Sự kiện hot
5 năm trước

Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng vùng dân di cư tự do

Nghị quyết 22 nêu rõ, một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thực hiện an sinh xã hội. Khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển hạ tầng vùng bố trí dân di cư tự do.

khuyen khich cac doanh nghiep san xuat dau tu phat trien ha tang vung dan di cu tu do
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Di cư tự do là một hiện tượng mang tính phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, dân di cư tự do diễn ra từ nhiều năm qua với số lượng lớn: giai đoạn từ năm 2005 đến tháng 4/2019 tổng số hộ dân di cư tự do khoảng 67 nghìn hộ.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và nhận thức của người dân được nâng lên, tình trạng dân di cư tự do đã giảm mạnh, đặc biệt là số lượng người dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên (năm 2005 là 2.690 hộ, năm 2017 là 318 hộ, năm 2018 là 238 hộ và 4 tháng đầu năm 2019 là 104 hộ).

Tuy vậy, ở một số địa phương tình hình dân di cư tự do chưa chấm dứt, số hộ dân đã di cư tự do cần bố trí ổn định còn rất lớn, đời sống còn nhiều khó khăn. Tình hình quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa đảm bảo kỷ cương, pháp luật hiệu quả thấp, tình trạng tranh chấp đất vẫn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, cần một giải pháp căn cơ, quyết liệt tổ chức thực hiện hạn chế, chấm dứt tình trạng trên trong thời gian tới.

Nghị quyết 22 nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch

Hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do.

Phấn đấu đến năm 2030 đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Về công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường giai đoạn 2019 - 2025 cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đảm bảo đất phải có chủ thực sự; tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính làm cơ sở quản lý chặt chẽ…

Đặc biệt, theo Nghị quyết 22, một trong những giải pháp được đưa ra là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thực hiện an sinh - xã hội.

Theo đó, tổ chức lại sản xuất, phát triển các trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã tại các tỉnh có dân di cư tự do đến, khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển hạ tầng vùng bố trí dân di cư tự do.

Mở rộng đối tượng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng đến các hộ dân di cư tự do tại những khu vực đã được bố trí dân cư, quy hoạch ổn định.

Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm tại các vùng bố trí dân di cư tự do.

Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc các hộ dân di cư tự do (ưu tiên đào tạo nghề với nhu cầu sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn).

Các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bố trí đất (đất ở, đất sản xuất) cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện, sử dụng và phát triển rừng, lồng ghép với Chương trình bố trí dân cư.

Tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trả lại địa phương sau khi sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất và điều chỉnh diện tích đất sử dụng không hiệu quả; đồng thời, rà soát diện tích các loại đất rừng (nhưng thực tế không có rừng) để đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số và chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo cho người dân tại các điểm bố trí ổn định dân di cư tự do.

“Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp phải được thực hiện khẩn trương, đồng thời phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững và hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội”, Nghị quyết 22 nêu rõ.

Nghị quyết cũng nêu rõ giải pháp huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm và dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thành các thủ tục đầu tư các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do theo quy định; đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Đối với năm 2020, tiếp tục xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách năm 2020 theo mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 08/01/2019 của Văn phòng Chính phủ để hỗ trợ địa phương thực hiện các dự án di dân cấp bách.

Huy động nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án trên địa bàn như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; khuyến nông; đào tạo nghề; bảo vệ và phát triển rừng,....

Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, khuyến khích và huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào vùng bố trí dân di cư tự do để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Giao Bộ Tài chính và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan rà soát, cân đối, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách hàng năm cho địa phương để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Hồng Hạnh
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: