Các chuyên gia bất động sản, tài chính cho rằng thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, tuy nhiên không thể có chuyện “nổ bong bóng” bất động sản được.
Tại hội thảo Những giải pháp khơi thông thị trường bất động sản hướn tới an sinh xã hội do Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 6/8, các chuyên gia bất động sản, tài chính cho rằng thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, tuy nhiên không thể có chuyện “nổ bong bóng” bất động sản được.
Theo ông Lễ Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thông có chuyện nổ bong bóng bất động sản trong thời gian tới được, do thị trường bất động sản của Việt Nam còn nhỏ, thu nhập của người dân còn ở mức thấp. Bất động sản ở Việt Nam, có đặc điểm riêng là nguồn cung bất động sản nằm trong tay nhà nước.
Có cùng nhận định trên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ xây dựng khẳng định không có chuyện "nổ bong bóng" bất động sản, cũng như chưa đến mức phải giải cứu thị trường, và không cần thiết đề cấp đến vấn đề “giải cứu” thị trường bất động sản.
Khách xem mô hình dự án tại triển lãm bất động sản VinaLiving. (Ảnh Văn Sơn/TTXVN)
Đại diện Bộ xây dựng cho biết, nhu cầu thị trường hiện nay về nhà ở rất lớn nhưng hầu hết đều nằm ở phân khúc nhà ở trung bình và thấp, trong khi đó thời gian qua hầu hết các doanh nghiệp đều đầu tư vào lĩnh vực phân khúc cao cấp nên dẫn đến nguồn cung và cầu chưa gặp được nhau. Ngoài ra, giá thành sản phẩm hiện đang ở mức cao do chủ đầu tư phải chịu nhiều khoản chi phí quá cao như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí nguyên vật liệu, nhân công cao…
Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay các doanh nghiệp cần phải lấy được lòng tin của người dân vào lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Nam, ngành bất động sản hiện đang có nhiều thách thức nhưng cơ bản nó bắt nguồn từ thể chế, hàng lang pháp lý của chúng ta có nhiều nhưng nội dung vẫn còn có nhiều điểm bất cập và có phạm vi điều chỉnh rộng như đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài chính…
Mặt khác, về nguồn vốn tự có của doanh nghiệp quá nhỏ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng, khả năng huy động vốn trong nhân dân còn hạn chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có những chính sách phù hợp để có thể huy động nguồn vốn từ trong dân để đầu tư.
Để khơi thông thị trường bất động sản trong thời gian tới, nhiều giải pháp, kiến nghị cũng đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong tình hình khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản phải tái cấu trúc doanh nghiệp, điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, đình hoãn hoặc giãn tiến độ triển khai một số công trình, dự án, thực hiện nhiều biện pháp như giảm giá bán hàng, tăng tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ lãi vay cho người mua…
Để bất động sản hướng tới an sinh xã hội, ông Châu cho rằng Chính phủ và Bộ xây dựng cần tập trung mọi nguồn lực phát triển chương trình căn hộ cho thuê giá rẻ, chương trình căn hộ bán trả góp dài hạn theo nhiều phương thức đa dạng từ ngân sách, từ hợp tác công tư, xã hội hóa.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản không thể ngồi chờ, tự bản thân phải thực hiện một số giải pháp như giảm giá bán còn 12 đến 15 triệu/m2, giảm lãi, thậm chí giảm lỗ ít để tồn tại; áp dụng khoa học kỹ thuật trong thiết kế, thi công để tiết kiệm chi phí, cho ra sản phẩm giá rẻ, phù hợp với khả năng của người mua.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, các doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực, nguồn vốn để hoàn thiện các dự án để có sản phẩm đưa ra thị trường, tạo mức thanh khoản cao, đồng thời phải tái cơ cấu lại sản phẩm, tiết kiệm trong thi công, thiết kế. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tăng cường liên doanh, liên kết, mua bán dự án, bán hàng để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm.
Hoàng Anh Tuấn
theo TTXVN/Vietnam+