Hơn một tháng trôi qua nhưng thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền- nạn nhân bị chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường ném xuống sông Hồng vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, nếu không tìm thấy xác của nạn nhân
Hơn một tháng trôi qua nhưng thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền- nạn nhân bị chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường ném xuống sông Hồng vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, nếu không tìm thấy xác của nạn nhân CQĐT sẽ khó xử lý hình sự được đối với ông Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo Điều 246 (BLHS).
Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, việc xử lý Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh về hành vi "xâm phạm thi thể" là chưa có căn cứ vững chắc.
Theo lời khai của Tường, chiều ngày 19/10, trong quá trình phẫu thuật, hút mỡ, nâng ngực cho chị Huyền, phát hiện nạn nhân có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được,Tường đã đặt ống thở, tiêm thuốc trợ tim nhưng nạn nhân này đã tử vong. Thấy khách chết, Tường cùng với nhân viên mang thi thể chị Huyền ra ôtô chở lên cầu Thanh Trì và ném thi thể nạn nhân xuống sông Hồng. Hơn một tháng trôi qua, mặc dù gia đình chị Huyền và lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn chưa thấy thi thể của nạn nhân.
Liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, chủ cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường) về 2 tội danh “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 242 (BLHS) và tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo Điều 246 BLHS); Đào Quang Khánh (17 tuổi, nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.
Hành vi của Tường và đồng phạm rất đáng lên án, bị dư luận bức xúc và đòi hỏi phải có một chế tài xử lý nghiêm minh, tương xứng với mức độ phạm tội của chúng. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận một thực tế đó là, do chưa tìm được thi thể của chị Huyền nên CQĐT gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định tội danh đối với Tường và Khánh.
Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, việc CQĐT khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, đối với tội “Xâm phạm thi thể, mồ mà, hài cốt”, nhiều ý kiến cho rằng chưa đủ căn cứ để khởi tố Tường và Khánh. Bởi lẽ, những căn cứ pháp lý để khởi tố hai đối tượng trên chủ yếu là dựa vào lời khai, lời nhận tội của chúng. Một giả thiết được đặt ra: “Liệu lời khai của Tường và Khánh có đáng tin cậy, hay đó chỉ là những lời nguỵ biện nhằm che giấu một tội ác nguy hiểm hơn?”.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, không thể căn cứ vào lời khai, lời nhận tội của Tường và Khánh để làm căn cứ buộc tội các đối tượng này về hành vi "Xâm hại thi thể, mồ mả, hài cốt". Khoản 2 (Điều 72, Bộ luật TTHS) quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Đồng quan điểm trên, luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu quy kết các bị can Tường và Khánh có hành vi “xâm phạm thi thể” thì phải có “thi thể thực”. Điều này đồng nghĩa với việc phải có căn cứ khẳng định chị Huyền đã chết và phải có “thi thể” thì mới có việc "xâm hại" xảy ra. “Chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền nên việc xác định nạn nhân này chết hay sống là chưa có cơ sở"- Luật sư Sơn nhận định.
Luật sư Sơn lập luận: "Giả sử “nếu chị Huyền chưa chết thì sao?. Theo nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được quy định trong Bộ luật TTHS thì “Mọi nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo; nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội (các cơ quan tiến hành tố tụng- PV), người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình”. Như vậy, lời khai của Tường và Khánh chỉ là một trong nhiều giả thiết có thể xảy ra trong vụ án này. Do đó, khi xác định chứng cứ phải nhìn dưới góc độ khoa học chứ không thể chỉ căn cứ vào lời khai của bị can, bị cáo và những người liên quan được”.
Nguyễn Hằng
theo GĐ&XH