Một vấn đề đáng lo ngại là tất cả các khoản nợ vay ngân hàng ngắn hạn của CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (TH1) đều đã quá hạn thanh toán. Với kết quả kinh doanh thua lỗ như hiện nay, bài toán trả nợ ngân hàng của TH1 có thể nói là hết sức khó khăn. Cho nên việc VietinBank rao bán khoản nợ của doanh nghiệp này là không hề dễ dàng gì.
Rao bán nợ tại doanh nghiệp bết bát, ai mua?
Cách đây không lâu, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh TP. Hà Nội (VietinBank, CTG) thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (HNX: TH1) tại VietinBank TP. Hà Nội.
Theo đó, tổng dư nợ của TH1 tại VietinBank TP. Hà Nội tính đến ngày 30/11/2017 là hơn 74 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 63.9 tỷ và nợ lãi 10.2 tỷ đồng.
Giới doanh nghiệp cho rằng, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam hiện nay thực sự đang bết bát. Nên động thái ngân hàng rao bán khoản nợ là điều dễ thấy.
Từ một doanh nghiệp được coi là thành công của ngành thương mại với lợi nhuận tốt và nhiều tiềm năng ở khối tài sản khổng lồ, TH1 đã tuột dốc từ năm 2015 đến nay trong đó ngoài vấn đề liên quan đến các khoản trích lập dự phòng chứng khoán kinh doanh và dự phòng phải thu khó đòi thì còn là vấn đề mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông.
Từ năm 2015 đến nay, hoạt động của TH1 liên tục thua lỗ, riêng 3 năm 2015-2017 công ty đã lỗ ròng tổng cộng hơn 410 tỷ đồng. Trong quý I vừa qua, dù thu về 32 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động sản xuất, nhưng công ty vẫn tiếp tục báo lỗ ròng 2,2 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, công ty đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 279 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ là 135 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty này đang bị âm 95 tỷ đồngLũy kế 9 tháng đầu năm 2017, TH1 ghi nhận con số lỗ hơn 5 tỷ đồng. Kết quả này đặt TH1 vào tình huống bất lợi, đó là khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do 2 năm trước đó (2015 và 2016) cũng đã lỗ nặng.
Tính đến thời điểm 30/6/2018, TH1 có khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính với số tiền 291,9 tỷ đồng và các khoản vay ngân hàng thương mại đã quá hạn thanh toán với tổng số tiền 651,85 tỷ đồng và khoản lãi vay phải trả tương ứng 194,6 tỷ đồng. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty có lợi nhuận trước thuế lỗ 15,3 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 5 tỷ đồng.
Chủ nợ tính sao?
Là doanh nghiệp có bề dày về xuất khẩu, nhất là hàng nông sản, TH1 từng đã được nhà đầu tư kỳ vọng rất nhiều khi bước chân lên sàn. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động, tình thế của TH1 đang hết sức quan ngại khi kinh doanh dần đi lùi và rồi chuyển sang thua lỗ nặng.
Được biết, công ty đã phải gánh chịu những khoản thua lỗ lớn chỉ trong vòng 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2015, Generalexim ghi nhận lỗ ròng 134,38 tỷ đồng, năm 2016 âm 133,74 tỷ đồng và năm 2017 tiếp tục âm 142 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính tạo nên các khoản thua lỗ lớn này chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng khoản nợ khó đòi. Chỉ trong vòng 3 năm, Công ty đã thực hiện trích lập 331,37 tỷ đồng nợ xấu tại: Công ty CP Kim loại Việt Nam (23,93 tỷ đồng); Công ty CP Thực phẩm C.M.T (35,95 tỷ đồng); Doanh nghiệp tư nhân Trung Thành (54,58 tỷ đồng); Công ty TNHH Thanh Phát HQ (81,83 tỷ đồng); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phước Tiếng (35,63 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, dòng tiền của Công ty thay vì đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chính thì lại tập trung vào hoạt động mua bán chứng khoán ngắn hạn. Không có đủ nghiệp vụ cũng như chuyên môn đã khiến cho Công ty ghi nhận các khoản lỗ trong hoạt động tài chính đến từ việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư hay chi phí lãi vay trong kỳ.
Được thể hiện trên BCTC, ngoài khoản vay của TH1 đang được Vietinbank rao bán, còn rất nhiều ngân hàng đang đọng tiền tại doanh nghiệp này. Điều đáng nói, tất cả các khoản nợ vay ngân hàng ngắn hạn của TH1 đều đã quá hạn thanh toán.
Theo đó, TH1 đang vay nợ tại 6 ngân hàng, trong đó Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là hai chủ nợ lớn nhất.
Với vay nợ ngắn hạn, TH1 hiện đang nợ Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) số tiền hơn 48 tỷ đồng (vay bằng USD) được thế chấp bằng nhiều tài sản, trong đó có Dự án khu dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê tại 130 Nguyễn Đức Cảnh – Hà Nội. Khoản vay này đã hết hạn cả hai năm, từ 30/09/2015.
Khoản vay tín chấp bằng USD giá trị hơn 37.46 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietcombank của TH1 cũng đã hết hạn đến gần 3 năm, từ 19/12/2014.
Đối với ngân hàng SHB, với mục đích bảo lãnh phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, phát hành LC và bổ sung vốn lưu động, TH1 đã vay hơn 131 tỷ đồng. Thời hạn hợp đồng là 12 tháng và cũng đã hết hạn vào 23/07/2015.
Tại VietABank, TH1 đã vay 282 tỷ đồng và hơn 875,000 USD (tương ứng gần 19.5 tỷ đồng) để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hình thức đảm bảo tiền vay là lợi thế thương mại đối với quyền sử dụng 435.9 m2 đất thuê và tài sản gắn liền hình thành trong tương lai gắn liền đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp bên thế chấp tại số 7 Triệu Vương Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các khoản vay này cũng đã hết hạn vào 19/09/2015.
Tiếp đó là khoản vay tín chấp 45.8 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã hết hạn vào 23/01/2016.
Cuối cùng, TH1 đang có dư nợ vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) gần 65 tỷ đồng, đã hết hạn hợp đồng từ 31/08/2016.
Với vay nợ dài hạn, TH1 hiện đang vay tại BIDV gần 53 tỷ đồng, số dư nợ gốc đến hạn trong năm 2017 này là 14.3 tỷ đồng. Thời hạn cho vay từ 20/07/2009 đến 25/12/2020.
Do đó, tính đến cuối tháng 6/2017, số dư nợ ngân hàng quá hạn chưa thanh toán của TH1 là gần 644 tỷ đồng và lãi phát sinh là 116 tỷ đồng.
Mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng cuối cùng TH1 cũng đã phải gục ngã trước những khó khăn đeo bám từ lâu. Từ lúc lên sàn, TH1 chỉ thực hiện hai lần tăng vốn, đó là vào năm 2010 lên 126 tỷ đồng khi phát hành cổ phiếu hoán đổi trái phiếu và 1 lần phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho năm 2013 và 2014. Trong khi đó, do đặc thù kinh doanh xuất nhập khẩu, cần có nguồn vốn lưu động ngắn hạn để mua hàng, xoay vòng nên buộc TH1 phải tăng vay nợ ngân hàng.
Trên sàn chứng khoán cổ phiếu TH1 cũng rơi vào tình trạng thanh khoản kém và đang đứng yên ở mức giá 5.500 đồng/cổ phiếu, không có thanh khoản.
Tại BCTC soát xét bán niên 2017, các kiểm toán viên đã nhấn mạnh rằng TH1 hiện lỗ lũy kế 135 tỷ đồng, toàn bộ các khoản vay tại ngân hàng đã quá hạn thanh toán trong khi nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên… làm tăng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Thực tế thì những nhấn mạnh này đã được kiểm toán đưa ra tại BCTC kiểm toán năm 2015 khi một số khoản vay đã đến hạn thanh toán.
Theo tìm hiểu, lãi vay và nợ xấu của TH1 đã tiềm ẩn từ khá lâu. Toàn bộ các khoản vay tại ngân hàng đã quá hạn thanh toán trong khi nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên… làm tăng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Với kết quả kinh doanh thua lỗ như hiện nay, bài toán trả nợ ngân hàng của TH1 có thể nói là hết sức khó khăn. Và với động thái mới nhất của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Vietinbank, thì số tài sản đó có bán dễ dàng, ai sẽ bỏ tiền ra mua những khoản nợ "chết", hay Vietinbank sẽ ngậm ngùi chịu lỗ?
Kinh doanh thua lỗ, Shark Vương "tháo chạy” khỏi con cưng TH1
Từng được giới đầu tư biết tới với các thương vụ thâu tóm lớn, song khi các doanh nghiệp trong tay mình như SAM Holdings gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ như trường hợp của Công ty CP XNK Tổng hợp I (TH1), ông Trần Anh Vương (Shark Vương) đã chọn cách bán hết cổ phần hoặc từ bỏ vị trí lãnh đạo.
Cụ thể, ông Trần Anh Vương (Shark Vương) đã đệ đơn từ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Tổng hợp I (TH1) nhiệm kỳ 2016 - 2021 và được HĐQT chấp nhận từ ngày 2/7/2018.
Sau đó không lâu, Shark Vương cũng đã đăng ký bán ra gần 15,28 triệu cổ phiếu SAM, tương ứng 6,32% vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính, giao dịch từ ngày 29/8/2018 –29/9/2018. Mục đích thực hiện giao dịch bán 15,3 triệu cổ phiếu SAM được Shark Vương đưa ra là nhu cầu tài chính cá nhân. Sau giao dịch, ông Vương cũng sẽ không còn là cổ đông của SAM Holdings.
Nguyễn Dũng - Kim Dung
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng