Sự kiện hot
12 năm trước

"Khoa học cần chất xám đột phá"

Một điều quan trọng nhất muốn khoa học phát triển chúng ta cần phải đầu tư mạnh mẽ vào những chất xám có tính đột phá, GS Nguyễn Đăng Hưng khẳng định.

Một điều quan trọng nhất muốn khoa học phát triển chúng ta cần phải đầu tư mạnh mẽ vào những chất xám có tính đột phá, GS Nguyễn Đăng Hưng khẳng định.

Trong khuôn khổ hội nghị những thành tựu tiên tiến trong cơ học tính toán (ACOME 2012) đang được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong ba ngày 14, 15 và 16/8, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Đại học Liege, Vương quốc Bỉ (người khởi xướng ra hội cựu sinh viên cao học Việt – Bỉ EMMC) đã có cuộc trao đổi với VietNamNet về việc lựa chọn nhân tài phát triển khoa học.

GS. Nguyễn Đăng Hưng.

PV: Thưa giáo sư, ông đánh giá như thế nào về ngành toán học nói chung và khoa học tính toán trong Cơ học của Việt Nam nói riêng?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Theo tôi, về toán học tuy chúng ta đã có hiện tượng Ngô Bảo Châu. Nền toán học sau những khởi sắc lúc ban đầu với các giáo sư Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, càng về sau càng giảm sút, ngay cả so với các nước lân cận tại Đông Nam Á. Cụ thể tuy các công trình nghiên cứu toán học của chúng ta có cao hơn Singapore nhưng lại đang đứng sau Thái Lan và Mã Lai.

Chưa kể về lượng thì trong tương lai theo dự đoán số lượng các công trình nghiên cứu của hai nước này cũng sẽ vượt mặt chúng ta. Hiện nay ngành tính toán trong cơ học cũng không mấy lạc quan. Lý do là vì ngành này tùy thuộc vào sự phát triển của việc sử dụng máy tính, mà khoa học Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều ở khoa học Liên Xô, một quốc gia khá chậm tiến về lĩnh này.

Bắt đầu từ những năm 90, Việt Nam đã có nhiều sinh viên đi du học tại các nước phương Tây, nhiều chuyên gia quốc tế về Việt Nam giảng dạy, việc tính toán trong cơ học có điều kiện phát huy hơn, tuy nhiên điều này chưa thực sự xứng tầm so với một nước có hơn 85 triệu dân. Các viện cơ học tại Việt Nam cũng chưa tạo dựng được một đội ngũ đủ sức hướng dẫn nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này.

- Ngành toán học Việt Nam tuy đã giành được một số thành tựu nhất định, chúng ta cần phải làm gì để những nghiên cứu khoa học Việt Nam ngày càng có những bước tiến đột phá mới, để những công trình nghiên cứu được ứng dụng triệt để?

Tôi nghĩ điều đầu tiên và tiên quyết nhất để chúng ta có những nghiên cứu khoa học mang tính đột phá là cần làm sao để  tạo dựng được một môi trường thân thiện, tự do dân chủ trong nghiên cứu. Điều này sẽ là cơ hội tốt cho các nhà nghiên cứu phát huy khả năng, năng lực và niềm đam mê khoa học của mình, đồng thời tạo cơ hội cho những người say mê, yêu thích khoa học có cơ hội tiếp cận với nghiên cứu khoa học.

Thứ nữa, chúng ta cũng phải có chế độ cải thiện lương bổng hay điều kiện công tác cho hợp lý đối với các nhà nghiên cứu, để họ có thể chuyên tâm vào công tác nghiên cứu khoa học mà không bị sao nhãng đến chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày. Có như vậy họ mới toàn tâm, toàn ý cho khoa học được.

Một điều quan trọng nhất, muốn khoa học phát triển chúng ta cần phải đầu tư mạnh mẽ vào những chất xám có tính đột phá.  Đó là việc thu nhận những nhân sự chuyên môn có trình độ tiên tiến, những đầu tàu có bản lĩnh và có khả năng đào tạo hướng dẫn lớp trẻ, xây dựng những trường phái, tổ chức nghiên cứu khoa học bài bản. Điều này cũng rất cần sự sáng suốt am hiểu của cấp lãnh đạo chính trị trong việc lựa chọn người tài, chọn những tư vấn của Việt kiều đang thành công tại các nước phát triển, có điều kiện cọ xát với các ngành chuyên môn mũi nhọn cùng giúp nền khoa học nước nhà.

- Thưa giáo sư, hiện nhiều trường đại học trên cả nước đều lựa chọn những giảng viên quốc tế, dù vậy  điều này vẫn chưa thể phản ánh đúng chất lượng của đội ngũ giảng viên đại học cũng như chất lượng đầu ra cho các sinh viên, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt rõ về giảng viên người nước ngoài hay những giảng viên có chất lượng quốc tế? Nếu đưa tiêu chuẩn quốc tế vào việc lựa chọn giảng viên thì là một tiến bộ. Tuy nhiên việc này cũng cần nhiều thời gian để có thể đem lại tác động tích cực. Thứ nữa, điều cần thiết là phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế một cách đồng bộ và nhất quán. Không thể muốn có người đạt chuẩn quốc tế mà cứ duy trì tình trạng lương bổng quá thấp như hiện nay. Chúng ta phải hiểu rằng không thể kêu gọi người giỏi về đầu quân trong một cơ chế quan liêu, vì vậy cần phải tạo dựng được một môi trường đại học thân thiện, tự do, dân chủ…

- Thời gian vừa qua Việt Nam đã có nhiều công trình xây dựng lớn như Hầm Thủ Thiêm hay đập Thủy điện sông Tranh 2…. Tuy nhiên sau một thời gian đi vào hoạt động, các công trình này đã có những dấu hiệu thấm nước. Là một nhà nghiên cứu bộ môn Cơ học Phá huỷ thuộc khoa Kỹ thuật Hàng không Không gian, giáo sư đã có những nghiên cứu gì để có thể đưa ra phương pháp góp phần giải quyết những tình trạng trên?

- Thú thực cá nhân tôi chưa từng quan sát trực tiếp hay nắm bắt hồ sơ về sự cố các công trình xây dựng nói trên. Tuy nhiên theo tôi phỏng đoán, sự cố thấm nước của hầm Thủ Thiêm là phát xuất từ việc thi công. Điều này khá phổ biến trong các công trình xây dựng về hồ đập không chỉ ở Việt Nam mà ở những công trình lớn trên thế giới cũng dễ có hiện tượng này xảy ra. Vì vậy việc sửa chữa sẽ không mấy khó khăn.

Còn sự cố Đập Sông Tranh 2 hai có thể là lỗi thiết kế ban đầu, cộng thêm khả năng lỗi của mảng thi công, nó trầm trọng hơn nhiều… Thú thật vì không nắm hồ sơ kỹ thuật tôi không dám lạm bàn thêm. Tôi chỉ thêm chút đề nghị là cần thận trọng hơn trong việc chọn lựa người thầu. Có những công ty đến từ những nước mà luật lệ thi công hay đấu thầu không nghiêm túc, ta nên tránh xa họ. Đừng vì giá thành mà coi thường sự an toàn của công trình liên quan đến mạng sống của người dân…

Bốn chuyên gia hàng đầu thế giới tham gia hội nghị Acome 2012

Sáng 14/8 hội nghị Acome 21012 đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một hoạt động khoa học có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, đó là Hội nghị quốc tế về “Những thành tựu tiên tiến trong cơ học tính toán (ACOME 2012).

Hội nghị có 78 bài tham luận bao gồm các vấn đề về lý thuyết và ứng dụng các phương pháp tính toán và giải pháp cho các bài toán cơ học trên máy tính về những lĩnh vực cơ học phá hủy; thủy động lực học; cơ học vật liệu; cơ xây dựng. Trong đó sẽ có khoảng 25 bài tham luận đăng tải trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI đến từ 15 nước trên thế giới nhứ : Anh, Bỉ, Mỹ , Nga, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Singapo, Việt Nam…

Có 4 chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực cơ học – kỹ thuật đến từ Pháp, Italia và Mỹ như Giáo sư - Viện sĩ Viện Hàn lâm Châu Âu Bùi Huy Đường – đến từ trường Bách khoa Paris (Pháp). Ông là người VN duy nhất được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp từ năm 1995 với khoảng 350 thành viên, và là một trong những giáo sư hàng đầu thế giới về cơ học chất rắn và cơ học phá hủy.

Giáo sư danh dự Giulio Maier –ĐH Kỹ thuật Milan (Italia) là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về kết cấu công trình, từng là Chủ tịch Hiệp hội Lý thuyết và Cơ học ứng dụng quốc gia Italia.

Giáo sư Gui Rong Liu – đến từ trường Kỹ thuật hàng không, thuộc ĐH Cincinnati (Mỹ) - hiện đang là giáo sư và học giả xuất sắc Ohio của ĐH Cincinnati (Mỹ). Ông từng là giáo sư của ĐH quốc gia Singapore, chủ tịch của Hiệp hội Cơ học tính toán Singapore và hiện đang là thành viên Hội đồng điều hành của Hiệp hội quốc tế về cơ học tính toán (IACM).

Giáo sư Wing Kam Liu – đến từ trường Kỹ thuật, ĐH Northwestern (Mỹ). Ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về lĩnh vực tính toán kỹ thuật và vật liệu nano, giám đốc sáng lập viện nghiên cứu cơ học Nano và vật liệu nano NSF.

Với mục đích hội nghị Acome cho các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm và trình bày các kết quả nghiên cứu mới liên quan đến lý thuyết và ứng dụng trong lĩnh vực cơ học - kỹ thuật. Hội nghị Acome sẽ diễn ra trong ba ngày từ ngày 14- 16/8 tại trường đại học Tôn Đức Thắng sẽ tôn vinh một số giáo sư đã có những đóng góp nổi bật cho Giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực cơ học kĩ thuật ở Việt Nam.

Lê Huyền
Theo Vietnamnet

Từ khóa: