Sự kiện hot
3 năm trước

Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Chưa thể khai thông vì vướng đền bù

Khu chế xuất và khu công nghiệp gặp nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai

Theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 23 Khu chế xuất và Khu công nghiệp (KCX-KCN) với tổng diện tích là 5.921,15 ha. Đến nay, 19 KCX, KCN đã có quyết định thành lập nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức và 8 quận, huyện. Trong đó, 17 KCX-KCN đã đi vào hoạt động (gồm 3 KCX và 14 KCN) với tổng diện tích 4.085,08 ha/5.921,15 ha, chiếm 68,99% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các KCX-KCN tính đến năm 2020. Diện tích đất xây dựng xí nghiệp, cơ sở công nghiệp đã cho thuê đạt 1.830 ha/2.539 ha đất xây dựng xí nghiệp, cơ sở công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM còn 11 KCN chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất bị “kẹt” hơn 100ha, cùng hàng trăm hộ dân chưa di dời. Trong đó, KCN Tân Bình (quận Tân Phú) còn 0,29ha chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tương tự, KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Thời điểm năm 2011, trên 6,9ha đất chưa bồi thường của dự án có 142 hồ sơ, với giá bồi thường khoảng 70 tỷ đồng. Đến năm 2020, trên phần đất này đã “mọc” lên 535 căn nhà, dự kiến số tiền bồi thường lên tới 475 tỷ đồng (chưa tính chi phí tái định cư). Tại huyện Củ Chi, KCN Tân Phú Trung hiện còn 33,02ha chưa bồi thường. KCN Đông Nam (Củ Chi) được phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay còn 12 hộ dân không đồng ý bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 1,56ha...

khu cong nghiep tp ho chi minh chua the khai thong vi vuong den bu
Khu chế xuất và Khu công nghiệp gặp nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ như người dân không đồng ý đơn giá bồi thường; khu đất có tranh chấp; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh khiến chi phí đền bù tăng cao so với dự toán ban đầu… Thậm chí, có nguyên nhân do chủ đầu tư KCN không hợp tác với chính quyền địa phương để thực hiện công tác đền bù, như trường hợp ở KCN Tân Tạo (quận Bình Tân); có chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý như KCN Lê Minh Xuân 3, KCN Đồng Nam...

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Ban Quản lý các KCX - KCN TP.HCM cũng cho biết tại một số KCN, khu dân cư liền kề KCN còn vướng thủ tục pháp lý, dẫn đến công ty phát triển hạ tầng KCN không thể triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao nền tái định cư và chưa xây dựng các dịch vụ tiện ích, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia làm việc tại KCN. Đơn cử như Khu tái định cư - nhà ở công nhân - chuyên gia và dân cư liền kề phục vụ KCN Lê Minh Xuân 3 - Huyện Bình Chánh (quy mô 75,54 ha), do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư. Ngày 4/1/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có Công văn chuyển Sở Tài nguyên - Môi trường giải quyết thủ tục giao đất. Tuy nhiên, đến nay Công ty VRG vẫn chưa được bàn giao khu đất trên...

Thậm chí, một số KCN đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ đất quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất với nhà nước nên chưa thể đầu tư hạ tầng và kêu gọi đầu tư, gây lãng phí đất đai. Điển hình là dự án KCN cơ khí ô tô Hòa Phú tại huyện Củ Chi, trong đó có chấp thuận chủ trương về giao đất, cho thuê đất cho Công ty cổ phần Hòa Phú đối với phần diện tích đã thực hiện xong việc bồi thường trọn ô đất quy hoạch phê duyệt và đã có hạ tầng thuộc dự án Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Hòa Phú. Công ty đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh trên 65% và sẵn sàng cho các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất. Ngày 4/9/2020, Công ty cổ phần Hòa Phú có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường giao đất, cho thuê đất đợt 2 là 60 ha để tiến hành các bước tiếp theo.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý KCX-KCN TP.HCM, hiện nay, quỹ đất thu hút đầu tư vào KCX, KCN ngày càng thu hẹp. Các KCN hiện hữu đang hoạt động dần lấp đầy, trong khi các KCN mới đã thành lập nhưng chậm triển khai do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất triển khai dự án; các KCN đã có trong danh mục quy hoạch KCN nhưng chậm được thành lập như KCN Vĩnh Lộc 3, Bàu Đưng, Phước Hiệp... Điều này dẫn đến khả năng phát triển thêm các KCN khác ngoài quy hoạch hiện gặp nhiều khó khăn về thủ tục và thời gian.

Đơn vị này kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM ký hợp đồng thuê đất với diện tích các chủ đầu tư đã hoàn thành bồi thường để KCN sớm triển khai hạ tầng kỹ thuật, có quỹ đất thu hút đầu tư. Hiện Ban Quản lý các KCX - KCN gặp nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai, quỹ đất thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông kết nối KCN; cũng như thẩm quyền quản lý KCX - KCN theo cơ chế “một cửa tại chỗ”, cơ chế thu và chi phí duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng KCN.

“Để chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, Ban Quản lý các KCX - KCN đề xuất UBND TP.HCM xem xét tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các KCX - KCN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Qua đó tạo việc làm cho người lao động và cũng tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian tới”, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các KCX - KCN đề xuất.

Ngọc Hậu
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: