Sự kiện hot
7 năm trước

Không sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

Góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, ĐBQH đã đề nghị trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, không được sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trước một số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị: Không quy định trong dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tập trung soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế có liên quan tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, bảo đảm cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Tuy nhiên, trong các quy định về khoản vay đặc biệt, dự thảo luật quy định, trong điều kiện không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém, cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ để giúp các tổ chức tín dụng có triển vọng phục hồi, tránh nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống.

Việc quy định các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay của NHNN thì được vay đặc biệt của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng khác phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực từ bên ngoài.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – TP Hà Nội góp ý về quy định không sử dụng ngân sách nhà nước trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Theo bà, nguyên tắc này chưa được quán triệt một cách triệt để trong dự thảo Luật.

Bà phân tích: Với các khoản vay đặc biệt có mức ưu đãi 0%, dự thảo Luật chưa làm rõ các tổ chức tín dụng sau khi được hưởng những khoản vay này nhưng vẫn không thể phục hồi, vẫn phá sản và không thể thanh toán được thì sẽ xử lý như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm các khoản vay này? Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng như ở một số văn bản mang tính chỉ đạo gần đây có sử dụng khái niệm "không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém". Đại biểu đặt ra câu hỏi, quy định như vậy tức là có thể sử dụng ngân sách gián tiếp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém?

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa -TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên né tránh nói là không dùng đến ngân sách nhà nước trực tiếp nhưng lại sử dụng gián tiếp. Cụ thể là chúng ta cho vay với lãi suất 0%. Nếu có ảnh hưởng thì chúng ta cũng phải xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho cử tri, nhân dân biết.

Doanh Thương

Theo KTTD,Vietnambiz

Từ khóa: