Tính đến cuối năm 2017, Kho bạc Nhà nước có số tiền tương đương 10,7 tỷ USD gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Con số này gấp đến 3,3 lần cùng kỳ và số lượng ngân hàng được KBNN “chọn mặt gởi vàng” cũng tăng lên.
Kho bạc Nhà nước gửi hơn 293.000 tỷ đồng vào ngân hàng nào?
Thống kê của người viết từ báo cáo tài chính quý IV/2017 của hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) cho thấy, chỉ có 6 ngân hàng được KBNN “chọn mặt gởi vàng” với số tiền lên đến 293.495 tỷ đồng (tương đương 10,7 tỷ USD), gấp 3,3 lần so với thời điểm cuối năm 2016 khi chỉ có khoảng 71.599 tỷ đồng.
Trong đó, ba ngân hàng TMCP quốc dân là Vietcombank, BIDV và VietinBank nắm đến 235.647 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng số tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng. Riêng Vietcombank được KBNN gửi nhiều nhất với 165.082 tỷ đồng, gấp gần 2,9 lần cùng kỳ năm 2016 và chiếm 68,9% tổng tiền gửi của KBNN; kế đến là BIDV với 59.465 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và chiếm 24,8%.
Cơ cấu tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng TMCP. (Nguồn tổng hợp: BCTC quý IV/2017 của các ngân hàng).
Trong khi năm 2016, KBNN gần như chỉ gửi tiền tại hai “ông lớn” Vietcombank, BIDV với tỷ trọng lần lượt 60% và 40% thì năm 2017 cho thấy thay đổi đáng kể về số lượng ngân hàng KBNN gửi tiền. Số tiền gửi tại VietinBank bất ngờ tăng từ 190 triệu đồng vào cuối năm 2016 lên 11.100 tỷ đồng đồng. Đồng thời, có sự xuất hiện của một số ngân hàng TMCP ngoài quốc dân như MBBank, LienVietPostBank, VIB mặc dù với số lượng tiền khá khiêm tốn với quy mô tổng tiền gửi hàng trăm nghìn tỷ.
Tiền gửi thanh toán của KBNN tại các ngân hàng TMCP. (Nguồn tổng hợp: BCTC quý IV/2017 của các ngân hàng).
Mặt khác, tại Vietcombank và BIDV còn có khoản tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, số tiền gửi của NHNN tại Vietcombank là 2.145 tỷ đồng, giảm 68% so với cuối năm 2016. Trong khi tại BIDV có được 5.259 tỷ đồng tiền gửi của Bộ Tài chính, tăng khoảng 5%.
Theo báo cáo tài chính riêng năm 2016 của Agribank, tiền gửi của KBNN vào cuối năm tại đây hơn 23.622 tỷ đồng, tăng đến 59% so với năm 2015. Như vậy tổng cộng ba “ông lớn” Agribank, BIDV, Vietcombank cuối năm 2016 nắm giữ 95.221 tỷ đồng tiền gửi của KBNN.
Báo cáo của ông Vũ Quang Hiệp, Vụ trưởng Vụ kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) tại cuộc họp chuyên đề vào tháng 12/2017, trong năm, KBNN tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại 5 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, MBBank). Tính đến hết ngày 15/12/2017, hệ thống KBNN kiểm soát đạt 746.504 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng) bằng 82% dự toán năm.
Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, hệ thống KBNN kiểm soát chi đạt 245.125,2 tỷ đồng, bằng 72,1% so với kế hoạch năm. Trong đó, nguồn Chính phủ giao giải ngân đạt 221.733,9 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch, nguồn vốn khác giải ngân đạt 23.391,3 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch.
Tiền gửi dồi dào, nên mừng hay lo?
Có thể thấy trong năm 2017, KBNN có được nguồn thu khá dồi dào để tăng cường gửi tiền tại các nhà băng lớn. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy kết quả giải ngân vốn đầu tư trong năm qua đã không hoàn thành kế hoạch.
Tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2017 của Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, năm 2017 giải ngân theo kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết Quốc hội đạt 299.507 tỷ đồng, đạt 83,9% tổng kế hoạch, tương đương kết quả năm 2016.
Ông Tuấn Anh nhìn nhận, năm 2017 kế hoạch vốn được giao chậm, chia nhiều đợt làm ảnh hưởng đến tính chủ động của Bộ, ngành, địa phương thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai chuẩn bị đầu tư, thi công công trình những tháng đầu năm chậm, chưa có khối lượng để thanh toán. Nhiều nhà thầu, chủ đầu tư chậm làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán, điều chỉnh nhiều lần việc chọn tư vấn, nhà thầu…
Trước bối cảnh vốn đầu tư công giải ngân chậm trong năm qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng tổ công tác Chính phủ yêu cầu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể. Thủ tướng phê bình 13 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng...
Ngoài ra, trong năm Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 70 để thúc việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Lượng tiền gửi dồi dào của KBNN tại các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng, trang trải một phần cho lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng hay tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng… Tuy nhiên, sự phân bổ lượng tiền này lại không đồng đều. Mặt khác, một số chuyên gia đánh giá lãi suất tiền gửi mà KBNN nhận được sẽ không thể cao hơn chi phí ngân sách nhà nước huy động qua các kênh như trái phiếu chính phủ, vay vốn nước ngoài.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhận xét việc giải ngân chậm đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm, thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Tiến Vũ
Theo KTTD, Vietnambiz