Sự kiện hot
4 năm trước

Khớp nối cấu kiện bê tông cuối cùng kè Hồ Gươm

Sau 65 ngày thi công, tuyến kè dài 1.500 m quanh Hồ Gươm (Hà Nội) đã chính thức được “hợp long” toàn tuyến với khớp nối cấu kiện bê tông cuối cùng vào sáng 20/8.

6h30 sáng ngày 20/8, 10 công nhân dùng máy ép thủy lực lắp đặt cấu kiện bê tông cuối cùng của bờ kè Hồ Gươm, đoạn gần cầu Thê Húc. Trong vòng 30 phút, khối bê tông mái vát đúc sẵn, cao 2,5 m, rộng đáy 1,6 m được ép từ từ xuống đáy hồ.

Mỗi cấu kiện bê tông có chiều cao 2,5m, rộng 1m, mái vát và nặng 2,5 tấn

Mỗi cấu kiện bê tông có chiều cao 2,5m, rộng 1m, mái vát và nặng 2,5 tấn

Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Công ty khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco), đơn vị thi công, cho biết đã huy động hơn 100 công nhân làm việc liên tục trong 65 ngày đêm để hoàn thiện công trình bờ kè quanh Hồ Gươm. Sau khi hợp long, bờ kè sẽ tiếp tục được làm mái vát bằng đá xanh, lắp đặt đèn led để chiếu sáng mặt hồ.

Cấu kiện bê tông cuối cùng được khớp nối vào tuyến kè Hồ Gươm sáng 20/8

Cấu kiện bê tông cuối cùng được khớp nối vào tuyến kè Hồ Gươm sáng 20/8

"Thi công trong không gian chật hẹp, cùng nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, chúng tôi đã cố gắng đảm bảo tối đa không ảnh hưởng đến nền đất, mực nước hồ, cây xanh trong khu vực", ông Thảo nói.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, nói kè hồ là hạng mục quan trọng nhất của dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực Hồ Gươm. "Bờ kè sau khi chỉnh trang vẫn giữ được dáng vẻ mềm mại đặc trưng ven hồ", ông Long nói và thông tin thêm, dự kiến đến 31/8, tất cả các hạng mục quanh Hồ Gươm sẽ thi công xong, cuối tháng chỉnh trang bồn hoa, tiểu cảnh để hoàn thiện dự án.

Công nhân dùng máy thủy lực ép khối bê tông xuống đáy hồ

Công nhân dùng máy thủy lực ép khối bê tông xuống đáy hồ

Trước đó, ngày 21/4, sau 10 năm nghiên cứu với 3 lần đưa ra lấy ý kiến người dân, dự án cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm được khởi công với hạng mục kè hồ. Toàn bộ đường dạo quanh Hồ được lát lại bằng đá xanh, hạ ngầm dây cáp điện; hệ thống chiếu sáng, bồn hoa được chỉnh trang.

Hồ Gươm hay còn gọi hồ Hoàn Kiếm rộng hơn 115.000 m2. Xung quanh hồ được bó vỉa bằng kè đá, bao quanh là hệ thống vườn hoa, cây xanh. Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, gồm: hồ, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và khu tưởng niệm vua Lê.

Công nhân hạ cấu kiện bê tông cuối cùng xuống kè hồ Hoàn Kiếm

Công nhân hạ cấu kiện bê tông cuối cùng xuống kè hồ Hoàn Kiếm

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Trước khi triển khai hạng mục, những cấu kiện bê tông dùng để kè Hồ Hoàn Kiếm và phương án thi công đã được các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng phân tích, đánh giá và thẩm định chất lượng. Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá, hạng mục kè đã đáp ứng được các yếu tố mà UBND quận đề ra ban đầu”.

Do đây là công trình nhóm A - cấp quốc gia đặc biệt nên ngoài việc phải tuân thủ theo các Luật Đầu tư, Xây dựng, còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Tiêu chí và yêu cầu thi công được UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đặt ra là: Không dùng tường vây, đê bao; không làm đường công vụ; không thay đổi mực nước hồ; bảo đảm giữ nguyên trạng nền tự nhiên đáy hồ, giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh bờ hồ; không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ; không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần thường ngày của người dân...

Ông Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho hay: “Tôi đánh giá cao vật liệu sử dụng kè hồ và phương án thi công của đơn vị thi công. Đặc biệt, sau khi hoàn thành, hạng mục kè không ảnh hưởng nhiều đến diện tích mặt nước và cảnh quan quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm”.

PV

Theo KTĐU

Từ khóa: