Cân đối đủ cung-cầu, không để thiếu hàng và sốt giá những mặt hàng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 4/11.
Cân đối đủ cung-cầu, không để thiếu hàng và sốt giá những mặt hàng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 4/11.
Những mặt hàng như lương thực cần có kế hoạch tích trữ đầy đủ ngay từ thời điểm này. (Nguồn: TTXVN)
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, những mặt hàng như lương thực, thực phẩm, rau củ quả và thủy sản cần có kế hoạch tích trữ đầy đủ ngay từ thời điểm này nhằm tránh những hoạt động đầu cơ, tăng giá bất hợp lý trong các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán 2014.
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết về kế hoạch cung ứng hàng Tết Giáp Ngọ. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết cung ứng khoảng 30%-40% thị phần các mặt hàng thiết yếu, chợ đầu mối cung ứng 40%-50% và số còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả và gạo...
Ông Nguyễn Phương Đông Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay hiện thành phố đã triển khai 7.573 điểm bán hàng bình ổn giá, với lượng hàng hóa dồi dào, chất lượng đảm bảo và giá cả theo giá đã đăng ký nhằm hạn chế hiện tượng đầu cơ, găm hàng, qua đó góp phần cân đối cung cầu, giảm tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ và giá cả tăng giá đột biến nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Bên cạnh đó, thành phố cũng hợp tác chương trình thương mại với các tỉnh Tây Nam Bộ để liên kết đầu tư, tạo nguồn hàng cung cấp cho thành phố lâu dài và ổn định cũng như phát triển mạng lưới phân phối cho các doanh nghiệp.
Tương tự, tại Hà Nội, Sở Công Thương thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại lên kế hoạch dự trữ nhóm hàng thiết yếu tăng khoảng 10%-15% so với các tháng trong năm; trong đó tập trung vào 7 nhóm hàng thiết yếu với tổng giá trị là 318 tỷ đồng, gồm: 5.500 tấn gạo tẻ, 900 tấn thịt heo, 450 tấn thịt gà, 6 triệu quả trứng gia cầm, 300 tấn hải sản đông lạnh, 1.500 lít dầu ăn, 2.000 tấn rau củ.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, sẽ triển khai 610 điểm bán bình ổn giá cố định được treo biển nhận diện và khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng… không treo biển nhận diện nhưng bảo đảm giá bán ổn định theo bảng giá của Bộ Tài chính.
Là một trung tâm của các tỉnh miền Trung, lại vừa phải khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 11, nhưng theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng đã có phương án chuẩn bị tốt các mặt hàng như gia súc, giam cầm, rau củ quả để bình ổn những tháng cuối năm. Địa phương cũng kết hợp với tỉnh Lâm Đồng để tạo chân hàng cung cấp trong những tháng cao điểm và dịp Tết.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 10/2013, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa của cả nước đạt 225,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng Chín. Tính chung mười tháng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa đạt 2.158,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, nếu loại trừ chỉ số giá (CPI) thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa vẫn tăng 5%. Riêng trong tháng Mười có hai yếu tố tác động mạnh đến CPI là lương thực tăng 0,91% và thực phẩm tăng 1,04%.
Trước yêu cầu bình ổn thị trường Tết, cũng như tránh việc thiếu hàng sốt giá, ông Quyền cho biết Bộ Công Thương sẽ tổ chức kết nối cung cầu với trên 300 doanh nghiệp thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo đầu ra cho các sản phẩm trong nước. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến với Bộ Nông Nghiệp để chuẩn bị con giống nhằm tăng khả năng tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết.
Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với Cục Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ việc thu mua thủy hải sản đang diễn ra tại một số địa phương, kịp thời chấn chỉnh hoạt động này nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất.
Tính đến hết tháng 10, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý trên 5 nghìn vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra xử lý trên 67 nghìn vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách gần 250 tỷ đồng.
"Từ nay đến cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường sẽ thường xuyên kiểm tra kiểm soát thị trường, nhất là việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, cũng như tăng cường chống hàng lậu, hàng giả," lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho hay.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/khong-de-thieu-hang-va-sot-gia-trong-dip-cuoi-nam-tet/228328.vnp
Đức Duy
theo Vietnam+