Sự kiện hot
13 năm trước

Khó khăn vốn: Ngân hàng đang ngồi trên lửa

Diễn biến tăng nóng của lãi suất liên ngân hàng (NH) trong các ngày cuối tuần qua và thực trạng nguồn vốn huy động bị giảm sút, theo phản ánh của nhiều ngân hàng, sẽ làm bi đát thêm bài toàn thanh khoản của không ít ngân hàng nhỏ.

 Diễn biến tăng nóng của lãi suất liên ngân hàng (NH) trong các ngày cuối tuần qua và thực trạng nguồn vốn huy động bị giảm sút, theo phản ánh của nhiều ngân hàng, sẽ làm bi đát thêm bài toàn thanh khoản của không ít ngân hàng nhỏ.

Giới đầu tư bắt đầu nhắc nhiều đến khả năng tái cơ cấu các ngân hàng trong nước.

Không ngoài dự đoán

Diễn biến tăng mạnh của lãi suất trên thị trường liên NH trong các ngày cuối tuần qua thực tế không nằm ngoài các dự đoán được đưa ra ngay sau khi NHNN tiến hành điều tăng một số lãi suất điều hành. Cụ thể kể từ ngày 10.10, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh tăng từ 14%/năm lên 15%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH cũng tăng từ 14%/năm lên 16%/năm. Ngay sau ngày này, một số tổ chức đầu tư ghi nhận các mức lãi suất tăng đáng kể trong hai ngày 11 và 12.10. Ước tính lãi suất các kỳ hạn giao dịch như qua đêm, 1 tuần và 1 tháng đều lần lượt tăng mạnh trong đó có lãi qua đêm thậm chỉ lên tới 16%/năm, kỳ hạn 1 tuần lên quanh mức 18%/năm và thậm chí lên tới 20%/năm ở kỳ hạn 1 tháng.

Chưa dừng ở mức trên, trong hai ngày cuối tuần, lãi suất giao dịch trên thị trường liên NH theo ghi nhận của một số Cty chứng khoán thậm chí còn lên tới 22%/năm ở kỳ hạn 1 tháng và dạo động quanh mức 18-21%/năm một số kỳ hạn giao dịch ngắn khác. NHNN cũng ghi nhận các biến động của mặt bằng lãi suất giao dịch trên thị trường liên NH sau khi có các điều chỉnh lãi suất. Số liệu mới nhất được cơ quan này cập nhật trong ngày 12.10 cho thấy, lãi suất bình quân liên NH các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần đến 1 tháng tăng dần từ mức 13,4% đến 14,69%.

Trong đó, hai kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng lần lượt có lãi suất bình quân là 14,07% và 14,69%/năm. So với hai ngày trước đó, ngày 10.10, lãi suất cao nhất ở các kỳ hạn này chỉ là 13,78% trong lúc lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn qua đêm chỉ ở mức 12,09%. Doanh số giao dịch ở kỳ hạn qua đêm trong ngày 12.10 vẫn chiếm chủ yếu với 12.259 tỉ đồng và kỳ hạn 1 tuần có doanh số giao dịch là 6.568 tỉ đồng. Trên thị trường này, doanh số vay mượn các kỳ hạn dài 3-12 tháng chỉ ở mức thấp với vài trăm tỉ đồng cho mỗi kỳ hạn.

Vốn ngân hàng đang gặp khó khăn

Tái cơ cấu ngành ngân hàng?

Tác động dây chuyền của lãi suất liên NH tăng cao với bài toán thanh khoản của các NH trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đầu vào nhà nhà giống nhau thực tế được nhiều tổ chức đầu tư đưa ra từ rất sớm. Động thái tăng lãi suất điều hành sẽ làm tăng lãi suất liên NH, theo nhiều đánh giá, sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản các NH nhỏ nhiều nhất, bởi các nhà băng nhóm này thường không nắm giữ nhiều giấy tờ có giá và do đó việc huy động thanh khoản chủ yếu phụ thuộc vào vay liên NH và tái cấp vốn.

Cùng với việc hút ròng trên thị trường mở, động thái nâng một số lãi suất điều hành của NHNN mang đến giả thiết là cơ quan này muốn sàng lọc để tái cơ cấu lại các NH là hoàn toàn hợp lý. Khi đưa ra giả thiết này, nhóm chuyên gia của Cty Chứng khoán Thăng Long cũng cho rằng, việc nâng lãi suất tái cấp vốn còn khiến cho kỳ vọng lãi suất giảm nhanh trở nên khó khăn hơn.

Trong báo cáo được đưa ra cuối tuần qua, Cty Chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, với việc các NH nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản do vốn huy động tiền đồng dần giảm sút và lãi suất liên NH kỳ hạn ngắn tăng mạnh trong 10 ngày gần đây, chủ trương củng cố ngành NH trở nên cấp bách hơn. Việc trần lãi suất 14% được áp dụng chặt được cho là sẽ buộc các NH nhỏ phải dùng đến kênh tái cấp vốn để có vốn hoạt động và đây được coi là công cụ chính để thực hiện mục tiêu loại bỏ các NH nhỏ và yếu kém.

Trên tinh thần cuộc họp của BCH Trung ương Đảng mới đây nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của việc củng cố ngành ngân hàng, HSC cho rằng, NHNN đang chuẩn bị thực hiện một lộ trình theo đó sẽ có các bước chuẩn bị cần thiết cho việc sáp nhập và tái cơ cấu ngành NH. “Thành thực mà nói, NHNN đã và đang chuẩn bị cho điều này trong nhiều năm” – HSC viết trong báo cáo tuần qua. Cũng theo đơn vị này, khung pháp lý cho phép NHNN nắm cổ phần tại các NH yếu kém đã được ban hành từ đầu năm và hiện tại, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện tại đang được Quốc hội xem xét sẽ là một trong những bước chuẩn bị cuối cùng cho một khung pháp lý hoàn chỉnh.

Văn Nguyễn
Theo Lao Động

Từ khóa: