nhà đất làm văn phòng làm việc và cho thuê ki ốt để kinh doanh?
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc và cần làm rõ những “mập mờ” trong việc "xẻ thịt" đất công đang xảy ra tại trụ sở của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
ANH LÊ
(Theo GĐXH)