Địa ốc èo uột, giá vàng leo thang chóng mặt, nhiều nhà đầu tư kiếm được bội tiền vì cắt lỗ nhà đất kịp nhảy sang buôn vàng, nhưng cũng không ít trường hợp ngậm ngùi vì bán vàng giá đáy để mua đất giá đỉnh.
Địa ốc èo uột, giá vàng leo thang chóng mặt, nhiều nhà đầu tư kiếm được bội tiền vì cắt lỗ nhà đất kịp nhảy sang buôn vàng, nhưng cũng không ít trường hợp ngậm ngùi vì bán vàng giá đáy để mua đất giá đỉnh.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng trong dài hạn. Ảnh: Hoàng Lan.
Chị Thanh Phương, một nhà đầu tư cho hay, vào thời điểm cuối tháng 3, khi địa ốc Hà Nội vẫn còn đang sốt, chị đã nhắm một mảnh đất ở khu vực Thanh Oai với giá gần một tỷ đồng. Dốc hết tiền tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng cộng thêm với khoản vay gần 10 lượng vàng, chị hồ hởi mua 50 m2 đất thổ cư chờ ngày giá đất lập đỉnh. Nào ngờ đâu, địa ốc càng ngày càng giảm, còn vàng tăng giá chóng mặt khiến chị Nga đứng ngồi không yên.
"Thời điểm tôi vay vàng, giá có 37 triệu đồng mỗi lượng, nay có lúc lên tới 49 triệu đồng. Tính ra mỗi cây vàng, tôi bị lỗ đến hơn 12 triệu đồng, nhìn vàng nhảy nhót mà xót hết cả ruột", chị Phương ngậm ngùi.
Vàng liên tục lên xuống, chỉ nội ngày 23/8 giá thế giới rớt gần 100 USD một ounce, trong nước cũng giảm trên dưới 1 triệu đồng mỗi lượng. Thời điểm vàng thiết lập kỷ lục 38,5 triệu đồng, nhiều người dân đã đổ xô đi bán, song không ít kẻ đã phải khóc dở mếu dở khi vàng liên tục tăng giá đến chóng mặt.
Giống như chị Phương, anh Hồng Hải cũng đứng ngồi không yên vì đã bán tháo vàng để "gửi tình yêu vào đất". Mua một căn hộ chung cư từ đầu năm ở khu vực gần cầu Vĩnh Tuy với giá gần 3 tỷ đồng, đóng xong đợt một hết 600 triệu đồng đến đợt 2, chủ đầu tư réo rắt gọi thì anh ngẩn "tò te" vì không biết xoay đâu ra 800 triệu đồng.
Vay nóng khắp nơi không được, sẵn nhà có gần 30 lượng, giá vàng lại đạt kỷ lục 38,5 triệu đồng vào hồi tháng 7, anh đã dốc hết số vàng tích góp để đóng tiến độ căn nhà. Bán xong vàng, thì giá liên tục tăng, từ 38,5 triệu hồi giữa tháng 7, đến đầu tháng 8 lên tới 40,1 triệu đồng và cứ thế tiếp đà tăng và đến nay tạm dừng ở mức 49 triệu đồng mỗi lượng. Nếu tính ra chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, anh đã lỗ đến hơn 300 triệu đồng.
Anh Hải tâm sự, thời điểm tháng 3 khi địa ốc còn đang sốt, căn hộ của anh có người trả chênh đến hơn 200 triệu đồng, nhưng anh không bán, đến nay chỉ còn biết thở ngắn than dài vì địa ốc thì liên tục xuống giá còn vàng lên chóng mặt. "Vàng đã bán, nhà đã mua, bây giờ đành phải chấp nhận. Trước mắt chỉ sống bằng niềm tin, hy vọng nhà đất sẽ ấm trở lại, giá vàng sẽ xuống để đỡ xót ruột", anh Hải cho hay.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ dốc hết vàng tiết kiệm, thậm chí đi vay để đầu tư vào địa ốc rơi vào tình cảnh lỗ nặng. Nhưng cũng không ít người cắt lỗ đất để lướt sóng vàng lại kiếm bội tiền.
Địa ốc Hà Nội từ tháng 5 đến nay rơi vào tình cảnh giao dịch trầm lắng, hầu hết các phân khúc đều rớt giá. Tiêu biểu như liền kề dự án Kim Chung - Di Trạch đường nhỏ chỉ còn khoảng 30-35 triệu đồng mỗi m2, giảm khoảng 20 triệu đồng mỗi m2. Đất nền Mê Linh giảm trung bình 20-30%. Những dự án một thời đình đám như Chi Đông cũng giảm 2-3 triệu đồng mỗi m2, nay chỉ còn khoảng 7-7,5 triệu đồng mỗi m2, Minh Giang Đầm Và cũng rớt giá còn 12 đồng mỗi m2, giảm khoảng 3-4 triệu đồng mỗi m2.
Chị Diệu Thúy, nhà đầu tư ở khu vực đường Lê Văn Lương cho hay, sau khi chị nhanh tay mua hai lô đất ở gần đường 32 với giá 35 triệu đồng mỗi m2 thì địa ốc chững lại. Đang cần tiền để đầu tư, chị đành bán hòa vốn một lô để lướt sóng vàng. Khá duy tâm, với quan niệm, vàng mệnh Kim, đất Mệnh thổ, Thổ sinh Kim, "đất chết thì vàng sống", chị dốc hết tiền đầu tư vào kim loại quý này.
Nhảy vào đầu tư vàng vào thời điểm đầu tháng 8, khi thị trường đã lên đến 44 triệu đồng mỗi lượng, chị Thúy dốc tiền mua 50 lượng vàng, đến khi chờ đến vàng lên 46 lại bán ra. Vàng lên 47 lại mua vào và đến khi vàng lên đến đến 48, chị lại bán hết. Chỉ trong vòng nửa tháng, chị đã lãi tới hơn 150 triệu đồng. "Đầu tư vàng không được tham. Ôm vàng chẳng khác nào cầm bom nổ chậm nên tranh thủ cứ có lời là bán cho an toàn", chị Thúy cho hay.
Khảo sát về kênh đầu tư khi có tiền nhàn rỗi của báo trong gần 3 tháng qua cho thấy, bất động sản từ vị trí thứ hai ở thời điểm tháng 6 đã tụt xuống thứ 3 sau kênh đầu tư vàng. Trong tổng số hơn 87.700 ý kiến, có tới hơn 24.600 phiếu (chiếm 28%) chọn đầu tư vàng. Kênh đầu tư được nhiều độc giả lựa chọn nhất hiện nay là gửi tiết kiệm tiền đồng, với tỷ lệ ủng hộ lên hơn 30%.
Giá vàng tăng liên tục từ 15/8 đến nay và đạt kỷ lục ở mức hơn 49 triệu đồng mỗi lượng, đến chiều 24/8 đã xuống còn khoảng hơn 47 triệu đồng. Chị Hồ Thanh, một nhà đầu tư nhỏ lẻ cho hay chơi với vàng như đùa với lửa, nên xét về lâu dài chị vẫn muốn đầu tư vào bất động sản hơn. "Vàng tăng giá vùn vụt nhưng xuống giá cũng rất nhanh, lãi suất tiết kiệm thì không bắt kịp được lạm phát", chị Thanh chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế kỷ (CenGroup) cho hay, vàng có thể mang lại lợi nhuận trong chớp nhoáng nhưng không phải là kênh đầu tư dài hạn. Khi vàng lên cơn sốt, chuyện nhà đầu tư bán đất, đi buôn vàng cũng dễ hiểu. Những trường hợp may mắn đón đúng đợt sóng có thể thu được lãi lớn nhờ mua thấp bán cao, ngược lại không ít trường hợp đầu tư theo phong trào đã phải lĩnh đủ.
Tuy nhiên, đầu tư vàng không đơn giản vì giá có thể biến động theo từng phút, thậm chí theo giây. Bất động sản thanh khoản kém hơn hơn song lại là kênh đầu tư an toàn trong dài hạn.
"Đầu tư vàng không cần vốn lớn, ngược lại, nếu vốn mỏng không thể kinh doanh nhà đất. Rất khó để đưa ra lời khuyên trong bối cảnh khó khăn chung, tùy lượng vốn sẵn có và mục tiêu đầu tư dài hay ngắn hạn mà nhà đầu tư cân nhắc trước khi ra quyết định", ông Hưng chia sẻ.
Hoàng Lan
Theo xaluan